Chiều 26-11, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng UNESCO tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến về khung chính sách và pháp lý cho nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa; kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh nhà giáo ở bất cứ quốc gia nào, đặc biệt nhà giáo ở Việt Nam là đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, trong suốt chiều dài lịch sử vị trí, vai trò nhà giáo luôn được quan tâm. Để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, đảm bảo nền giáo dục chất lượng trong tình hình mới, Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Nhà giáo. Thời gian qua, quá trình xây dựng Luật Nhà giáo được thực hiện công phu, tâm huyết bởi ý kiến góp ý của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, các cơ sở giáo dục và toàn ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Luật Nhà giáo đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (diễn ra trong tháng 10 và 11). Các ý kiến đều khẳng định ban soạn thảo luật đã chuẩn bị hồ sơ công phu, chất lượng. Nội dung tập trung gia tăng thêm chính sách để khẳng định vai trò, thu hút đội ngũ nhà giáo có phẩm chất, năng lực, đồng thời làm rõ trách nhiệm, đạo đức nhà giáo để xứng đáng với vai trò nhà giáo.
Dự kiến Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào năm 2025. Luật Nhà giáo nếu được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để nhà giáo phát huy tối đa tiềm năng của mình và đóng góp hiệu quả vào công cuộc đổi mới giáo dục.
Theo Bộ GD-ĐT, trong quá trình soạn thảo Luật Nhà giáo, Bộ đã tham vấn với UNESCO – cơ quan chuyên môn về giáo dục của Liên Hợp Quốc và Lực lượng đặc nhiệm giáo viên quốc tế vì giáo dục 2030 do UNESCO chủ trì về bối cảnh toàn cầu và khu vực của công việc chuyển đổi của nhà giáo. Các tài liệu tham vấn chuyên môn gồm hướng dẫn quốc tế liên quan, nghiên cứu và kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách cho nhà giáo từ các quốc gia thành viên và các trung tâm nghiên cứu.
Những vấn đề thực tế hơn mà nhà giáo trên thế giới nói chung và ở một số quốc gia nói riêng đang phải đối mặt cũng được nêu ra và thảo luận trong báo cáo toàn cầu về nhà giáo do UNESCO và Lực lượng đặc nhiệm quốc tế về nhà giáo vì giáo dục 2030 khởi xướng…
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: “Luật Nhà Giáo đã và đang được soạn thảo kỹ lưỡng thông qua nghiên cứu và tham vấn rộng rãi để đảm bảo tạo động lực và củng cố tất cả nhà giáo trở thành những lực lượng có trình độ, tận tụy, có trách nhiệm và thành thạo trong nghề này, cho dù họ ở đâu”.
Theo bà Miki Nozawa – Trưởng ban Giáo dục, UNESCO Việt Nam, hội thảo tham vấn khung chính sách và pháp lý cho nhà giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa; kinh nghiệm quốc tế và đề xuất đối với Việt Nam là minh chứng sống động cho cam kết chung của UNESCO và Bộ GD-ĐT trong việc thúc đẩy vai trò và vị thế của nhà giáo thông qua khung chính sách và pháp lý tại Việt Nam.
Còn theo bà Valerie Djioze-Gallet – đại diện Ban Phát triển Nhà giáo viên (trụ sở chính của UNESCO), UNESCO hoan nghênh chương trình nghị sự hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường các chính sách và luật pháp dành cho nhà giáo. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp cùng Văn phòng UNESCO Hà Nội tiếp tục cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật nhằm giải quyết các thách thức, chẳng hạn như việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và minh chứng liên quan đến nhà giáo, tình trạng thiếu hụt nhà giáo và phát triển chuyên môn…
N.Trinh
Bình luận (0)