Tôi là giáo viên tiểu học ra trường tháng 9-1981, đến tháng 1-2024 đã nghỉ hưu. Tôi có quá trình 42 năm công tác trong ngành giáo dục (10 năm trực tiếp giảng dạy và 32 năm làm cán bộ quản lý giáo dục). Dưới đây là 2 kỷ niệm tôi không bao giờ quên trong cuộc đời dạy học đối với học sinh mà mình cảm hóa được và với đồng nghiệp giúp họ trở nên yêu nghề hơn.
“Điểm 10 làm thay đổi cuộc đời em”
Cách đây không lâu, tình cờ tôi gặp lại Quang (một học sinh cũ của tôi) trong đám cưới của người bà con. Thấy tôi, em lễ phép đến chào và hỏi tôi có nhận ra em không? Tôi bảo nhớ và phải nói nhớ rất rõ, cặn kẽ nhiều chuyện về em – bởi trong cuộc đời dạy học, thầy cô nào cũng thường nhớ rất kỹ tên học sinh học giỏi và học sinh cá biệt nhất lớp. Riêng về Quang, em gần như là một học sinh cá biệt, và tôi càng không thể quên bởi em vừa học yếu lại còn hay đánh nhau với bạn học. Quang hỏi tôi mấy chuyện trước đây khi em học với tôi. Tôi kể: Khi đi học, ngoài chuyện em thường xuyên không thuộc bài, có lần bị thầy đuổi học, em không về nhà mà ra ngoài suối trèo lên cây trâm hái trái bị té gãy tay; còn khi chơi đá bóng với bạn, đội em bị thua, ra về em tổ chức đánh bạn, thầy phải can ngăn. Hay có lần do tính tò mò, em nhặt ở đâu đó trái đạn cối 61 ly đem đến trường làm trụ gôn đá bóng ở góc sân, đến khi mấy em nhỏ thấy vật lạ nhặt lên ném qua ném lại làm trái đạn nổ khiến 2 em nhỏ chết và bị thương 8 người. Lúc ấy, em nghe người lớn nói mình có tội vì lượm trái đạn cối mang đến sân trường mới ra cớ sự đó. Nghe mọi người nói như vậy em sợ quá trốn qua nhà người dì cách nhà ngoại (Quang sống ở nhà ngoại – tác giả) 6-7 cây số, một tuần sau câu chuyện nguôi ngoai em mới dám về nhà và tiếp tục đi học…
Sau đó, Quang kể cho tôi nghe câu chuyện mà bây giờ gần 35 năm em mới nói thật với tôi: “Thầy còn nhớ khi gần đến Tết Trung thu, thầy cho cả lớp làm chiếc lồng đèn ngôi sao bằng trúc. Thầy nói trước tiên thầy chấm lấy điểm môn thủ công, sau đó tối Trung thu sẽ tổ chức cho chúng em đi rước đèn”. Tôi bảo có nhớ chuyện ấy. Quang nói tiếp: “Hôm đó, em làm chiếc lồng đèn giấy kiếng màu đỏ được thầy chấm 10 điểm, và khen em khéo tay vì vuốt nan đều, dán giấy kiếng không bị nhăn”. Rồi Quang thật thà kể: “Suốt thời gian từ lớp 1 đến lớp 5, vì em học dở nên hay bị thầy cô la rầy, chưa có lần nào được 10 điểm. Hôm ấy là lần đầu tiên em được thầy chấm 10 điểm cho cái ngôi sao nên em vui mừng lắm”.
Sau khi được điểm 10 môn thủ công nhờ chiếc lồng đèn ngôi sao, tôi thấy Quang thay đổi hẳn, em cố gắng học tập, ít bày trò quậy phá. Cuối năm học em lên lớp 6. Từ đó đến gần 35 năm sau, thầy trò chúng tôi mới gặp lại. Quang cho biết thêm: “Em đi học đến cuối năm lớp 9, ngoại mất nên em phải nghỉ học ở nhà trông coi ruộng vườn, nhà cửa; trong xóm ai mướn gì làm đó để có tiền sinh sống. Khi cuộc sống dần ổn định, em nhớ lại có lần thầy khen em khéo tay nên em theo học nghề mộc. Bây giờ em mở trại mộc nho nhỏ tại nhà, nhận đóng bàn, ghế, giường, tủ… cho bà con trong xóm, trong xã… Nghề mộc không sợ thất nghiệp vì có công việc làm thường xuyên, thu nhập đủ nuôi sống gia đình 1 vợ 2 con. Có thể nói nhờ điểm 10 thầy chấm và lời khen khéo tay mà giờ em mới được như thế này, em rất cảm ơn thầy”.
Tôi nghe câu chuyện Quang kể giống như trong tiểu thuyết, chẳng lẽ chỉ với lời khen động viên ấy và điểm 10 ở môn thủ công mà xoay chuyển được cuộc đời em? Nhưng thật sự đúng là có câu chuyện như thế trong đời dạy học của tôi. Điều tôi mong muốn là các thầy cô giáo khi dạy học sinh, dù là học sinh cá biệt thì cũng nên tìm các mặt tốt của các em để động viên, biểu dương. Chứ đừng ác cảm chỉ biết cái xấu, không xem xét mặt tốt của học sinh, như vậy sẽ thiệt thòi cho các em.
“Em cảm ơn thầy nhiều lắm!”
Một lần, trong khóa tập huấn chuyên đề Tiếng Việt 4 tổ chức ở Trường Bồi dưỡng giáo dục huyện, một cô giáo trẻ chủ động đến bắt chuyện với tôi; cô hỏi thăm tôi đủ chuyện từ cuộc sống gia đình đến trường công tác… Tôi ngập ngừng trả lời cô cho đúng phép giao tiếp, sau đó tôi hỏi lại cô: “Em dạy ở trường nào mà sao biết rõ về tôi như vậy?”. Cô giáo trẻ trả lời: “Lúc trước em dạy chung trường với thầy, thầy quên em rồi sao? Bây giờ em về dạy trường gần nhà. Tuy không còn dạy chung trường với thầy nhưng trong lòng em luôn biết ơn thầy!”. Tôi cố nhớ lại mà không thể nào nhớ cô có dạy cùng trường với mình không và dạy năm nào, đừng nói là nhớ tên cô.
Sau đó không lâu, tôi đến một trường tiểu học trong huyện dự tập huấn chuyên đề tiếng Anh, tôi lại gặp cô giáo trẻ ấy lần nữa. Thấy tôi, cô đến chào và cho biết đang dạy ở trường này. Lần gặp này tôi mạnh dạn hỏi: “Thật tình, nói chuyện với cô hai lần mà tôi lại không biết tên cô. Đã vậy, lần trước cô còn nói biết ơn tôi về chuyện gì đó?”. Cô giáo trẻ cười tươi nói: “Thầy quên em thật rồi, em là Thảo, hồi trước dạy lớp 2, còn thầy dạy lớp 5 ở phân hiệu ấp Trung Hưng của Trường Tiểu học Trung Lập Thượng đó”. Rồi cô kể: “Tốt nghiệp trường sư phạm em được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng. Trường xa nhà, đường lại khó đi – mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng bụi đất đỏ bay mù mịt. Đã vậy, em được hiệu trưởng nhà trường phân công dạy ở phân hiệu của trường. Nhà em cách phân hiệu của trường hơn 15 cây số, mỗi ngày em vất vả đi và về trên 30 cây số. Vì dãi nắng dầm mưa đạp xe đến trường dạy học nên được hơn một tháng em bị bệnh, nghỉ phép dài hạn. Khi sức khỏe bình phục, em làm đơn xin chuyển công tác về trường gần nhà. Do trường Trung Lập Thượng ở vùng sâu, vùng xa của huyện thời đó nên thiếu giáo viên trầm trọng, vì vậy thầy hiệu trưởng động viên em cố gắng phấn đấu khắc phục khó khăn, dạy thêm chừng hai năm nữa thầy sẽ ký đơn cho chuyển trường. Em năn nỉ, khóc rất nhiều. Thấy tình cảnh của em, thầy mới lên tiếng nói giúp với thầy hiệu trưởng. Nhờ đó em được thầy hiệu trưởng đồng ý cho chuyển trường”. Nghe cô kể đến đây, tôi dần dần nhớ lại câu chuyện năm đó. Cụ thể, sau ngày Thảo chuyển trường, tôi được thầy hiệu trưởng phân công dạy 2 lớp. Ngày hai bận – buổi sáng tôi dạy lớp 2 của Thảo, buổi chiều dạy lớp 5 của tôi mà không hưởng thêm tiền phụ trội hay kiêm nhiệm. Trong lòng tôi chỉ biết cố gắng dạy thật tốt, vì nếu tôi bỏ lớp thì tội nghiệp cho các em học sinh quá.
Thời gian qua nhanh, cuộc sống thay đổi. Tôi nhớ hoài ngôi trường mình dạy đầu tiên trong sự nghiệp dạy học, ở đó có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có. Tuy nhiên, tôi lại không nhớ chuyện mình tình nguyện dạy thay lớp của Thảo để em được chuyển về trường gần nhà. Bây giờ gặp lại, em nhắc chuyện cũ, tôi chỉ biết cười và nói không có gì, ở đời giúp nhau là chuyện bình thường. Nhưng Thảo nói: “Má em và em thì không bao giờ quên ơn thầy, vì nhờ thầy mà đến bây giờ em còn đứng vững trên bục giảng. Hồi đó, nếu em không được chuyển về dạy ở trường gần nhà thì thế nào em cũng bỏ nghề, vì bản thân em và gia đình quá khó khăn”. Nghe Thảo nói, tôi thầm vui trong lòng vì mình làm được một việc nhỏ mà không bao giờ nghĩ đến, đó là đã giữ lại một đồng nghiệp sắp rời bục giảng. Thảo bây giờ là một cô giáo rất giỏi chuyên môn, trụ vững với nghề dạy học.
Trần Văn Tám
Bình luận (0)