Theo các nhà giáo, việc xây dựng trường học hạnh phúc là vấn đề tất yếu, cốt lõi để thực hiện thành công, hiệu quả mục tiêu giáo dục mà chương trình mới đặt ra.
Bớt áp lực trong và ngoài bục giảng
Tại Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hiện nay giáo viên đến lớp không còn cảnh khệ nệ ôm sổ sách, hồ sơ, kế hoạch bài dạy bởi tất cả đều được đồng bộ trên hệ thống lớp học số của trường. Giáo viên chỉ cần một cú click chuột là có thể vừa dạy, vừa kiểm tra đánh giá, vừa giao bài tập về nhà cho học sinh, theo dõi quá trình làm và chấm bài của học sinh trên hệ thống. Sự cởi bỏ trong hồ sơ sổ sách của nhà trường cho giáo viên trong năm học đã tạo cảm giác rất nhẹ nhàng, thoải mái cho đội ngũ, giúp đội ngũ giảm bớt áp lực trên bục giảng.
“Trường học hạnh phúc, theo tôi, trước hết là giáo viên được cởi bỏ những áp lực xung quanh bục giảng để thầy cô có thời gian nhiều hơn đầu tư cho chuyên môn và bài giảng của mình. Việc chuyển đổi số ban đầu thầy cô có thể thấy thêm việc, nhà trường từng bước vừa tập huấn, hướng dẫn, vừa động viên, tháo gỡ, sau một thời gian đội ngũ đã cảm thấy quen tay. Những chuyển biến về hiệu suất công việc, sự thoải mái của đội ngũ ngày càng hiện hữu khi thầy cô có thời gian nhiều hơn để dành cho chuyên môn, bớt các công việc về hồ sơ, sổ sách…”, cô Đinh Thị Thiên Ân (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé) chia sẻ.
Từ thực tế nhà trường, cô Ân cho rằng, việc xây dựng trường học hạnh phúc không phải là những điều “đao to búa lớn” mà nên được bắt đầu từ những điều giản đơn. Đó là sự cởi bỏ áp lực trong hồ sơ, sổ sách; sự trao quyền để đội ngũ được đổi mới, sáng tạo; sự chia sẻ để động viên nâng đỡ giáo viên…
“Khi thầy cô được trao quyền để đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá thì sẽ tạo ra những giờ học mới mẻ, sáng tạo, mang đến sự thích thú, hứng khởi cho học sinh. Lớp học hạnh phúc được xây dựng từ chính người giáo viên hạnh phúc”, cô Ân nhìn nhận.
Cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) khẳng định, xây dựng trường học hạnh phúc là yếu tố tất yếu để có thể thực hiện thành công đổi mới giáo dục. Bởi thực tế, đổi mới giáo dục đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tâm thế, cởi bỏ những quan niệm dạy học xưa cũ để tiếp cận với những quan điểm dạy học mới, hiện đại; trao quyền để học sinh được bày tỏ quan điểm, thể hiện quan điểm, phản biện và giáo viên phải chấp nhận những quan điểm khác nhau của học sinh.
“Khác với trước đây giáo dục chỉ mang tính một chiều. Hiện nay, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên chỉ đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở và định hướng, còn học sinh mới là người tự mình khám phá và lĩnh hội kiến thức. Người giáo viên càng có sự tư vấn, theo sát, gợi mở thì học sinh càng có sự phát triển về cả phẩm chất, năng lực, các em càng tự tin và dám thể hiện những tố chất, năng lực của mình. Và muốn vậy thì chính nhà trường phải tạo được môi trường để giáo viên có thể thay đổi được tâm thế, đón nhận những cái mới một cách chủ động, dễ dàng, chứ không phải là sự khiên cưỡng, gượng ép. Chỉ khi giáo viên được thoải mái về tinh thần thì thầy cô mới có thể có sự sáng tạo trong dạy học, coi đổi mới là dòng chảy tự nhiên, phải có của giáo dục”, cô Trang phân tích.
Theo cô Trang, nhà trường luôn khuyến khích thầy cô đưa ra những ý tưởng, sáng tạo đổi mới trong môn học của mình để tạo ra những giờ học nhẹ nhàng, cả thầy và trò đều hạnh phúc. Đối với những yêu cầu, đòi hỏi mới của giáo dục, nhà trường từng bước để đội ngũ làm quen chứ không tạo áp lực.
Không xây dựng trường học hạnh phúc sẽ tự tụt hậu
TP.HCM bắt đầu phát động xây dựng trường học hạnh phúc từ năm học 2022-2023. Đến năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí ở 3 trụ cột. Đây là căn cứ để các nhà trường soi vào, bám vào để đánh giá và thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc tại đơn vị mình.
Thực tế, sau 2 năm học triển khai cho thấy, đơn vị nào chủ động tạo môi trường để xây dựng trường học hạnh phúc thì đã tạo đà để nhà trường phát triển về cả chất lượng giáo dục cho đến đội ngũ, môi trường. Ngược lại, đơn vị nào cán bộ quản lý vẫn mang tư tưởng hách dịch, cửa quyền thì trường học đó tự mình tụt lại phía sau không chỉ về chất lượng mà còn là môi trường làm việc, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và ngành giáo dục. Tình trạng đơn thư khiếu nại, khiếu kiện phát sinh từ những ngôi trường đó.
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, ngành giáo dục coi việc xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học. Đồng thời xác định xây dựng trường học hạnh phúc là tạo nền tảng, là yếu tố cốt lõi để thực hiện thành công việc đổi mới giáo dục cũng như các chương trình, đề án của ngành giáo dục, của thành phố. Do đó, trong năm học, ngành tập trung kiểm tra, giám sát, tuyên truyền việc xây dựng trường học hạnh phúc, nhân rộng những mô hình hay tại các đơn vị…
“Không phải tất cả các trường đều triển khai cùng lúc được cả 18 tiêu chí trường học hạnh phúc mà chỉ tập trung vào những tiêu chí phù hợp nhất với đơn vị mình. Và việc triển khai phải mang tính thực chất, không hô hào khẩu hiệu, quan trọng nhất là tạo được môi trường thân thiện, cởi mở nhất cho đội ngũ và học sinh…”, vị cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)