Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhìn lại những huy hiệu phản chiến

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21-11, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh khai mạc trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những huy hiệu phản chiến” nhằm kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2005/ 23-11-2024).

Khách tham quan những chiếc huy hiệu phản chiến được trưng bày

Chuyên đề trưng bày 182 hiện vật, hình ảnh, tài liệu theo 5 nhóm nội dung: “Huy hiệu phản chiến của học sinh, sinh viên Mỹ”; “Huy hiệu phản chiến của các tổ chức thuộc Đảng Cộng sản Mỹ”; “Huy hiệu phản chiến của chiến binh Mỹ và phong trào chống quân dịch”; “Huy hiệu phản chiến của các tổ chức phong trào chính trị, xã hội, tôn giáo” và “Huy hiệu phản chiến của phong trào phụ nữ”.

Ngoài hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại chuyên đề, khách tham quan còn được trải nghiệm thêm công nghệ scan 3D.

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh – Phó Giám đốc quản lý, phụ trách điều hành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho biết, chuyên đề mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực về một cuộc chiến trong lòng nước Mỹ song hành với cuộc chiến thực tế đang diễn ra ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó việc phát hành và sử dụng những chiếc huy hiệu phản chiến là một hình thức phổ biến. Theo thời gian, những chiếc huy hiệu này đã trở thành những “chứng nhân”, những mảnh ghép cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, lương tri và công lý diễn ra ngay tại nước Mỹ.

Qua những hiện vật truyền tải thông điệp về hòa bình, hạnh phúc

Chuyên đề còn mang thông điệp về hòa bình, hữu nghị, thúc đẩy và phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho rằng, đây là chuyên đề hấp dẫn, đầy sáng tạo và đậm ân tình. Trong đó, những chiếc huy hiệu phản chiến mang nhiều ý nghĩa độc đáo, trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình, tiếng nói của chính nghĩa, yêu cầu chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

“Thông qua những chiếc huy hiệu, những thông điệp sâu sắc, nhân văn của những người luôn đấu tranh cho hòa bình, cho chính nghĩa trên toàn thế giới sẽ được cảm nhận. Từ đó họ có thể chia sẻ và tiếp tục suy ngẫm, hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn”, ông Nhựt kỳ vọng.

Trưng bày diễn ra đến hết tháng 4-2025.

Hồ Trinh

Bình luận (0)