Bộ GD-ĐT cho rằng việc đưa ra giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm được căn cứ trên thực tiễn tuyển sinh những năm qua để xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học của các em ở kỳ học cuối lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp. Việc giảm quy mô xét tuyển sớm này không gây khó khăn cho thí sinh và các trường.
Quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến nhận được nhiều sự quan tâm gần đây. Các trường ĐH cho rằng, quy định này siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, có thể gây khó khăn cho tuyển sinh từ năm tới của các trường.
Trước ý kiến góp ý, lo lắng của các trường, cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT đã có những thông tin lý giải thêm về chủ trương này. Theo bộ, những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo thông tư nhằm khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh thời gian qua và đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.
Thí sinh không phải “chạy đua” xét tuyển sớm
Cụ thể, Bộ GD-ĐT thông tin, những năm qua, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non đã có những đổi mới theo hướng đảm bảo quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, dư luận xã hội nhiều lần đề cập băn khoăn việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo; trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Để khắc phục những bất cập, băn khoăn của xã hội, một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo quy chế là “chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo”. Việc đưa ra giới hạn 20% chỉ tiêu này được căn cứ trên tình hình thực tiễn tuyển sinh những năm qua để xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội; hạn chế tác động đến việc học tập của các em ở kỳ học cuối lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng, theo bộ là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia ứng tuyển do không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.
Bộ GD-ĐT khẳng định, việc giảm quy mô xét tuyển sớm không gây khó khăn mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Trên thực tế, xét tuyển sớm hay xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển không thay đổi. Các trường và thí sinh lại không phải vất vả xét tuyển sớm. Bộ GD-ĐT chia sẻ thêm, những mùa tuyển sinh qua, các học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải nộp hồ sơ nhiều nơi trong khi bộ đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn toàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường. Việc điều chỉnh về “xét tuyển sớm” là cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh, nhất là những thí sinh ở các địa bàn không có điều kiện để tham gia các hình thức xét tuyển sớm.
Không ảnh hưởng thí sinh xét điểm thi đánh giá tư duy, năng lực
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia xét tuyển ĐH. Việc đổi mới quy chế tuyển sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp THPT, đặc biệt là lớp 12.
Bộ cũng cho hay, những quy định chặt chẽ hơn trong xét tuyển sớm, quy định xét học bạ cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12, quy định thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm… đều hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển. Đồng thời, các quy định này giúp học sinh lớp 12 tập trung học tập và hoàn thành chương trình, chuẩn bị vững kiến thức, năng lực, phẩm chất tiếp tục học tập ở những bậc cao hơn.
Góp ý cho dự thảo thông tư, TS. Nguyễn Quốc Anh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng dự thảo thông tư, trong đó có quy định xét tuyển học bạ THPT phải xét kết quả cả năm lớp 12 là có ý nghĩa nhất định. Bởi xét học bạ cả ba năm THPT là cơ sở để các trường ĐH đánh giá đầy đủ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bậc phổ thông; đồng thời khuyến khích các em tập trung hoàn thành và đạt kết quả tốt nhất năm học cuối cấp.
TS. Quốc Anh đề xuất nếu quy định xét tuyển học bạ phải có kết quả học kỳ 2 lớp 12 thì những kỳ thi tuyển sinh sớm của các trường ĐH (nếu có) cũng nên được tổ chức sau khi kết thúc học kỳ 2 của lớp 12. Điều này đảm bảo sự đồng bộ trong chủ trương xét tuyển và các kỳ thi; đảm bảo cho các bài thi phản ánh đầy đủ kiến thức của học sinh; giúp các em tập trung ôn tập, tránh bị phân tâm bởi các kỳ thi hoặc đợt xét tuyển diễn ra quá sớm. |
Bộ khẳng định, với quy định của dự thảo thông tư, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm trúng tuyển chung; cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Bộ tiếp tục nhấn mạnh, đối với thí sinh, dù xét tuyển sớm hay ở giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức khác nhau. Như vậy, các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… không bị ảnh hưởng. Từ hai năm nay, Bộ GD-ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…), đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Như vậy, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường.
M.Tâm
Bình luận (0)