Tuần qua, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bước vào đợt làm việc thứ 2. Theo đó, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tại phiên họp toàn thể, nhiều đại biểu đề nghị cần huy động sức dân, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc cùng các nguồn lực cần thiết để đóng góp vào công trình quan trọng này. Và trên hết cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù để dự án sớm được triển khai…
Thống nhất cao với chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM – nêu rõ, về lâu dài, việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam trở thành xương sống của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội đến TP.HCM và ngược lại; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, liên kết vùng và đô thị dọc tuyến. Dự kiến chiều dài quãng đường 1.541km với tốc độ thiết kế 350km/giờ là hoàn toàn hợp lý. Với những dự án có mức đầu tư cao, quy mô lớn, đầu tư công là hình thức bảo đảm bền vững nhất; do đó, đề nghị Chính phủ và các cơ quan cần lên kế hoạch chi tiết về sử dụng nguồn tài chính.
Bên cạnh đó, với một dự án tầm cỡ lớn quốc gia, rất cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ít nhất là trong việc tham vấn, lắng nghe người dân đóng thuế. Đồng thời nên huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân tham gia vào dự án qua hình thức mua trái phiếu với lãi suất hợp lý.
“Cần đầu tư vào nghiên cứu, đánh giá nhiều chiều một cách khoa học, khách quan dự án, tham khảo nghiêm túc kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự đã có ở các nước khác để hiểu rõ cách thức thực hiện, ai làm và hệ quả kinh tế ra sao?”, đại biểu Hoàng đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ – Đoàn ĐBQH TP.HCM – cho rằng, đây là dự án lớn, rất khó để thực hiện. Để dự án thành công, đề nghị Quốc hội cần ban hành các chính sách đặc thù như đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án và giải phóng mặt bằng; ban hành các quy định riêng cho các dự án hạ tầng lớn nhằm rút ngắn thời gian triển khai, miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP, tăng cường các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, Quốc hội cũng cần thành lập một cơ quan quản lý chuyên biệt như Tổng công ty Đường sắt tốc độ cao Việt Nam trực thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm từ quy hoạch xây dựng đến vận hành và tái cấu trúc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đại hóa bộ máy đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao trong vận hành.
Đồng tình, đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai – đề nghị, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cắt giảm, rút ngắn thời gian để triển khai dự án. Một trong những cơ chế quan trọng là cơ chế chỉ định thầu. Chúng ta có thể lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ trong nước có kinh nghiệm và năng lực để giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, các tiêu chí chỉ định thầu cần phải thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt nhà thầu phải chứng minh được năng lực, đảm bảo tốt hơn, rẻ hơn và nhanh hơn. Khi làm được điều này, không những chúng ta có thể yên tâm về tiến độ, chất lượng của dự án mà còn vô hình trung gây dựng những tập đoàn lớn mạnh của đất nước ngang tầm với thế giới, góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của đất nước…
Hòa Triều
Bình luận (0)