Sự kiện giáo dụcTin tức

Cần nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý cho đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-12, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả khảo sát “Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã tại các tỉnh phía Nam”.  

Hội thảo diễn ra trực tiếp và trực tuyến 

Chương trình tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính ở TP.HCM và kết nối trực tuyến với các huyện trên địa bàn khảo sát trong khu vực phía Nam. Đây là hoạt động nhằm triển khai Dự án 8, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025.

Nguyễn Thị Oanh (Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, chủ nhiệm dự án) cho biết, dự án khảo sát 7 huyện thuộc 4 tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Trà Vinh, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Phước.

Kết quả khảo sát cho thấy, đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã hiện đang đảm nhận hầu hết các chức vụ quản lý, lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị cấp xã, tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở khối đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN (chiếm tỷ lệ cao nhất với 39,02%). Các chức vụ lãnh đạo như Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND rất thấp (với tỷ lệ 1,14%).

Chủ trì điều hành hội thảo

Bà Oanh cho hay, cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã hiện nay đã có ý thức đạo đức công vụ cao, am hiểu địa phương và thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, họ cần được bồi dưỡng, trau dồi thêm để cải thiện năng lực quản lý, điều hành, năng lực quản trị nhân sự và đặc biệt là năng lực quản trị bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã. Đó là nhóm giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ Hội LHPN và hội viên, phụ nữ về công tác xã hội; nhóm giải pháp về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực thực hành công tác xã hội; nhóm giải pháp về công nghệ và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và các giải pháp khác.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã, luật sư Đậu Thị Quyên (Trưởng Văn phòng luật sư LPVN) cho rằng, cán bộ nữ cấp xã có thế mạnh về khả năng kết nối và huy động nguồn lực do đó cần nâng cao thêm 2 kỹ năng này để giải quyết các vấn đề của địa phương. Bên cạnh đó nâng cao năng lực cho cán bộ nữ cấp xã về kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai là hết sức cấp thiết.

Đại biểu đóng góp ý kiến

TS.Ngô Thị Thanh Mai (đại diện Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam) đề xuất, cần xây dựng các lớp đào tạo chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu thực tế của cán bộ. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ cần chăm sóc sức khỏe bản thân và sắp xếp công việc hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã cần được trang bị kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả để cân đối giữa công việc và cuộc sống.

“Phụ nữ không nên ôm đồm nhiều việc mà phải lọc lựa công việc để đầu tư thực hiện cho hiệu quả. Việc tự nhận thức về vai trò và giá trị của bản thân là rất quan trọng. Cán bộ nữ cần tự hào về những đóng góp của mình để khẳng định vị thế của phụ nữ trong xã hội”, TS. Mai chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phó ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam) khẳng định: “Việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý, là hết sức cần thiết. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các chị tự tin tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử trong thời gian sắp tới”.

Hồ Trinh

Bình luận (0)