Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao nhận thức về sự đa dạng giới tính là vô cùng cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

 

Giáo dục, xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LBGTIQ+ trong trường học góp phần nâng cao kỹ năng cho học sinh, thúc đẩy quyền trẻ em cũng như xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này được cho là còn những hạn chế đòi hỏi cần có thêm nhiều giải pháp để giáo dục, xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LBGTIQ+ trong trường học hiệu quả hơn, mang đến sự công bằng, bình đẳng về giới.

Giáo dục, xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LBGTIQ+ trong trường học góp phần nâng cao kỹ năng cho học sinh, thúc đẩy quyền trẻ em cũng như xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc hiệu quả (ảnh minh họa)

Xóa bỏ định kiến về giới còn tập trung vào sức khỏe sinh sản

Thực hiện xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LBGTIQ+, Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc (TP.Kon Tum) tập trung vào hoạt động chia sẻ, trao đổi trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, lồng ghép vào tiết dạy và ngoại khóa; đồng thời đẩy mạnh truyền thông qua các kênh trực tuyến nội bộ cũng như tổ chức thi truyền thông về giới và cộng đồng LBGTIQ+ cho học sinh. Tại Trường THCS Kim Tân (TP.Lào Cai, tỉnh Lao Cai) cũng tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền tại lớp học, tọa đàm, sân khấu hóa, tư vấn học đường, cho học sinh tham gia vẽ tranh về cộng đồng LGBTIQ+, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh. Kết quả, theo bà Nguyễn Thị Thu Giang (công tác tại Trường THCS Kim Tân) thì các em học sinh tự tin tham gia các hoạt động ngoại khóa sau khi được tuyên truyền và tư vấn.

Với những hoạt động giáo dục, xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LBGTIQ+ trong trường học được các chuyên gia đánh giá là cách tiếp cận đúng đắn, góp phần thúc đẩy xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này được cho là còn những hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện. Bà Lê Anh Lan – chuyên gia giáo dục, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ hiện nay còn thiếu nhiều nguồn tài liệu giáo dục liên quan đến cộng đồng LBGTIQ+. Những dịch vụ xã hội hay tư vấn còn hạn chế. Trong khi đó, thực trạng quấy rối, xúc phạm bằng lời nói khiến họ cảm nhận không được an toàn, dẫn đến bỏ học, thậm chí có suy nghĩ tự tử rất nhiều.

Qua kết quả khảo sát giáo viên và học sinh tại 30 trường THCS trên các tỉnh thành, ông Nguyễn Văn Chiến –  Phó Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết có 51,7% giáo viên cho rằng chưa từng tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về giới, đa dạng giới. Tỷ lệ giáo viên chủ nhiệm lớp tham gia tập huấn chỉ chiếm 27,2%, thấp hơn so với giáo viên tư vấn học đường, công tác đoàn. Một số nhận xét rằng việc lồng ghép các nội dung về giáo dục giới tính và bình đẳng giới trong các trường học vẫn tập trung vào sức khỏe sinh sản và giới tính, chưa đề cập đến đa dạng giới. Sự cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với học sinh của giáo viên lớn tuổi ít hơn so với giáo viên trẻ, đặc biệt đã trải nghiệm làm cha mẹ đang trong độ tuổi đến trường. Và vẫn còn các rào cản từ phía cán bộ quản lý trong nhìn nhận về vấn đề về giới, khác biệt giới.

Đối với học sinh, trong số 140.000 học sinh của 30 trường THCS được khảo sát thì có hơn 1.200 học sinh tự nhận mình giới tính “khác”. Giới tính “khác” tham gia các hoạt động do nhà trường, học sinh tổ chức đều ít hơn các học sinh nam và nữ. Một tỷ lệ không nhỏ từng là nạn nhân hoặc chứng kiến các hành vi, ứng xử định kiến và phân biệt giới với các học sinh khác trong trường. Gần 1/4 học sinh có cảm giác lo lắng, sợ hãi khi bị phân biệt đối xử, bị trêu chọc liên quan đến giới. Đáng chú ý có khoảng 9,3% từng muốn nghỉ học vì bị trêu chọc quá mức.

Nâng cao nhận thức về sự đa dạng giới tính là vô cùng cần thiết

Định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ không chỉ gây ra những tổn thương về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cá nhân và xã hội, rất dễ dẫn đến bạo lực học đường. Những định kiến này thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và sợ hãi những điều khác biệt. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức và giáo dục về sự đa dạng giới tính, xu hướng tính dục cho học sinh là vô cùng cần thiết. Ông Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, trong các hoạt động dự án năm 2023-2024, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy xóa bỏ bất bình đẳng về giới Viện còn tập trung xóa bỏ định kiến cộng đồng LBGTIQ+. Đây là vấn đề quan trọng tạo môi trường học an toàn, hạnh phúc, bình đẳng đối với tất cả mọi người.

Theo các chuyên gia, xóa bỏ những định kiến về sự đa dạng giới tính không dễ và còn nhiều thứ phải làm. Ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng để thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới trong giáo dục cần gắn với các tiêu chí xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc. Đưa giáo dục giới tính, giới vào trong các cơ sở đào tạo giáo viên để tạo sự nhận thức đầy đủ, đồng bộ cho các giáo sinh trước khi ra trường đảm nhận các công việc dạy học cũng như làm công tác chủ nhiệm. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, cung cấp tài liệu chính thống, hướng dẫn lồng ghép trong các môn học và hoạt động Chương trình GDPT 2018. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình để phối hợp trong việc giáo dục và chia sẻ thông tin các chủ đề liên quan đến giới, bình đẳng giới, đa dạng giới.

Ở góc độ khác, một số chuyên gia kiến nghị cần xây dựng chính sách chống định kiến và kỳ thị học sinh LGBTIQ+. Việc thiếu những quy định từ pháp luật đã góp phần vào trong định kiến, phân biệt đối xử đối với cộng đồng này ở cấp rộng hơn.

Tổng quan về hoạt động tập huấn và truyền thông xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ tại 4 tỉnh Lào Cai, Kon Tum, Đồng Tháp và An Giang trong năm 2024, ông Đỗ Đức Lân – Phó Trưởng ban Điều hành các hoạt động của UNICEF cho biết hoạt động nhận được sự ủng hộ và phối hợp từ các sở, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia dự án. Tuy nhiên, việc phê duyệt và các thủ tục hành chính vì nhiều lý do khách quan khác nhau nên còn chậm, ảnh hưởng đến triển khai các công việc theo tiến độ, đặc biệt thời gian của năm học. Ông Lân đề xuất các cơ quan chức năng liên quan tạo cơ chế hợp lý trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thanh quyết toán, thúc đẩy tiến độ phê duyệt bảo đảm tiến độ và chất lượng của hoạt động. Nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên về định kiến giới. Ông cũng đề xuất thực hiện thêm các nghiên cứu, sáng kiến để xóa bỏ định kiến giới và cộng đồng LGBTIQ+. Tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách, truyền thông tại điểm hướng đến xóa bỏ định kiến giới và cộng đồng LGBTIQ+.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)