Robot phân loại rác, mô hình nhà thông minh, hệ thống giám sát chất lượng đất để tăng năng suất cây trồng… là những sản phẩm sáng tạo, có tính ứng dụng do chính học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn quận Tân Bình chế tạo, góp mặt trong ngày hội “Khoa học kỹ thuật – STEM” năm học 2024-2025 của quận, ngày 7-12.
Ngày hội thu hút gần 1.000 học sinh, giáo viên đến từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận.
Thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong dạy và học
Ông Phan Văn Quang – Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình thông tin, ngày hội được ngành giáo dục quận Tân Bình tổ chức với mong muốn tạo sân chơi, giao lưu giữa học sinh, giáo viên các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận, đẩy mạnh về giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học.
Điểm mới của ngày hội năm nay là kết hợp giữa hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh THCS với STEM của học sinh tiểu học, để học sinh tiểu học có cơ hội được giao lưu với anh chị THCS, từ đó khơi gợi niềm đam mê, bước đầu hình thành tư duy về nghiên cứu khoa học cho học sinh, từng bước định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em…
“Điều đặc biệt là tất cả sản phẩm STEM của học sinh tiểu học tham gia trong ngày hội đều do chính các em tạo ra trong giờ học STEM, vận dụng kiến thức bài học vào thực tiễn cuộc sống, được thầy cô dẫn dắt, gợi ý, hướng dẫn. Các sản phẩm được tạo ra còn được mỗi nhà trường trưng bày trong thư viện, các góc học tập trong lớp, trong trường và trở thành đồ dùng dạy học được giáo viên sử dụng trong tiết học, giúp bài học trở nên sinh động, gần gũi…” – ông Quang phấn khởi.
Riêng với các dự án nghiên cứu khoa học của học sinh THCS trên địa bàn quận, theo ông Quang năm nay đều có sự sáng tạo, Phòng GD-ĐT quận chọn 22 sản phẩm dự thi cấp thành phố và 1 dự thi được vào vòng chung kết cấp thành phố để chọn dự thi quốc gia. Các sản phẩm, dự án nghiên cứu khoa học của học sinh tập trung vào nghiên cứu về hành vi xã hội và những sản phẩm hóa, hóa sinh, vật liệu. Thế mạnh của học sinh quận Tân Bình hàng năm là những sản phẩm về lĩnh vực hóa học vật liệu thì năm nay tiếp tục được các em học sinh phát huy, làm cho phong phú.
“Thông qua ngày hội, Phòng GD-ĐT mong muốn thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong dạy và học ở mỗi nhà trường, đổi mới từ trong tư duy, nhận thức gắn với phương pháp giảng dạy. Điều này sẽ giúp mỗi nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình mới, nâng cao chất lượng giáo dục của trường và toàn quận, giúp tạo ra các giờ học hạnh phúc, học sinh phát triển toàn diện…” – ông Phan Văn Quang nhấn mạnh.
Sản phẩm thiết thực
Ứng dụng từ kiến thức môn tin học, với sự hướng dẫn hỗ trợ của giáo viên, nhóm học sinh Trường Tiểu học Đống Đa mang đến ngày hội sản phẩm robot nhận diện và phân loại rác thải, giúp nhận diện phân loại rác thải nhựa và giấy. Đại diện nhóm – học sinh Nguyễn Khôi Nguyên cho biết, thông qua sản phẩm nhóm muốn tuyên truyền cho học sinh trong lớp, trong trường ý thức phân loại rác và bảo vệ môi trường.
Nhóm học sinh Nguyễn Minh Hy, Phan Thanh Quyền – Trường THCS Nguyễn Gia Thiều mang đến ngày hội dự án Nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát dinh dưỡng đất dựa trên ESP32 và IOT, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham quan, tìm hiểu.
Chia sẻ về dự án, Nguyễn Minh Hy cho hay, hệ thống được nhóm tạo ra từ việc sử dụng kiến thức tin học, lập trình được học ở trường và tự mày mò tìm hiểu. Mong muốn của nhóm là tạo ra được hệ thống theo dõi sức khỏe cây trồng thông qua việc khảo sát đất trồng, từ đó giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất cây trồng, thân thiện với môi trường.
Theo cô Hứa Bảo Tâm – giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Tân Bình), các sản phẩm STEM được nhà trường mang đến trong ngày hội đều do chính học sinh các khối lớp tạo ra trong giờ STEM bài học. Ví dụ, mô hình tham gia giao thông an toàn do học sinh lớp 2 tạo ra khi học bài tham gia giao thông an toàn trong tiết tự nhiên xã hội lớp 2. Các em tự mình tạo ra các biển báo, cột đèn giao thông từ giấy bìa cứng, giấy màu, vận dụng thêm kiến thức toán học về các hình học đơn giản như hình chữ nhật, hình trong để thực hiện… Ngoài ra còn có các sản phẩm như khung cửa sổ ngày và đêm; dụng cụ sắp xếp quần áo… đều là sản phẩm do chính học sinh thực hiện trong bài học STEM.
“Giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, gia cố để sản phẩm của các em chắc chắn và thẩm mỹ hơn. Các tiết học STEM khuyến khích học sinh sáng tạo, tư duy. Học và tạo ra sản phẩm giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động, ghi nhớ khắc sâu kiến thức, thích thú trong giờ học, giúp các em tự tin hơn khi lên các khối lớp sau…” – cô Bảo Tâm cho hay.
Giới thiệu về bộ dụng cụ mô hình toán học do học sinh lớp 1 tạo ra, cô Phạm Uyên Vy, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ hào hứng: Từ những vật dụng rất đơn giản như ống hút, bìa cứng, giấy màu… song bộ dụng cụ giúp học sinh hình dung kiến thức toán học như dấu lớn, dấu bằng… một cách rất dễ dàng. Các em không còn sợ môn toán mà ngược lại giờ học vô cùng sôi nổi, vui vẻ…
Yến Hoa
Bình luận (0)