Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những người thầy trong trái tim tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Có mt thế h vàng – nhng ngưi thy ca tôi tng công tác ti Khoa Văn đã ra đi mãi mãi. Trong cm nhn ca tôi, đy là nhng trí thc, k sĩ, nhng nhân cách đáng n trng, có đóng góp xut sc không ch cho Khoa Văn Trưng ĐH Sư phm Vinh (nay là ĐH Vinh), mà còn cho lch s văn hóa và giáo dc nưc nhà.

Giảng viên ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Vinh

1. Khóa tôi không được học thầy Lê Hoài Nam. Nhưng nhờ sự “liều mình” xin trọ qua đêm nhà thầy ngày nhập học, tôi biết và càng chú ý đọc các công trình thầy viết: Truyện Nôm khuyết danh, về Hồ Xuân Hương, văn học hiện thực trào phúng: Nguyễn Khuyến… Tất cả đều với một thái độ cẩn trọng của người làm khoa học nghiêm túc. Những gì thầy viết, cách đây đã gần nửa thế kỷ, cho đến hôm nay, vẫn còn có ý nghĩa, nhất là khi thầy bàn về việc cần chú trọng “tiếng nói khách quan của tác phẩm qua hình tượng nghệ thuật”, về “vấn đề dâm và tục trong thơ Hồ Xuân Hương”… Thầy Lê Hoài Nam hoàn toàn có cơ sở và thực sự tinh tường khi khái quát Hồ Xuân Hương “rất có ý thức về giá trị của mình”, “sẵn sàng chống lại những gì ràng buộc con người, những cái giả dối hoặc trái tự nhiên”. Đấy là những giá trị nhân văn nổi trội mà thầy từng tìm kiếm, dựng xây cả trong học thuật và trong đời sống. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ngày tôi nhập trường năm 1975, xin ngủ trọ một ngôi nhà ở giữa bãi đất vắng trong khuôn viên trường mà sau này mới biết đó là nhà của thầy hiệu trưởng Lê Hoài Nam.

Vào năm học thứ nhất (1975-1976), một nhóm chúng tôi được gặp thầy Hoàng Tiến Tựu tại văn phòng khoa; còn tôi được học thầy chủ yếu là ở chuyên đề cao học (1979-1981). Hoàng Tiến Tựu là chuyên gia hàng đầu của chuyên ngành văn học dân gian với nhiều công trình mà người nghiên cứu Folk literature không thể không tham khảo: Văn học học dân gian Việt Nam; Mấy vấn đề về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian; Bình giảng truyện dân gian; Bình giảng ca dao… Hình như trời sinh ra thầy Hoàng Tiến Tựu là để “làm” văn học dân gian. Hồn nhiên, tinh tế, dí dỏm, nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía. Tôi vẫn còn nghe phảng phất đâu đây giọng bình có sức cám dỗ thôi miên của thầy, về: Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…, về: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em có chồng rồi giả yếm cho anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc cớ chi anh anh đòi… Thầy là người giỏi truyền cảm hứng cho sinh viên cũng như bất cứ ai. Hễ ai có gì băn khoăn, thắc mắc, lo khó, ngại khổ, đến gặp thầy, cứ trình bày. Thầy chú ý theo dõi, nghe hết. Rồi, giải quyết đâu vào đấy, ngon lành. Cái tài của thầy là giải quyết mọi sự chủ yếu bằng sự chia sẻ, cảm thông, động viên. Khoan thai, rủ rỉ, thủ thỉ, mà thấm, mà ngấm, người nghe “bị” thuyết phục tự lúc nào chẳng hay. Năm 1991, đưa sinh viên đi thực tập tại Trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa), thật bất ngờ, tôi lại được thầy đến thăm, lúc này thầy đã chuyển về làm Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường ĐH Hồng Đức). Trước khi thầy mất mấy hôm, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô và nhà riêng của thầy (Hà Nội), tôi đến thăm. Thầy gầy đi nhiều quá, nhưng vẫn rất tỉnh táo, bình thản. Thầy hỏi tôi ngày bảo vệ luận án và chúc bảo vệ thành công. Thầy Hoàng Tiến Tựu ơi, ở thế giới bên kia, thế nào, chúng em chưa rõ; còn ở thế giới bên này, có lẽ một thời, thầy không để ý: không dễ có một vị giáo sư – chủ nhiệm khoa – hiệu trưởng thống nhất trong một thầy giáo bình dị, đời thường, tinh tế và thấu cận nhân tình đến thế!

Thầy Lê Bá Hán (Trường ĐH Sư phạm Vinh)

2. Nhiều thế hệ sinh viên Trường ĐH Sư phạm Vinh từng rất nhớ đến thầy Lê Bá Hán – người gắn bó với Khoa Văn gần như cả cuộc đời thanh xuân và khỏe mạnh của mình, từ ngày đầu thành lập trường và khoa cho đến lúc nghỉ hưu. Thầy là tác giả của những công trình mà ngay từ năm thứ nhất, sinh viên chúng tôi đã tìm đọc. Hơn 40 năm gắn bó với Khoa Văn và Trường Vinh, nhất là qua nhiều chặng đường chông gai, phức tạp, lắm biến động, biết bao buồn vui, gian khổ, nhọc nhằn. Tôi biết thầy có nhiều nỗi niềm tâm sự, có những điều không phải ai cũng thấu hiểu, cảm thông. Lớp trẻ chúng tôi biết cả, và luôn nhận được ở thầy sự động viên sâu sắc. Khi trò chuyện với chúng tôi cũng như khi đăng đàn diễn thuyết, thầy luôn bộc lộ một khát khao mong cho Khoa Văn luôn “hồng hào, khỏe mạnh”. Dường như trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là khi lên lớp giảng dạy, thầy Lê Bá Hán luôn đĩnh đạc, phong độ. Không biết do trời phú hay do rèn luyện, thầy có một sắc giọng hùng hồn, nồng ấm và truyền cảm lạ lùng. Những ngày thầy đau nặng tại Hà Nội, tôi và Đinh Trí Dũng đến thăm, dẫu rất đau nhưng thầy vẫn gắng ngồi dậy, hơn thế, rất vui nói chuyện với chúng tôi. Lại có thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị. Sau đó mấy ngày, về Vinh, tôi nhận được điện thoại từ Hà Nội của anh Lê Cảnh Nhạc (nhà thơ, Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội): “Anh phải có bài về thầy ngay trong chiều nay, vì sách chuẩn bị lên khuôn”. Trời đất! Làm sao kịp? Tôi được biết, ít nhất đã có hai người (Đinh Trí Dũng và Phan Huy Dũng) viết về thầy, phần nào đã đỡ áy náy. Tôi gọi lại cho Lê Cảnh Nhạc: “Chậm nhất, một tiếng nữa, tôi gửi ra, không phải bằng văn bản mà bằng “ngôn bản” (giọng nói). Tôi đọc, anh ghi, rất ngắn thôi, và nhớ đọc lại cho thầy nghe, giúp tôi”. Khoảng 30 phút sau, tôi có ngay mấy lời rút tự đáy lòng. Anh Lê Cảnh Nhạc cho tôi biết, thầy rơm rớm nước mắt khi nghe đọc mấy dòng ngắn ngủi ấy.

Được gần gũi nhiều, được làm học trò thầy Nguyễn Trung Hiếu thực sự là một hồng phúc. Lên năm thứ 3 ĐH, tôi mới được tiếp cận thầy. Ấn tượng đầu tiên găm sâu vào tôi là bài giảng “Khái quát Văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX” của thầy. Thầy khái quát ngắn gọn bối cảnh: “Năm 1858, bọn Pháp sang xâm lược nước ta. Chúng quăng mấy hòn đá xuống cửa bể Đà Nẵng. Thế là cóc nhái xứ này nhảy lung tung cả lên”… Cả lớp cười, khoái chí, vô cùng thích thú. Nhưng, nhìn nhau, chẳng biết ghi thế nào? Tôi nhận ra cái tài của thầy trong chinh phục người nghe dựa trên sự đa văn quảng kiến, sự sắc sảo trong tư duy và khả năng bao quát, nắm bắt bản chất đối tượng/vấn đề cần chiếm lĩnh của mình. Nói đến thầy Nguyễn Trung Hiếu là nói đến một nhân cách lớn; một nhà giáo uyên thâm, hóm hĩnh, biết bắt sinh viên động não, tự tìm chân lý; một tài hoa nghệ sĩ; một nhà khoa học sắc sảo, cá tính. Trong nghiên cứu khoa học, thầy luôn tìm cách đập vỡ mọi khái niệm hay cách nói chung chung, mơ hồ; quyết tìm bằng được hạt nhân, gọi cho được đặc thù của đối tượng/vấn đề. Thầy viết không nhiều. Nhưng những gì thầy viết, đã nửa thế kỷ, nếu còn sống, đọc lại, tôi tin thầy vẫn mỉm cười, không hổ danh với người mang tên: Nguyễn Trung Hiếu. Thầy rất mê Nguyễn Tuân. Trong mối liên hệ này, tôi sực nhớ đến Nguyễn Tuân, nhất là khi Nguyễn Tuân tự bộc lộ chân thành: “Tôi đọc lại tôi, tôi phục tôi quá đi”…

Nhân cách lớn và sự sắc sảo, độc đáo, tài hoa của thầy Nguyễn Trung Hiếu đã được nhiều thế hệ sinh viên của thầy biết đến, và cũng đã có khá nhiều người viết về thầy.

Một đời người – bức tranh thầy vẽ (hình như ký họa chân dung người mẹ của thầy) ngày trước đâu rồi? Tôi đang cố gắng tìm lại. Có lẽ đây là bức tranh lay thức lòng người nhất trong số những bức tranh mà thầy đã vẽ bằng cả tài hoa và tâm huyết sâu thẳm của mình với tiêu đề như một định mệnh mà thầy đã chọn…

PGS.TS Bin Minh Đin

Bình luận (0)