Dự thảo Luật Nhà giáo lần đầu (gồm 9 chương, 71 điều) đã được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội; sau nhiều lần tiếp thu, điều chỉnh, dự thảo hiện nay (gồm 9 chương, 50 điều) đã trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 21-10 đến ngày 30-11-2024), và theo Nghị quyết 129/2024/QH15, dự kiến dự thảo sẽ được thông qua ở kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2025.
Đội ngũ nhà giáo trên cả nước đặt nhiều kỳ vọng vào Dự thảo Luật Nhà giáo.
Vị trí, vai trò của nhà giáo được đề cao
Dự thảo Luật Nhà giáo đã khẳng định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục, được xã hội bảo vệ, kính trọng, tôn vinh. Đồng thời, nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (Điều 3). Với các chính sách đã được thiết kế trong dự thảo, nhiều vấn đề căn cơ, vướng mắc về nghề giáo được đề xuất tháo gỡ trong dự luật này. Dự án Luật Nhà giáo được giáo viên cả nước hồ hởi đón nhận và đặt nhiều kỳ vọng, tin tưởng Luật Nhà giáo khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và toàn diện để tôn vinh nhà giáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, tạo động lực cho người dạy và người học.
Kỳ vọng vào chủ trương phát triển đội ngũ nhà giáo
Dự thảo xác định: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt nhà giáo là người dân tộc thiểu số và giáo viên đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao làm nhà giáo; thu hút nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. (Điều 6)
Nhà giáo được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo; đồng thời – lần đầu tiên – vị thế đội ngũ nhà giáo ngoài công lập cùng nhà giáo công lập được xác lập bình đẳng nhau.
Kỳ vọng quyền chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo
Dự thảo đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm, căn cứ vào đề án vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chương trình đào tạo nhằm bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhà giáo giảng dạy; ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ và các đối tượng chính sách khác. (Điều 16)
Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.
Kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ nhà giáo
Phải thừa nhận, dù ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực nhưng các chế độ, chính sách hiện hành đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ… chưa thực sự tương xứng với sứ mệnh, vị thế, vai trò của người thầy. Đời sống của giáo viên còn khó khăn, chưa thể sống được bằng nghề. Tiền lương chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non, khiến họ chưa an tâm công tác. Do vậy, Dự thảo Luật Nhà giáo lần cuối đã rất quan tâm đến đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên qua đề xuất như lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp thâm niên; phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành và nhà giáo được tôn vinh, đãi ngộ nhằm mục đích thu hút nhân tài vào ngành sư phạm. Dự thảo đề xuất tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. (Điều 27)
Theo dự thảo, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật. Đồng thời, có chính sách thu hút đối với người tài để trở thành nhà giáo (Điều 28). Tăng chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm nhà ở, chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Cạnh đó, dự thảo luật cũng tăng chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới. Chính sách ưu đãi gồm ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ nhà giáo và thân nhân nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn. (Điều 28, 29)
Ngoài ra, nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực đặc biệt sẽ được hưởng chế độ đặc thù; linh hoạt tuổi nghỉ hưu, giáo viên mầm non được hưởng chế độ nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi (Điều 30), nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. (Điều 31)
Dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị thế, vai trò, tầm quan trọng, đặc trưng nghề nghiệp của nhà giáo trong một hành lang pháp lý thống nhất, khắc phục những bất cập trong quá trình thực thi các luật hiện hành khác có liên quan. Từ đó, nâng cao tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả trong thực thi chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trong phát triển đội ngũ, tạo cơ chế thúc đẩy động lực và năng lực của đội ngũ nhà giáo. Dự thảo luật cũng xây dựng khung – khổ để bảo vệ và phát triển lao động đặc thù của nhà giáo; xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trong bối cảnh chuyển đổi số, đáp ứng bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng AI, cập nhật xu thế thế giới để đáp ứng những quy định đặc thù cho nghề dạy học.
Dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều cố gắng luật hóa các quy định cơ bản về nhà giáo sẽ tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới. Nhà giáo trên cả nước kỳ vọng sâu sắc rằng, Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua và Luật Nhà giáo được ban hành với những điều luật tích cực, không những đáp ứng được sự trông đợi của đội ngũ mà còn góp phần to lớn trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà trước tình hình mới, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Dương Thành
Bình luận (0)