Chị tên Láng nhưng con đường đi đầy gập ghềnh. Vượt qua muôn vàn trắc trở bởi sự kém may của số phận mang lại, chị Hồ Thị Láng đã vươn lên vững vàng làm chủ cuộc sống và truyền cảm hứng sống tích cực đến với thế hệ trẻ. Chị Láng vinh dự được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 và là một trong 3 thanh niên của Đà Nẵng tham dự Đại hội Đại biểu Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2024-2029.
Không đầu hàng số phận
Căn nhà nhỏ vỏn vẹn khoảng hơn chục mét vuông ở thôn Cồn Mong (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bao năm qua chắn gió che mưa và cũng là nơi chị Láng nhọc nhằn sáng tạo ra những bức tranh giấy xoắn để mưu sinh. Cột sống lưng cong vẹo, bệnh hở van tim khiến thân thể cao tầm 1m, nặng chưa tới 30kg của chị Láng càng trở nên nhỏ bé. Dù vậy, ở chị vẫn thường trực nụ cười và ánh mắt tự tin khi nói về cuộc sống.
Láng sinh ra mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác. Biến cố ập đến năm Láng tròn 12 tuổi. “Hồi đó tôi học lớp 6, bỗng dưng bị những trận sốt kéo dài, sự trở mình trên giường bệnh ngày càng khó khăn. Ba mẹ tôi làm nông, thương con đã phải vay mượn và bán sạch những vật nuôi có trong gia đình để đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi, tận Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ kết luận tôi bị cong vẹo cột sống, thời điểm ấy cần có 200 triệu đồng may ra mới có thể nhen lên niềm hy vọng hạn chế bệnh tiến triển. Số tiền ấy dù trong mơ bố mẹ tôi cũng không bao giờ dám nghĩ đến. Sau thời gian cố nán lại bệnh viện, tôi được đưa về lại quê trong dòng nước mắt gần như không ngừng chảy trên gương mặt ba mẹ tôi…”, chị Láng trầm giọng kể lại.
Một ngày giữa năm 2015, sau khi tìm hiểu về các ngành nghề phù hợp với sức khỏe, Láng xin ba mẹ rồi khăn gói lên xe ra Hà Nội xin học nghề làm tranh giấy xoắn (Quiling paper). Thành thạo nghề sau nửa năm theo học, Láng ở lại tiếp tục làm cho cơ sở đó thêm gần 2 năm. Trở thành bà mẹ đơn thân bất đắc dĩ, Láng quyết định trở về quê hương. Đứa con nhỏ tiếp thêm cho chị động lực để khởi nghiệp từ tranh giấy xoắn. Dụng cụ làm nghề của chị ngày đó khiêm tốn với mớ giấy nguyên liệu ít ỏi, chiếc máy cuốn giấy, chiếc nhíp gắp, bình keo sữa và cây kéo cắt… Chị bảo, nghề này đòi hỏi sự sáng tạo và tính kiên nhẫn tột bậc. Bởi chỉ cần một chút nóng vội là sẽ làm hỏng cả tác phẩm nghệ thuật. Người làm tranh giấy xoắn phải dành trọn tình yêu của mình vào từng động tác xoắn, gắn giấy lên tranh. Có như thế người chơi tranh mới cảm được cái hồn trong bức tranh ấy mà trở nên yêu thích và tìm đến lần sau, hoặc giới thiệu với người khác.
Bình quân, để làm được một tấm thiệp chị mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Với một bức tranh thì khoảng thời gian đó là 2 ngày. Tùy kích thước các sản phẩm và độ phức tạp của tranh, giá cả dao động từ 30 đến 200 ngàn đồng, thậm chí có bức giá vài triệu đồng. Gần đây nhất, chị mất 10 ngày ròng rã để hoàn thiện bức tranh giấy xoắn về “Đình làng Túy Loan” với khích thước 45x50cm do huyện Hòa Vang đặt hàng. “Dù không thể giàu có từ nghề do còn nhiều hạn chế chủ quan và khách quan nhưng thu nhập từ tranh giấy xoắn góp phần ổn định cuộc sống hàng ngày của gia đình”, chị Láng nói.
Truyền cảm hứng sống tích cực
Tháng 6-2024, chị Láng tham gia hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức và xuất sắc đạt giải nhất với sản phẩm thiệp, tranh giấy xoắn. Điều đặc biệt, chị đã tìm thấy niềm vui và tự tin hơn trong cuộc sống, công việc. “Giờ đây, với nghề này, tôi có thể làm nuôi con và không còn mặc cảm về hình hài không tròn vẹn của mình. Tôi cũng nuôi khát khao sẻ chia sự tự tin này đến với những bạn đồng cảnh ngộ”, chị Láng bộc bạch.
Giữa hàng trăm tấm thiệp, chị Láng đưa tay chọn tấm thiệp có hình bông hoa hướng dương. Chị nói: “Tôi thích nhất là làm thiệp hình hoa này. Nhìn bông hoa tôi hình dung ra sức sống mãnh liệt, luôn hướng về phía ánh sáng mặt trời. Lần đầu tiên làm thiệp, tôi cũng làm tấm thiệp hoa hướng dương và tôi để lại làm kỷ niệm, mỗi lần thấy cuộc sống chênh vênh, tôi đều đem bức tranh ấy ra ngắm. Tôi thấy, cuộc sống dù khó khăn đến đâu thì như loài hoa này, chỉ cần hướng về phía ánh sáng mình sẽ có thêm niềm tin và năng lượng để tiếp tục tiến tới. Đó cũng là thông điệp, tôi muốn gửi tới tất cả các bạn trẻ không may khiếm khuyết một phần thân thể, như tôi. Hãy sống và hướng về phía mặt trời!”. |
Còn nhớ những ngày đầu, việc giới thiệu sản phẩm của chị Láng gặp nhiều khó khăn. Chật vật mãi mới tìm được kênh đầu ra cho sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ của Xã đoàn, Hội Phụ nữ xã… dần dần tệp khách hàng của chị lớn hơn, rộng hơn. Khách hàng khắp nơi tìm đến mua hàng hoặc đặt qua Fanpage. Ân tình đó với chị rất sâu đậm. Chị bảo, cuộc sống nếu không có sự sẻ chia, thiếu đi cái nắm tay đúng lúc hẳn sẽ rất khó khăn. Từ câu chuyện của chính mình, chị thấu cảm hơn với những mảnh đời không may mắn chịu cảnh tật nguyền.
Mỗi tuần hai buổi, dù sức khỏe không tốt, chị vẫn dành thời gian đến Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thành phố, đứng lớp truyền nghề để góp phần sẻ chia, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật nhằm giúp các bạn có thêm điều kiện thuận lợi để làm hành trang vào đời và tự lo cho cuộc sống của mình.
Ngoài ra, chị còn tham gia nhiều buổi nói chuyện, truyền cảm hứng tích cực đến các bạn trẻ trong thôn, xã… mỗi khi có dịp. “Tôi luôn sẵn sàng truyền nghề cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn không may bị khuyết tật thân thể… để họ có cơ hội vươn lên, hòa nhập cộng đồng và tìm được nguồn thu nhập nuôi sống bản thân”, chị Láng nói.
Giữa hàng trăm tấm thiệp, chị Láng đưa tay chọn tấm thiệp có hình bông hoa hướng dương. Chị nói: “Tôi thích nhất là làm thiệp hình hoa này. Nhìn bông hoa tôi hình dung ra sức sống mãnh liệt, luôn hướng về phía ánh sáng mặt trời. Lần đầu tiên làm thiệp, tôi cũng làm tấm thiệp hoa hướng dương và tôi để lại làm kỷ niệm, mỗi lần thấy cuộc sống chênh vênh, tôi đều đem bức tranh ấy ra ngắm. Tôi thấy, cuộc sống dù khó khăn đến đâu thì như loài hoa này, chỉ cần hướng về phía ánh sáng mình sẽ có thêm niềm tin và năng lượng để tiếp tục tiến tới. Đó cũng là thông điệp, tôi muốn gửi tới tất cả các bạn trẻ không may khiếm khuyết một phần thân thể, như tôi. Hãy sống và hướng về phía mặt trời!”, chị Láng bộc bạch.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)