Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sinh viên lan tỏa giá trị nghệ thuật cải lương qua tiếng cười nhân văn

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình “Cười vui đời do nhóm sinh viên Trường Cao đng FPT Polytechnic HCM thực hiện đã mang đến một bức tranh đa sắc về nghệ thuật cải lương và tiếng cười, thu hút đông đảo khán giả tại TP.HCM.

Nhóm sinh viên Ánh Đuốc và giảng viên – hướng dẫn MC Quốc Bình (áo vàng)

Vừa qua, tại sân khấu Trường THCS&THPT Hồng Hà (TP.HCM), nhóm Ánh Đuốc gồm 9 sinh viên ngành truyền thông và tổ chức sự kiện thuộc Trường Cao đẳng FPT Polytechnic HCM đã tổ chức thành công sự kiện nghệ thuật mang tên “Cười vui đời”. Với thông điệp “Tiếng cười nghệ thuật – Vẽ bức tranh đời”, đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án tốt nghiệp của nhóm, nhằm lan tỏa giá trị nghệ thuật cải lương qua tiếng cười nhân văn.

Với mục đích mang đến cho khán giả góc nhìn về nghệ thuật sử dụng tiếng cười trong cải lương, đồng thời đã phá những thói hư tật xấu ở trên đời nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó cũng tôn vinh các nghệ sĩ đã luôn nỗ lực để bảo tồn nghệ thuật cải lương khi dùng các kịch bản hài hiện đại để đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với khán giả trẻ.

Mở đầu chương trình là một tiết mục mashup được dàn dựng đặc biệt khi tái hiện lại khung cảnh thời xưa người dân đốt đuốc để đi coi cải lương. Những lời ca mộc mạc “Tình anh bán chiếu” cất lên trong không gian đơn sơ khiến khán giả rưng rưng nhớ lại ký ức xa xưa, rồi sân khấu đột nhiên bừng sáng rực rỡ khi kết nối vào hiện tại với bản Remix “Tình anh bán chiếu” sáng tác của ca sĩ Thanh Duy đang được các bạn trẻ yêu thích trong thời gian gần đây.

Trích đoạn cải lương “Tình mẫu tử”

Trong chương trình, soạn giả – NS Tô Thiên Kiều, NS Điền Trung, NS Minh Trường, NS Nhã Thi, NS Lê Thanh Thảo đã mang tới những vở diễn đặc sắc như ca cảnh “Tin đồn”, “Tình mẫu tử”, và “Gánh hát xuất ngoại” cùng những mảng miếng hài hước và bắt trend những trào lưu nổi bật gần đây tạo ra tiếng cười sảng khoái cùng thông điệp ý nghĩa, khắc họa sâu sắc giá trị nhân văn qua từng câu chuyện.

Trích đoạn cải lương hài “Gánh hát xuất ngoại”

Điểm nhấn đáng chú ý của “Cười vui đời” là sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương truyền thống và phong cách biểu diễn hiện đại. Các tiết mục không chỉ tái hiện lại những giá trị văn hóa dân tộc, mà còn được làm mới qua cách dàn dựng sáng tạo để tiếp cận thế hệ gen Z. Cách dẫn chuyện hài hước, những câu thoại gần gũi đã giúp khán giả trẻ không chỉ cảm nhận mà còn yêu mến nghệ thuật cải lương hơn. Tiếng cười đã trở thành phương tiện đắc lực để các nghệ sĩ phê phán những thói hư tật xấu, đồng thời tôn vinh những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đặc biệt, NSƯT Linh Trung đã giới thiệu cho khán giả những nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng tiếng cười trong các vở cải lương trước đây. Những vai diễn để đời của các nghệ sĩ những lớp diễn hài tiêu biểu trong những vở cải lương cũng được nam nghệ sĩ giải thích cặn kẽ để các bạn trẻ hiểu thêm. Đặc biệt, NSƯT Linh Trung còn giới thiệu một nét đặc sắc trong nghệ thuật cải lương là những bài vọng cổ hài mà trước đây vô cùng thịnh hành với các nghệ sĩ lừng danh như Văn Hường, Giang Châu, Hề Sa… Nam nghệ sĩ cũng đã minh họa bằng bài vọng cổ “Trả vợ nhạc gia” nổi tiếng.

NSƯT Linh Trung đã giới thiệu cho khán giả những nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng tiếng cười trong các vở cải lương

Theo giảng viên – MC Quốc Bình, người hướng dẫn cho sinh viên thực hiện chương trình này chia sẻ, “Cười vui đời” không chỉ đơn thuần là một chương trình nghệ thuật mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ của thế hệ trẻ trong việc góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương – một nét văn hóa quý báu của dân tộc.

Anh Khôi

Bình luận (0)