Ngày 16-11-2024, tại TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) trong không khí sôi nổi và trang trọng, đã diễn ra phiên toàn thể “Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển”. Đây là sự kiện chính nằm trong chuỗi các hoạt động Diễn đàn Mekong Startup – lần II năm 2024 do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Mekong Startup là diễn đàn thường niên vùng ĐBSCL, được thực hiện nhằm thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công – tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về phát triển ĐBSCL theo hướng “phát triển bền vững, ĐMST, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”.
Diễn đàn được tổ chức trong hai ngày 15 và 16-11 với sự tham dự của đại diện Bộ NN-PTNT, các cá nhân và tập thể có dự án khởi nghiệp xuất sắc, các công ty, doanh nghiệp của vùng ĐBSCL và TP.HCM. Trước phiên diễn đàn toàn thể, Ban tổ chức đã triển khai các nhóm hoạt động, trong đó có hội thảo khoa học và trưng bày triển lãm các sản phẩm khởi nghiệp, nhằm giúp các startup phát huy vai trò, vị trí; cất lên tiếng nói để góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới nhằm phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng được nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: Năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện, đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, Mekong Startup được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc mở rộng không gian kết nối các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Từ đó đến nay, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai, đem lại kết quả cao về phát triển nông nghiệp và nông thôn cho khu vực, góp phần nâng cao đời sống người dân. Cụ thể: Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên được triển khai ở nhiều địa phương, như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm – lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh của Đồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau…, mô hình trồng lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh thuộc Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao của 12 tỉnh ĐBSCL, mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn… nhờ đó diện mạo vùng ĐBSCL đã thay đổi, góp phần tích cực thực hiện cam kết của Chính phủ về chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.
Vùng ĐBSCL đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và biến động thị trường làm thay đổi xu thế tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Để phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung thì việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ĐMST là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu.
Thứ trưởng cho rằng: Hiện nay ĐBSCL và cả nước đã hình thành những xu hướng mới về kinh tế xanh, giảm phát thải cộng với khả năng về việc mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ, những ưu tiên đầu tư mới về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, sự phát triển các đề án, chương trình mới trong nông nghiệp… đã tạo ra cơ hội lớn để tạo việc làm và thúc đẩy khởi nghiệp.
Thứ trưởng tin tưởng: Với những hoạt động rất ý nghĩa; với quy mô mở rộng, đổi mới, Mekong Startup – lần II năm 2024 sẽ tạo bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành ĐBSCL cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với ĐMST, phát triển mang tính liên vùng; góp phần tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt nhận định: Thời gian qua, khu vực ĐBSCL được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực trong ĐMST. Và chủ đề của Diễn đàn Mekong Startup lần II cũng thể hiện đúng khát vọng vươn mình của ĐBSCL. Bộ KH-CN đánh giá cao ý tưởng hình thành mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong của đơn vị tổ chức. Mong có nhiều dự án cho sự phát triển xanh của khu vực và cả nước.
Để những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị của diễn đàn năm nay có cơ hội hiện thực hóa, Bộ trưởng đề nghị: “Các mô hình ĐMST theo định hướng kinh tế xanh có thể sẽ cần các không gian mới về mặt pháp lý và thực thi. Để không tạo ra các điểm nghẽn, các rào cản cho người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học… các địa phương, với sự hỗ trợ của Mạng lưới Mekong xanh và các nhóm công tác, tới đây cần tính tới việc nghiên cứu để mạnh dạn tham mưu, đề xuất các cấp thẩm quyền cho áp dụng các cơ chế thí điểm, thử nghiệm, gắn các cơ chế sandbox với các đề án/dự án lớn của quốc gia đã và đang triển khai tại vùng ĐBSCL, như Đề án 1 triệu hécta lúa phát thải thấp, hay dự án “Chống chịu khí hậu chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL”… để tích hợp được năng lực ĐMST với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của vùng.
Về phía Bộ KH-CN, tôi cam kết sẽ ủng hộ và theo sát tiến trình thúc đẩy ĐMST gắn với kinh tế xanh của khu vực ĐBSCL. Chúng tôi sẽ cùng các bộ, các tỉnh, thành, các nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia báo cáo các vấn đề cần thiết với Chính phủ để tháo bỏ các rào cản, điểm nghẽn pháp lý, chính sách; đồng thời sẽ cùng quý vị nghiên cứu để hiện thực hóa các ý tưởng, các mô hình”.
Dưới góc độ Ban Tổ chức, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ, một số mục tiêu lớn đặt ra cho diễn đàn lần II đã hoàn thành, góp phần thúc đẩy thành hiện thực các mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”. Diễn đàn đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công – tư. Trong đó điểm mới của diễn đàn là Đồng Tháp đã khởi xướng tổ chức cuộc thi Sáng kiến Mekong, từ đó chọn được các sáng kiến tiêu biểu, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Dip này, Ban Tổ chức đã trao giải cho các dự án tham gia cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi xanh – Phát triển bề vững”. Giải nhất được trao cho nhóm tác giả Nguyễn Trung Tính (Đồng Tháp), với dự án Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha amin; Giải nhì thuộc về nhóm tác giả Lê Thị Thu Ngân (TP.HCM), với dự án Airboots – robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa với ba chức năng phun thuốc, bón phân và gieo hạt; Giải ba trao cho nhóm tác giả Hồ Ngọc Trâm (Đồng Tháp), với dự án Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay.
Cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 nhận được 136 sáng kiến đến từ 18 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó tỉnh Đồng Tháp có nhiều sáng kiến nhất (79 đơn vị), kế là TP.HCM với 14 đơn vị. Trải qua hai vòng thi, 10 đội xuất sắc đã lọt vào vòng chung kết. Giải nhất nhận 100 triệu đồng, giải nhì nhận 50 triệu đồng; giải ba nhận 30 triệu đồng. 7 khuyến khích, mỗi giải nhận 10 triệu đồng.
Đan Phượng
Bình luận (0)