Ngành nghề nào cũng có hào quang và khoảng lặng. Nếu chúng ta biết chấp nhận, vượt qua khoảng lặng để có được hào quang thì mới gắn bó được lâu dài, gặt hái sự thành công…
Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 17 diễn ra mới đây tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1). Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Có áp lực mới thành công
Mở đầu chương trình, một học sinh lớp 12 hỏi: “Em có quan tâm đến ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin, nhưng không biết chọn học một trong hai ngành này có áp lực không?”. ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Giám đốc Trung tâm marketing và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, đối với ngành khoa học máy tính, người học sẽ được đào tạo về ngôn ngữ lập trình, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu… Ra trường các em có thể trở thành chuyên gia, chuyên viên cho các công ty, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này. Còn với ngành công nghệ thông tin, người học được trang bị kiến thức chuyên sâu về công nghệ, cài đặt, sửa chữa hệ thống, phần mềm. Cả hai ngành học trên đều đòi hỏi khả năng nhạy bén, tư duy logic, năng lực ngoại ngữ. “Ngành học nào cũng sẽ có những áp lực mà sinh viên nào cũng phải trải qua. Khi gặp áp lực trong học tập, các em mới có được “kim cương” và đạt được sự thành công”, ThS. Phương lưu ý.
TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho biết thêm, ngành nghề nào cũng có hào quang và khoảng lặng. Muốn không bị bỡ ngỡ, các em nên tìm hiểu thật kỹ ngành nghề trước khi lựa chọn. Việc tìm hiểu kỹ giúp các em biết được ngành nghề đó có những thuận lợi, khó khăn gì. Nếu đam mê và chấp nhận được khoảng lặng của nghề, các em có thể lựa chọn. Như vậy khi gặp khó khăn, áp lực, các em sẽ dễ dàng vượt qua, không bị hụt hẫng. “Các em nên nhớ rằng, việc lựa chọn ngành nghề rất quan trọng vì mình sẽ gắn bó cả cuộc đời. Chọn đúng ngành nghề mới tạo ra hạnh phúc”, TS. Hạ nhấn mạnh.
Học xong không lo thất nghiệp
Trao đổi với các chuyên gia, Tuấn Hào (học sinh lớp 12A13) cho biết: “Em muốn học ngành kế toán tài chính nhưng lại không biết cơ hội việc làm của ngành này ra sao?”. ThS. Nguyễn Bá Anh (Phó Giám đốc Gloucestershire Việt Nam) cho hay, kế toán tài chính là ngành học được nhiều bạn trẻ quan tâm. Người học ngành kế toán tài chính sẽ được xây dựng nền tảng cơ bản về phân tích tài chính, tổ chức kinh doanh, Luật Tài chính, kinh tế, ngân hàng. Bên cạnh đó, người học còn được trang bị vốn kiến thức chuyên môn với các môn học: Kế toán ngân hàng thương mại, hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp, kế toán công, phần mềm kế toán doanh nghiệp, lập báo cáo tài chính. “Kế toán tài chính là lĩnh vực nghề nghiệp mà doanh nghiệp nào cũng cần để quá trình hoạt động được trơn tru, đúng pháp luật. Theo dự đoán, đến năm 2030, ngành kế toán tài chính cần khoảng 40.000 nhân lực. Do vậy, tỷ lệ sinh viên học ngành này ra trường có việc làm cao, không lo thất nghiệp”, ThS. Bảo Anh cho biết.
Tương tự, Bảo Uyên (học sinh lớp 12A12) hỏi: “Em có dự định chọn ngành tâm lý học nhưng không biết nên học ngành này tại Việt Nam hay ở nước ngoài?”. TS. Đào Lê Hòa An (chuyên gia tâm lý) thông tin, tâm lý học có nhiều trường phái. Đầu tiên, các em phải xác định bản thân muốn theo đuổi cái gì, muốn làm việc trong môi trường nào rồi quyết định học ở Việt Nam hay nước ngoài. Nếu muốn làm việc ở Việt Nam, các em không nhất thiết phải du học nước ngoài, nhưng sau khi học xong chúng ta vẫn có thể đi du học để cập nhật thêm kiến thức phát triển nghề nghiệp cũng như tìm được môi trường làm việc tốt. “Ngành tâm lý học hiện nay rất phát triển. Nếu chịu khó học tập, vững kiến thức, kỹ năng, người học sẽ có nhiều cơ hội việc làm”, TS. An nói.
Trong khi đó, Bảo Trâm (học sinh lớp 12A15) chia sẻ: “Em thấy ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng rất thú vị nhưng không biết ngành này học những gì, nhu cầu nhân lực ra sao?”. PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành đang phát triển. Theo học ngành này, người học được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản lý chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống kho bãi và các điểm kết nối kho bãi; các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển, kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức. Cơ hội nghề nghiệp của ngành ngày càng rộng mở và đa dạng. Khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhiệm một số vị trí như: Chuyên viên quản trị kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu, chăm sóc khách hàng trong các công ty dịch vụ logistics, chuyên viên điều phối dịch vụ logistics, điều phối đơn hàng, phương tiện vận chuyển, quản lý kho bãi, quản lý vận chuyển, giám sát đối tác cung cấp dịch vụ logistics trong các công ty sản xuất, kinh doanh. “Muốn phát triển trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên phải có kỹ năng ngoại ngữ. Khi giỏi ngoại ngữ, các em sẽ có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế”, PGS.TS Hà lưu ý.
Giải đáp cho học sinh về ngành quản trị sự kiện, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Phó Trưởng phòng Marketing Greenwich Việt Nam) thông tin, đây là ngành học ứng dụng quản trị dự án vào việc lập kế hoạch và triển khai sự kiện. Những năm gần đây, ngành quản trị sự kiện rất phát triển tại Việt Nam. “Nếu trước đây muốn đi xem một sự kiện nào đó, chúng ta phải đến mua vé để vào cổng, thì hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, mọi người có thể xem sự kiện trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, cơ hội việc làm cũng ngày càng rộng mở, sinh viên có thể làm việc linh động từ trực tiếp đến gián tiếp. Các em có yêu thích ngành quản trị sự kiện cứ mạnh dạn lựa chọn”, bà Oanh nói.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)