Ngày 14-1-1993, lần đầu tiên quan điểm “giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục – đào tạo (GD-ĐT).
Và 20 năm sau, ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Theo đó, lại một lần nữa khẳng định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu…
1.Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, GD-ĐT nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cả nước đã hoàn thành phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập GD tiểu học và THCS; GD phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; chất lượng GD phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao; GD thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện; GD nghề nghiệp đã phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
GD ĐH tiếp tục đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở GD ĐH và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.
Phương pháp dạy – học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng GD được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 29 còn một số hạn chế, bất cập. Việc thể chế hóa một số nội dung của nghị quyết thành chính sách, pháp luật phục vụ đổi mới GD-ĐT, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD ĐH chậm được ban hành. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở GD-ĐT, triển khai chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn.
Liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, phân luồng học sinh sau THCS còn bất cập.
GD nghề nghiệp và GD ĐH chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao. Trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tỉ lệ học sau ĐH, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ còn thấp.
Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều.
Chính sách, cơ chế tài chính cho GD còn bất cập; tỉ lệ phòng học chưa kiên cố hóa còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.
Một số chỉ tiêu nghị quyết đề ra chưa hoàn thành; công tác truyền thông về đổi mới GD-ĐT, xã hội hóa GD và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GD-ĐT còn có mặt hạn chế, chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư cho GD…
Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập trên nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, đưa GD-ĐT Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về GD-ĐT.
2.Để triển khai Kết luận 91, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ ban hành chương trình hành động. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng dự thảo chương trình hành động của Chính phủ.
Ngày 2-11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT – đã chủ trì phiên họp của Ủy ban về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới GD-ĐT theo Kết luận số 91.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, khẳng định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, đổi mới GD-ĐT là nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, sự nghiệp GD-ĐT của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương này, nhất là trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn vậy, phải quán triệt, thấm nhuần các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 29 và Kết luận 91; phải lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển.
Cho biết nội hàm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã được các nghị quyết, kết luận xác định rõ, Thủ tướng nhấn mạnh 5 yếu tố mang tính phương châm về: Thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập.
Về thời gian, thời gian là vàng, nếu chậm về thời gian là lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Do đó các chính sách phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả.
Về trí tuệ, phát triển phải dựa vào GD-ĐT và đổi mới sáng tạo.
Về khát vọng, phải có đột phá để đưa nền GD-ĐT nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt. Chúng ta đã xác định các mục tiêu phát triển tới năm 2030, 2045, nhưng GD-ĐT là quốc sách hàng đầu thì mục tiêu GD-ĐT phải đi sớm hơn. Cùng với đó, phát huy tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Về hội nhập, phải đi đúng xu hướng thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong phát triển GD-ĐT.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo chương trình hành động, Thủ tướng lưu ý các nội dung liên quan đến rà soát quy hoạch mạng lưới, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các bộ môn khoa học cơ bản, các lĩnh vực truyền thống và các ngành kinh tế mới nổi (chip bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…); nguồn lực đầu tư cho GD, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, đồng thời đào tạo ngoại ngữ khác theo nhu cầu.
Hòa Triều
Bình luận (0)