1. Tôi nhớ đã đọc mẩu chuyện sau trong sách giáo khoa ở bậc tiểu học cách gần 40 năm: “Một hôm thầy Chu Văn An cùng mấy học trò từ quê lên kinh kỳ. Thầy trò đang dạo chơi, bỗng gặp một cậu bé bán kẹo. Em bé khép nép dừng lại bên đường khoanh tay cúi đầu cung kính cất lời chào. Chu Văn An vội đứng ngay lại, cũng chắp tay cúi đầu đáp lễ không kém. Khi em bé đã đi xa, một người học trò hỏi ông: “Thưa thầy, thằng bé bán kẹo kia là đứa tiện dân, thất học, lang thang, sao thầy lại cung kính với nó như vậy? Con e thầy làm như vậy sẽ tổn hại đến danh tiếng của thầy”. Chu Văn An cười và bảo học trò của mình rằng: “Kẻ bán kẹo tiện dân, lang thang, thất học còn biết giữ lề như vậy, huống hồ ta là người đọc sách thánh hiền, há không biết giữ lề sao con?”.
2. Câu chuyện trên mang đến cho chúng ta nhiều bài học quý giá và sâu sắc. Một trong những bài học chính là về sự tôn trọng và khiêm tốn. Dù cậu bé là một người nghèo, thất học, nhưng thầy Chu Văn An vẫn dành cho em sự tôn trọng, cho thấy rằng mọi người đều xứng đáng được đối xử với lòng kính trọng, không phân biệt địa vị xã hội. Chúng ta hiểu rằng, trong xã hội cũ, sự phân biệt sang hèn, đẳng cấp, địa vị là rất lớn; một học trò dù lớn tuổi nhưng có thể chỉ phải thi lễ một chiều với thầy giáo (người thầy không nhất thiết đáp lễ), nói gì đến một đứa trẻ bán kẹo nghèo hèn. Do đó, thái độ của thầy Chu Văn An thể hiện sự giản dị, khiêm tốn đáng kính và chính cách ứng xử của thầy đã để lại cho chúng ta một bài học lớn về việc ứng xử với mọi người, nhất là người có vị trí thấp hơn bản thân mình.
Bài học thứ hai là về trách nhiệm của người có học. Thầy Chu Văn An đã nhấn mạnh rằng, nếu một người có kiến thức và hiểu biết lại không biết giữ lễ thì thật đáng trách. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tri thức đi đôi với nhân cách và trách nhiệm đối với xã hội. Tức là, người càng có địa vị cao, vốn đã được khẳng định về trình độ học vấn, đã hoặc đang giữ các chức nghiệp được xã hội trọng vọng… thì càng phải biết giữ lễ. Điều này hẳn khác với quan niệm của một số người cho rằng, chỉ có người dưới, người thấp mới cần thi lễ và giữ lễ với người trên, còn người cao hơn thì được tôn trọng là đương nhiên, không nhất thiết phải giữ lễ. Quan niệm có thể đúng phần nào trong xã hội cũ, còn hiện nay là điều hoàn toàn không nên, vì mỗi người dù có trình độ, địa vị ra sao thì cũng bình đẳng như nhau và do đó đều cần được tôn trọng. Từ đó, người có vị trí cao lại càng phải giữ hình ảnh, uy tín của mình trước hết bằng việc giữ lễ.
Bài học thứ ba, câu chuyện cũng khuyến khích chúng ta thực hành đạo đức và truyền thống văn hóa, giữ gìn các giá trị tốt đẹp trong giao tiếp hằng ngày. Giữ lễ là một loại thực hành đạo đức, qua đó thể hiện là người có tư cách, hành xử có văn hóa. Các hình thức giữ lễ trong sinh hoạt hằng ngày có rất nhiều, như chào nhau, chào đáp lễ, cảm ơn, xin lỗi, có trang phục phù hợp với hoạt động và người tiếp xúc, phong cách trao đổi, trò chuyện, nhường đường, biết lắng nghe… Như trong câu chuyện trên, việc thầy Chu Văn An chắp tay cúi đầu chào đáp lễ là một cách thực hành đạo đức và hành động đó càng khẳng định tư cách, đạo đức của thầy. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc giữ gìn và phát huy các nét đặc sắc, đậm tính truyền thống trong sinh hoạt thực sự rất cần được nhắc lại và thực hành.
3. Từ câu chuyện về thầy Chu Văn An, người làm thầy còn có thể rút ra nhiều bài học quý giá. Đó là luôn tôn trọng mọi người và nhất là người học. Dù ai đó có xuất thân hay địa vị như thế nào, việc tôn trọng họ là rất quan trọng. Sự kính trọng không chỉ là phép lịch sự mà còn phản ánh nhân cách của người thầy. Trong đó, đối với người thầy, người học thường ít tuổi hơn, có vị trí xã hội thấp hơn (trừ trường hợp người học là cán bộ đương chức), do đó người thầy dễ có xu hướng ít tôn trọng người học. Đây là điều cần điều chỉnh và phải thực sự thay đổi, khắc phục. Đó là luôn gương mẫu trong mọi hành vi. Làm thầy không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn làm gương cho học trò. Thầy Chu Văn An thể hiện rằng người có học vấn phải luôn duy trì lễ nghĩa và nhân cách, từ đó khuyến khích học trò cũng làm theo. Người thầy thường là một hình mẫu về nhiều mặt cho người học, như về tư cách, đạo đức, thái độ, lối sống, lý tưởng sống…, dù có khi bản thân người thầy không cố gắng xây dựng hình mẫu đó nhưng chính qua hoạt động thực tiễn có thể làm người thầy trở thành hình mẫu và lôi cuốn, thuyết phục người học làm theo. Do đó, người thầy không thể nói lý thuyết suông mà phải gắn lời nói với hành động và luôn xác định rõ mỗi hành động, cử chỉ của mình có thể tác động đến người học, vì vậy không thể dễ dãi, khinh suất. Đó là hiểu rõ giá trị của khiêm tốn. Đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore từng nói: “Chúng ta tới gần nhất với sự lớn lao khi chúng ta lớn lao trong khiêm tốn”. Sự vượt trội (nếu có) của người thầy chủ yếu là do đi trước (do tuổi tác) hoặc do kinh nghiệm chứ chưa hẳn đã giỏi hơn về năng lực. Do đó, sự khiêm tốn giúp người thầy nhận ra rằng tri thức không đồng nghĩa với sự vượt trội hay quyền lực. Người thầy cần hiểu rằng học hỏi là một quá trình không ngừng và bản thân phải thực sự không “ra vẻ” trước người học, dù là các học trò tuổi nhỏ, đồng thời phải luôn học hỏi, làm đầy cho bản thân mình trên mọi phương diện. Chính việc học đó cũng là một cách nêu gương cần thiết cho người học. Đó là khuyến khích sự nhạy cảm trước các tình huống trong xã hội. Câu chuyện trên nhắc nhở người thầy rằng họ nên nhạy cảm với mọi tầng lớp trong xã hội, để có thể dạy học trò không chỉ về sách vở mà còn về cuộc sống và những giá trị nhân văn. Sự nhạy cảm thực ra không do các yếu tố thiên bẩm của một người, dù là người thầy, mà từ sự trải nghiệm gắn với một trạng thái tâm lý, tình cảm tích cực trước cảnh, người, vật ở xung quanh. Do đó, nhìn thấy một đứa trẻ bán kẹo nghèo khổ, người có nhạy cảm sẽ hình thành một sự quan tâm trên cơ sở của lòng nhân ái và chia sẻ. Nếu người thầy nhìn thấy người nghèo, người khuyết tật hay một hoàn cảnh éo le mà vẫn dửng dưng, thờ ơ hoặc tỏ ra khinh bỉ thì rõ ràng đã “dạy” cho người học và nhiều người khác một lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm.
Mẩu chuyện về thầy Chu Văn An thực sự đã để lại nhiều bài học quý báu không chỉ cho người làm thầy mà còn cho bất kỳ ai, nhất là những người trong vai trò lãnh đạo hay hướng dẫn người khác. Từ chuyện trên, có lẽ mỗi người tự hình thành trong đầu một nhận thức: “Thầy Chu Văn An còn làm như vậy huống chi là mình”, để tự nhắc nhở rằng bản thân phải luôn tích cực và kiên trì thực hành các bài học như đã nêu ở trên!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)