Diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-11, Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024 với chủ đề “Chuyện làng, chuyện phố” đã thu hút đông đảo người dân, du khách và các em học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm, khám phá những câu chuyện về văn hóa, lịch sử của vùng đất nơi đầu biển, cuối sông…
“Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng năm 2024” với chủ đề “Chuyện làng, chuyện phố” là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật, thường niên được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào tháng 11 hằng năm nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.
Tham gia chương trình, người dân và du khách có cơ hội tham gia tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa và thú vị đằng sau các di sản kiến trúc trên địa bàn TP.Đà Nẵng, được trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Tại ngày hội đã diễn ra triển lãm “Chuyện làng” gồm hơn 60 bức ảnh kể về sự khởi đầu của các đình làng tại Đà Nẵng trong dòng chảy lịch sử cùng với các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với mỗi đình làng, được sắp xếp theo các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Triển lãm “Chuyện phố” gồm 30 tác phẩm tranh ký họa, vẽ lại một phần bức tranh đô thị Đà Nẵng trong thời kỳ thuộc Pháp, giúp người xem hình dung rõ hơn về ký ức không thể quên của một thời kỳ “thị dân nhượng địa Đà Nẵng” chịu ảnh hưởng bởi phương Tây.
Triển lãm “Hồn phố” gồm các tác phẩm vào chung kết Cuộc thi làm mô hình các công trình kiến trúc tiêu biểu tại TP.Đà Nẵng, giúp công chúng hiểu biết về các di tích, công trình kiến trúc một cách sống động và đa chiều hơn.
Bên cạnh các triển lãm chính, tại ngày hội còn trưng bày một số sản phẩm lưu niệm thủ công là các mô hình bằng tăm tre, gỗ về các công trình kiến trúc nổi bật của Đà Nẵng như cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn, cầu vượt Ngã ba Huế, đình làng Hải Châu, Hải Vân quan, Trung tâm Hành chính TP.Đà Nẵng, Nhà trưng bày Hoàng Sa, Tượng đài 2-9, Trụ sở Thành ủy Đà Nẵng… do cộng đồng người yếu thế thực hiện.
Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Chi hội Di sản văn hóa Bảo tàng Đà Nẵng và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức chương trình “Chợ phiên đồ xưa Đà thành” trưng bày, giới thiệu và trao đổi những đồ vật gợi nhớ ký ức xưa như: Gốm sứ cổ, đồ đồng, đồ thờ; các loại tiền xu, tiền giấy những năm trước đổi mới; những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đèn bầu pha lê Pháp, các loại quạt, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, sách cũ… và các đồ dùng sót lại từ thời bao cấp.
Bên cạnh đó, cuộc thi “Khám phá di sản kiến trúc Đà Nẵng” dành cho các em học sinh khối THCS trên địa bàn quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ là dịp để tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng – Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết: “Có thể nói TP.Đà Nẵng là một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng. Điều này lý giải cho lý do vì sao “văn minh đô thị” và “văn hóa làng” vẫn song hành và trở thành “nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh” của đất và người Đà Nẵng. Giữa một diện mạo đô thị hiện đại với những con đường khang trang, những cây cầu nối liền “hai bờ vui” vẫn thấp thoáng bóng dáng của cây đa, bến nước, sân đình, miếu xóm đầy những câu chuyện thâm trầm qua năm tháng; vẫn những lễ hội cổ truyền xôm tụ, đông vui và nghề thủ công truyền thống quanh năm đỏ lửa. Tất cả tạo nên một không gian di sản văn hóa đặc sắc ngay trong lòng phố với những sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng, các thiết chế và mối liên kết truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)