Sự kiện giáo dục

TP.HCM sẽ có chính sách hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho giáo viên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là một trong 5 giải pháp được Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng về đẩy mạnh thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ trong giai đoạn 2025-2030.

Ngày 28-11, Sở GD-ĐT TP.HCM có báo cáo về việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, nhằm đạt được mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đồng đều về cơ cấu, số lượng và chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết ngành cần thực hiện các giải pháp về tăng cường xây dựng các cơ chế thu hút để triển khai thực hiện một cách đồng bộ các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

TP.HCM xây dựng 5 giải pháp thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ trong giai đoạn 2025-2030

Với 5 giải pháp đẩy mạnh thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ sẽ được sở này xây dựng trong giai đoạn tới, bao gồm:

  • Xây dựng chính sách đãi ngộ, hỗ trợ hoàn toàn kinh phí khi cử đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành GD-ĐT tham gia chương trình đào tạo bằng tiếng Anh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành (Quản lý giáo dục, Khoa học tự nhiên, Toán học…) ở nước ngoài.
  • Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức ngành GD-ĐT (đơn vị được cấp đủ kinh phí cho công tác đào tạo bồi dưỡng trong nước và bồi dưỡng ở nước ngoài của công chức, viên chức trong từng đơn vị, có chế độ đãi ngộ hợp lý, chính sách khen thưởng kịp thời…).
  • Xây dựng cơ chế đặc thù để có thể hợp đồng, chi trả cho đội ngũ giáo viên nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài khi tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM.
  • Tiếp tục hoàn chỉnh để trình HĐND TP Nghị quyết về chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các môn học tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật trên địa bàn HCM trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay khi triển khai Chương trình GDPT 2018.
  • Tăng cường thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài tham gia tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT TP phù hợp với chính sách đãi ngộ tài năng trẻ theo tinh thần của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.

Có chính sách để thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên được tuyển dụng từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cụ thể: Đưa đối tượng này vào diện áp dụng chính sách theo Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 8-12-2023 của HĐND TP ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách đãi ngộ để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP.HCM.

Lãnh đạo TP.HCM luôn xem việc phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu

Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, lãnh đạo TP luôn xem việc phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu; các cơ chế, chính sách đặc thù cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động trong lĩnh vực giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông luôn được thành phố ưu tiên ban hành và triển khai đồng bộ, thống nhất; từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo.

Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ mục tiêu: Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; có tầm nhìn, tư duy phát triển; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, mô phạm, đồng thời là tấm gương về giá trị đạo đức lối sống cho giáo viên, học sinh noi theo; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đảm bảo chuẩn về trình độ đào tạo, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, đặc biệt chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nghề nghiệp của nhà giáo đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới; góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đào tạo Việt Nam theo hướng: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.

“Thành phố ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao của các nước. Công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phát triển nhanh về quy mô, số lượng đào tạo năm sau cao hơn năm trước; loại hình đào tạo đa dạng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển GDPT theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – Sở GD-ĐT thông tin.

Yến Hoa

Bình luận (0)