Việc dạy học môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông những năm trở lại đây đã đổi mới rất nhiều so với khoảng 10 năm trước đây. Biểu hiện dễ thấy nhất là ở những tiết thao giảng trường, thao giảng cụm, và ngay cả những tiết học bình thường trong lớp, nhiều giáo viên cũng đã ý thức về sự đổi mới để đem đến nhiều tiết học thú vị cho học sinh…
“Lột xác” việc dạy học văn theo chương trình mới
Lối truyền đạt một chiều: Thầy nói trò nghe, thầy giảng/đọc trò ghi dần bị triệt tiêu. Thay vào đó là phát huy tương tác giữa thầy và trò, giữa học sinh và học sinh; tăng cường nhiều hơn kỹ năng nói bên cạnh kỹ năng viết vốn đặc thù của môn ngữ văn; lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động dạy học; thay đổi cách kiểm tra, đánh giá… Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa vào áp dụng cuốn chiếu, việc dạy học văn càng được “lột xác” nhiều hơn. Điểm dễ nhận thấy là học sinh được học đa dạng về các kiểu loại văn bản (chương trình trước đây đa số là các văn bản văn học nghệ thuật), tăng cường hài hòa các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Và “nóng” nhất thời gian qua là việc ra đề kiểm tra, đánh giá lấy ngữ liệu là văn bản mới học sinh chưa được học, không có trong sách giáo khoa. Tham gia dự giờ thao giảng cụm chuyên môn của giáo viên nhiều trường, chúng tôi thấy rõ tiết dạy học văn có rất nhiều điểm mới, thú vị. Chẳng hạn, với bài học về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều (Ngữ văn lớp 11), cô Nguyễn Thị Vũ Huệ (giáo viên ngữ văn Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) đã trình làng một dự án văn học hoành tráng “Đánh thức Truyện Kiều, thêm yêu văn học”. Điểm nhấn của buổi báo cáo dự án là các hoạt động (của 7 nhóm học sinh) được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Như: Khảo sát, nghiên cứu về mức độ quan tâm của học sinh với văn học trung đại và tác phẩm Truyện Kiều; Thực hiện sản phẩm nhật dụng (lịch, truyện tranh, tem thư, áo, poster…) lấy cảm hứng từ Truyện Kiều; So sánh, đối chiếu nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du với nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân; Thực hiện sân khấu hóa một số đoạn trích Truyện Kiều; Và một số trò chơi khác. Theo cô Nguyễn Thị Vũ Huệ, đây là cách giúp học sinh thêm yêu mến Truyện Kiều và có ý thức tìm về với các sáng tác bất hủ của ông cha xưa thông qua việc học ngữ văn.
Đầu tháng 11-2024 vừa qua, cô Lê Thị Duyên (giáo viên ngữ văn Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú) đã thực hiện thành công tiết thao giảng cụm với bài dạy “Báo cáo sản phẩm STEM – Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật”. Tiết dạy học có sự kết hợp ba hoạt động của học sinh, gồm: Kỹ năng nói và nghe; Hoạt động sân khấu hóa (học sinh tái hiện một đoạn trong vở kịch “Nửa đời hương phấn”); Giới thiệu và trình bày bài hát “Một vòng Việt Nam”; Kết hợp giới thiệu và trình bày sản phẩm theo mô hình giáo dục STEM. Đây là một cách dạy học rất mới, người dự giờ như đang tham dự một buổi… trình bày và biểu diễn nghệ thuật!
Xu hướng STEM hóa tiết học, đem đời sống vào giờ dạy học văn
Tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú), giáo viên môn ngữ văn lại có thiên hướng đem đời sống thực tiễn vào giờ dạy học văn. Mới đây, khi dạy đến phần đọc của bài “Chợ nổi – Nét văn hóa sông nước miền Tây” (thuộc văn bản thông tin) ở lớp 10, cô Trương Tuyết Loan (giáo viên ngữ văn của trường) đã có một sáng kiến rất mới. Đó là cô giao việc cho các nhóm học sinh để “làm sống lại không khí chợ nổi ngay trong không gian lớp học”. Vì thế, không khí lớp học trở nên rất sôi nổi, vui tươi; các em học sinh có dịp trổ tài khéo tay chế biến, bài trí sản phẩm. Hay cô Trần Thị Dung (giáo viên ngữ văn của trường), trong một tiết học về văn thuyết minh ở lớp 11 (diễn ra tháng 9-2024) có kết hợp báo cáo sản phẩm STEM, đã cho học sinh sáng tạo ra nhiều sản phẩm rất “bắt mắt”, có thể ứng dụng vào thực tế như các món ăn, những chiếc giỏ xách rất xịn, rất… teen.
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn. Từ năm học 2024-2025, có 3 hình thức tổ chức dạy học STEM trong trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố, bao gồm: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Giáo viên thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn.
(Trích hướng dẫn triển khai giáo dục STEM |
Trong chương trình Ngữ văn 10, bộ sách Chân trời sáng tạo, có bài học số 4 với tên gọi “Di sản văn hóa”. Bài học này có tính ứng dụng cao vì giúp học sinh cùng lúc có các kỹ năng: Viết được một bản tin theo phong cách ngôn ngữ báo chí, viết một văn bản thuyết minh để giới thiệu một di sản văn hóa, biết cách nghiên cứu khoa học về một vấn đề khảo sát từ thực tiễn. Giáo viên ngữ văn các trường phổ thông đã có nhiều sáng tạo khi giảng dạy bài học này nhằm đem đến sự hứng thú cho học sinh, giúp các em có các kỹ năng cần thiết về đọc, viết, nói và nghe. Đồng thời giúp các em biết trân trọng, yêu mến và có ý thức giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc.
Trên tinh thần đó, mấy năm trước, tác giả bài viết cùng với cô Huỳnh Thị Mộng Thư (giáo viên ngữ văn, Trường THPT Tây Thạnh) đã có buổi thao giảng cụm với mục đích đem di sản văn hóa dân tộc vào học đường. Theo đó, các hoạt động chính của buổi thao giảng là học sinh trình bày sản phẩm nghiên cứu kết hợp với biểu diễn nghệ thuật được giáo viên hướng dẫn về các di sản văn hóa dân tộc như: Nhã nhạc cung đình Huế, văn hóa đình thần, văn học dân gian, đờn ca tài tử Nam bộ… Điểm nhấn của buổi thao giảng, theo chúng tôi, là sự kết hợp giữa giáo dục nhà trường với giáo dục địa phương – phóng sự về đình thần Tây Thạnh tại địa phương phường Tây Thạnh (Q.Tân Phú). Sự gắn kết giữa giáo dục trong không gian lớp học và ngoài lớp học – học sinh thuyết trình về di sản văn hóa với bộ tranh tường rất ấn tượng trong khuôn viên trường. Buổi thao giảng trên giáo dục cho học sinh rất nhiều kỹ năng về quy cách viết một bài nghiên cứu, thuyết trình; Kỹ năng nói và nghe; Kỹ năng vận dụng các phương tiện hỗ trợ như quay phim, lồng tiếng, sử dụng các phần mềm trình chiếu, sử dụng đường link đưa sản phẩm lên YouTube, thiết kế các poster và quét QRcode Zalo để kết nối sản phẩm… Các kỹ năng ấy của học sinh gắn liền với tên gọi của từng hoạt động: Tìm về di sản văn hóa dân tộc (nghiên cứu và thuyết trình về nhã nhạc cung đình Huế); Em làm nhà nghiên cứu văn học dân gian; Đưa đờn ca tài tử Nam bộ vào học đường (nghiên cứu, thuyết trình và biểu diễn về đờn ca tài tử Nam bộ); Sắc màu di sản quê hương (qua tranh vẽ và mô hình sản phẩm của học sinh); Em làm hướng dẫn viên du lịch (học sinh thuyết minh về di sản qua tranh tường như một hướng dẫn viên du lịch)…
Bài, ảnh: Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)