Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Công nghệ số đưa “Nét đẹp quận 1” đến gần với trẻ mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên những thiết chế văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận 1 được giáo viên các trường mầm non trên địa bàn quận 1 đưa đến với trẻ mầm non bằng… công nghệ số, thông qua Hội thi “Ứng dụng công nghệ số trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non”, chủ đề “Nét đẹp quận 1” năm học 2024-2025.

Theo bà Trần Đức Hạnh Quỳnh – Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, hội thi nằm trong kế hoạch chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trên địa bàn quận 1” giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mỗi năm ngành giáo dục mầm non quận sẽ tổ chức một hoạt động giáo dục khác nhau để cô và trẻ cùng trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá. Riêng trong năm học này, lần đầu tiên chủ đề “Nét đẹp quận 1” được đưa vào nhằm triển khai hiệu quả chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị văn hóa Việt Nam trên địa bàn quận 1 năm 2024.

Bà Quỳnh nhấn mạnh, đối với giáo dục mầm non, song song với việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế các bài giảng, giáo án là việc làm không thể thiếu được trong mỗi nhà trường.

Các giáo viên mầm non tranh tài trong hội thi

Việc tổ chức hội thi giúp đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp theo hướng “lấy trẻ làm trung tâm”. Phát huy tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên trong thiết kế các bài giảng, xây dựng kho học liệu số. Bên cạnh đó, việc giới thiệu vẻ đẹp cảnh quan, kiến trúc, di tích, di sản văn hóa, các ngày lễ hội, sự kiện văn hóa của quận 1 đối với trẻ mầm non trong giữ gìn và bảo vệ nét đẹp di sản văn hóa quận 1 là một việc vô cùng cần thiết.

Hội thi cũng tạo ra một sân chơi để cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; nâng cao chất lượng giáo dục trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trường học hạnh phúc.

“Thông qua hội thi, Ban Tổ chức cũng hướng tới việc thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm kho học liệu số cho các trường mầm non, tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các giáo viên trong đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Những thiết chế văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận sẽ được giáo viên sử dụng ứng dụng công nghệ số để làm phong phú, gần gũi đến với trẻ, mang đến cho trẻ những tương tác thực tế, trực quan trẻ học thông qua chơi…” – bà Quỳnh chia sẻ.

Được biết, hội thi có sự tranh tài của 24 giáo viên đến từ 15 trường mầm non công lập trên địa bàn quận 1. Tham gia vào hội thi, mỗi giáo viên sẽ thể hiện 2 phần thi: thuyết trình và thực hành.

Lựa chọn chủ đề Bưu điện TP.HCM để đưa vào bài dạy, cô Nguyễn Thị Hoài Thương – lớp Lá 1, Trường Mầm non Hoa Quỳnh đã mang cả một Bưu điện TP.HCM thu nhỏ vào trong lớp học. Trẻ được tìm hiểu, tiếp cận với Bưu điện TP trong giờ học bằng công nghệ thông tin như mã QR, video clip, hình ảnh. Đặc biệt, với việc giới thiệu đến trẻ về Bưu điện TP, trẻ còn được sắm vai hướng dẫn viên du lịch, tự mình trình chiếu hình ảnh chụp về Bưu điện TP.HCM mà trẻ được chụp với gia đình, ba mẹ, đồng thời miêu tả về những điều trẻ biết về Bưu điện TP…

Trong khi đó, các hình ảnh về nét đẹp các công viên quận 1 lại được cô Đào Tuyết Vân Thanh – giáo viên Trường Mầm non 20/10 đưa đến gần với trẻ trong bài học và hoạt động giáo dục. Những công viên trên địa bàn quận như Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, Lê Văn Tám, 30/4, 23/9 hiện lên sinh động, gần gũi và cũng đầy mới mẻ với trẻ thông qua cách tiếp cận của CNTT, trò chơi, trải nghiệm…

Cô Vân Thanh cho hay, đối với đa phần trẻ thì công viên không quá xa lạ với trẻ thế nhưng không phải trẻ nào cũng biết hết các công viên trên địa bàn quận. Thông qua bài học, trẻ không chỉ có thêm những hiểu biết, kiến thức về các địa danh, công viên trên địa bàn quận mà còn giáo dục được trẻ ý thức khi đến nơi công cộng như bỏ rác đúng nơi quy định, không giẫm đạp lên cỏ, không ngắt hoa…

Yến Hoa

Bình luận (0)