Sự kiện giáo dụcTin tức

Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành xây dựng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-12-2024, Hội Xây dựng TP.Cần Thơ tổ chức lễ công bố và trao quyết định kết nạp hội viên; và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hội với Trường Bách khoa thuộc Trường Ðại học Cần Thơ và Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ.

Hội Xây dựng TP.Cần Thơ là tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu ngành xây dựng, với 141 hội viên cá nhân và 7 hội viên tập thể. Thời gian qua, hội luôn nỗ lực trong việc kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và phát triển đô thị bền vững… Trường Bách khoa thuộc Trường ÐH Cần Thơ và Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ là nơi ươm mầm và đào tạo thế hệ trẻ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và khu vực.

TS. Lê Thành Phiêu – Chủ tịch Hội Xây dựng TP.Cần Thơ (bìa trái) và TS. Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng Trường Bách khoa – Trường ÐH Cần Thơ ký kết hợp tác

Thỏa thuận hợp tác được ký giữa Hội Xây dựng TP.Cần Thơ với 2 trường ĐH sẽ là cầu nối gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn; giữa học thuật và ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ. Theo các nội dung hợp tác, các bên sẽ chia sẻ thông tin, tài liệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. Tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên ngành và các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn…

Phát biểu tại buổi lễ, NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, bày tỏ: “Các thành viên Hội Xây dựng sẽ hỗ trợ sinh viên thực tập, NCKH và tham gia các dự án thực tế cũng như thu nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp… Về NCKH: Chúng ta sẽ phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu liên quan đến xây dựng bền vững và bảo vệ môi trường tại khu vực ĐBSCL.

NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo

Tăng cường kết nối giữa trường ĐH, Hội Xây dựng và các doanh nghiệp để ứng dụng hiệu quả các giải pháp xây dựng bền vững. Tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và có cơ hội việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp ra trường. Sự hợp tác này không chỉ là bước khởi đầu mà còn là nền tảng để chúng ta phát triển các dự án chung, đóng góp vào sự phát triển của ĐBSCL”.

Nhân sự kiện này, buổi chiều cùng ngày, Hội Xây dựng TP.Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ÐBSCL”.

Ban tổ chức tri ân những đơn vị đồng hành với hoạt động hội

Vùng ĐBSCL không chỉ đối mặt với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, sụt lún đất và sạt lở bờ sông… mà còn đối mặt với áp lực đô thị hóa và nhu cầu phát triển hạ tầng ngày càng cao. Những thách thức này càng trở nên phức tạp hơn bởi hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế: Nhiều công trình trong khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu về khả năng chống chịu trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và khó dự lường. Nguồn lực tài chính và công nghệ còn nhiều khó khăn: Các giải pháp xây dựng bền vững như sử dụng vật liệu thân thiện môi trường hoặc ứng dụng công nghệ hiện đại khó triển khai rộng rãi do hạn chế về kinh phí và khả năng tiếp cận công nghệ. Nguồn nhân lực cần được nâng cao: Kỹ năng về xây dựng bền vững và ứng dụng công nghệ xanh của lực lượng lao động còn hạn chế trong đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Áp lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên: Các hoạt động khai thác cát sông, đất nông nghiệp để phát triển hạ tầng đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái môi trường và đe dọa sinh kế người dân… Trong bối cảnh đó, “giải pháp xanh” không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.

Lễ công bố và trao quyết định kết nạp hội viên

Góp phần tìm lời giải cho bài toán trên, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã trình bày, thảo luận xung quanh các chuyên đề về công nghệ bê tông xanh và thân thiện môi trường; Khó khăn và thách thức trong ứng dụng vật liệu mới cho đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu tại ÐBSCL; Nhà nổi cho cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu. Công nghệ cát sạch Mê Kông – nền tảng vững bền cho chất lượng và tuổi thọ công trình…

Các tham luận và nghiên cứu khoa học cho thấy: Công nghệ xây dựng tiên tiến, đặc biệt là ứng dụng BIM (Mô hình thông tin xây dựng), đã tối ưu hóa quá trình thiết kế và xây dựng, giúp giảm lãng phí nguyên liệu và tiết kiệm chi phí. Nhiều công trình áp dụng thiết kế và công nghệ xanh đã chứng tỏ khả năng chịu đựng tốt và an toàn hơn trước tác động của biến đổi khí hậu. Các khu đô thị xanh, không gian công cộng bền vững đã mang lại môi trường sống trong lành hơn, cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm áp lực lên hệ sinh thái. Bên cạnh đó, sự phát triển của các ngành sản xuất vật liệu xanh và ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ tạo việc làm và tăng giá trị kinh tế cho địa phương. Những thành tựu này là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của các giải pháp xanh trong việc cải thiện đời sống và phát triển bền vững.

Ban tổ chức và các đại biểu

Hội thảo là dịp tập hợp các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và hội viên để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp cụ thể về việc áp dụng các giải pháp xanh trong xây dựng, không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà còn định hướng phát triển lâu dài cho vùng ĐBSCL.

Dịp này, Hội Xây dựng TP.Cần Thơ ra mắt trang web với tên miền https://hoixaydungcantho.gov.vn.

Đan Phượng

Bình luận (0)