Khi thực hiện đổi mới giáo dục, vai trò của mỗi giáo viên là tất yếu, vai trò của cán bộ quản lý là định hướng, tiên phong; tuy nhiên không thể không kể đến vai trò cầu nối, dẫn dắt của tổ trưởng chuyên môn. Thậm chí, khi tổ trưởng chuyên môn “mạnh” sẽ là “nền móng” vững chắc hỗ trợ quá trình nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Dẫn dắt giáo viên thay đổi tư duy
Cô Tạ Việt Hà (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú) khẳng định, tổ trưởng chuyên môn đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi thực hiện đổi mới giáo dục, nhất là thời điểm chương trình mới “lăn bánh” trong năm đầu tiên, cả tổ vừa dạy vừa… dò đường. Tổ trưởng phải là người cùng định hướng với giáo viên để có những hiểu biết đúng đắn nhất về chuyên môn, cùng động viên, gỡ khó khi thực hiện. Tổ trưởng đóng vai trò là cầu nối truyền đạt những thông tin, chủ trương đổi mới của ngành, của trường đến giáo viên, để thầy cô nắm vững tinh thần của môn học trong chương trình mới. “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Chương trình là nền tảng, còn sách giáo khoa chỉ đóng vai trò là tài liệu tham khảo, không còn là pháp lệnh như trước đó. Vì thế, ngay năm đầu tiên triển khai, sinh hoạt chuyên môn ngoài theo hướng nghiên cứu bài học, cả tổ cùng nhau trao đổi, nghiên cứu thêm kế hoạch bài dạy từ các bộ sách khác nhau để có sự bổ trợ giúp học sinh củng cố thêm kiến thức. Các tiết thao giảng của trường là cách để giáo viên cùng trao đổi, tìm ra phương pháp dạy hiệu quả”, cô Hà chia sẻ. Tuy nhiên, theo cô Hà, rào cản lớn nhất của giáo viên khi thực hiện chương trình mới đó là yêu cầu phải thay đổi về tư duy và phương pháp dạy học. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi cách dạy khác so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Giáo viên phải nắm được tri thức kiểu bài ngữ văn và mượn ngữ liệu từ bộ sách để làm phương tiện giúp học sinh nắm vững được tri thức thể loại. Trong khi đó, chương trình cũ lại tập trung đào sâu vào tác phẩm qua năm này, năm khác… “Việc thay đổi cách dạy không phải ngày một, ngày hai mà phải từng bước. Trong đó, tổ trưởng phải là người thay đổi trước tiên và mạnh mẽ nhất. Do vậy, tổ trưởng phải nắm vững chuyên môn và tinh thần của đổi mới nhất, nắm chắc những thông tư, quy định về đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá liên quan đến môn học để phổ biến, hướng dẫn sâu cho giáo viên trong tổ. Đặc biệt, với kiểm tra đánh giá thì tổ trưởng phải cực kỳ kỹ càng, sau mỗi kỳ kiểm tra cả tổ đều phải cùng nhau phân tích, đánh giá đề để rút kinh nghiệm cho các kỳ kiểm tra sau”, cô Hà nhìn nhận.
Từ sự nâng đỡ cùng nhau, cô Hà phấn khởi cho hay, hiện nay giáo viên trong tổ đã rất mạnh dạn đổi mới, ứng dụng công nghệ, các phương pháp giáo dục tích cực như thuyết trình, vấn đáp, dạy học dự án… để làm sinh động tiết dạy. Đối với kiểm tra đánh giá, các phương pháp mới cũng được áp dụng, từ kiểm tra trên giấy, kiểm tra trên máy cho đến thuyết trình, dự án. “Trong kế hoạch kiểm tra đánh giá môn học, tổ trao quyền cho thầy cô đổi mới, thống nhất là mỗi học kỳ phải có 1 bài kiểm tra đánh giá trên K12; 1 cột điểm thuyết trình; sản phẩm dự án là 1 cột điểm; bài viết 1 cột điểm”, cô Hà cho biết.
Hỗ trợ đội ngũ giáo viên “chuyển mình”
Theo cô Nguyễn Thị Khánh Linh (Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP.Thủ Đức), trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vai trò chủ động của học sinh rất rõ nét trong việc học, thay vì trước đây chỉ rập khuôn trong khuôn khổ của sách vở và sự truyền đạt của thầy cô. Hiện nay, chính học sinh sẽ chủ động tìm hiểu, khám phá, tìm tòi kiến thức. Chính vì vậy, chương trình đặt ra vai trò nặng nề hơn cho người giáo viên, thầy cô phải “chuyển động” nhiều. Nếu trước đây, với một giáo án, giáo viên có thể mang đi dạy ở tất cả các lớp trong cùng một khối, thì hiện nay, kế hoạch bài dạy chỉ là cái chung, từ đó giáo viên phải cá thể hóa thành bài dạy riêng cho từng lớp, mỗi lớp lại phải cá thể hóa từng học sinh, tiếp cận đến từng học sinh. Bởi mỗi lớp lại có những đặc thù riêng về mô hình lớp, về đối tượng học sinh, và mỗi học sinh sẽ có những khả năng tiếp cận khác nhau. “Qua 4 năm “chuyển mình” theo chương trình mới, đến nay giáo viên trong tổ đã quen việc và không còn cảm thấy áp lực hay nặng nề về những yêu cầu đặt ra của chương trình. Đổi mới không còn là việc sáng tạo nữa mà trở thành nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên. Đặc biệt, chính sự hào hứng tiếp nhận của học sinh với bài học khi giáo viên có sự đổi mới đã trở thành động lực thúc đẩy thêm sự nỗ lực, đổi mới của giáo viên”, cô Linh đánh giá.
Từ thực tế nhà trường, cô Linh nhấn mạnh, vai trò của tổ trưởng chuyên môn là dẫn dắt tổ nhóm cùng “chuyển mình” khi thực hiện chương trình mới. Bởi tổ trưởng luôn là người được tiếp cận trước với những cái mới. Nhà trường theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập, vì vậy tiếng Anh là bộ môn đi đầu, đặt ra vai trò cao cho tổ trưởng. “Hiện nay, tôi đều phải cố gắng mỗi ngày để có thể hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên trong tổ. Học sinh của trường rất giỏi về tiếng Anh, vì vậy để có thể giảng dạy được các em cũng như giúp phụ huynh an tâm thì giáo viên buộc phải nâng cao chuyên môn”, cô Linh cho hay.
Khoa học tự nhiên là môn học mới, được đánh giá là khó trong Chương trình giáo dục phổ thông bậc THCS, do được tích hợp từ 3 môn trong chương trình cũ trước đây là lý, hóa, sinh. Theo thầy Nguyễn Mạnh Trí (Tổ trưởng Tổ khoa học tự nhiên Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh), thời điểm đầu triển khai, để một giáo viên tự tin đứng lớp giảng dạy môn học là rất khó bởi e ngại trước những mạch kiến thức cần đào sâu không thuộc lĩnh vực chuyên môn gốc của mình. Thậm chí, giáo viên gặp khó ngay cả khi dạy mạch kiến thức liên quan đến gốc chuyên môn do thói quen đào sâu kiến thức, vô tình tạo áp lực cho chính giáo viên và học sinh. Cạnh đó, với phương pháp mới giáo viên cũng còn lúng túng, giúp mọi học sinh đều tiếp cận được. “Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, tổ trưởng phải làm rõ, thống nhất về yêu cầu cần đạt của từng bài dạy, để giáo viên không nhầm lẫn giữa yêu cầu cần đạt của chương trình mới với chương trình cũ. Đồng thời thống nhất về phương pháp để học sinh tiếp thu tốt nhất, hỗ trợ từng đối tượng học sinh”, thầy Trí nói.
Xác định vai trò định hướng, dẫn dắt của tổ trưởng cực kỳ quan trọng khi thực hiện chương trình mới ở môn học trong nhà trường, tác động đến sự thay đổi tư tưởng của thầy cô trong tổ khi tiếp nhận chương trình, thầy Trí cho biết, ngay khi chương trình mới bắt đầu thực hiện ở khối lớp 6, thầy đã đăng ký dạy và dạy cuốn chiếu lên các khối lớp cao hơn theo từng năm chương trình mới thực hiện. Điều này giúp thầy bám sát, nhận diện được đúng những khó khăn của giáo viên trong môn học để cùng gỡ khó. “Tôi có quan điểm tổ trưởng luôn phải là người đi đầu về chuyên môn. Khi người tổ trưởng vững vàng về chuyên môn, chịu khó đổi mới thì sẽ là động lực thúc đẩy, hậu thuẫn mỗi giáo viên hiểu và làm đúng về chuyên môn, mạnh dạn đổi mới một cách nhẹ nhàng”, thầy Trí chia sẻ.
Đến nay, sau 4 năm thực hiện chương trình mới, thầy Trí đánh giá, giáo viên môn khoa học tự nhiên của trường đã rất mạnh dạn và tự tin đổi mới. Tùy từng bài học, việc giảng dạy được thầy cô mở rộng không gian gắn với thực tế. Đặc biệt, mỗi tuần giáo viên đều tổ chức 1 tiết STEM để học sinh vận dụng kiến thức bài học vào thiết kế sản phẩm thực tế. Năm nay, thời lượng kiểm tra đánh giá môn học cũng được tổ thống nhất theo đúng yêu cầu là 60 phút với 40 câu trắc nghiệm, đồng thời mạnh dạn nâng mức độ kiến thức vận dụng cao từ 0,5 điểm lên 0,75 điểm.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)