Theo các nhà khoa học, việc dạy toán không đơn thuần là dạy về cách giải phương trình, tính tích phân mà cần dạy học sinh cách học, cách tư duy, hướng tới việc giúp ích cho các em trong cuộc sống sau này…
Vấn đề được nêu ra tại tọa đàm “Dạy, học và ứng dụng toán học trong thời đại số” trong Ngày hội Toán học mở TP.HCM 2024 với chủ đề “Chơi cùng toán học – Playing with Math” diễn ra tại Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa ngày 8-12.
Ngày hội do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM, Trường ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM tổ chức thu hút gần 6.000 học sinh, sinh viên, phụ huynh, giáo viên và các nhà khoa học tham gia.
Theo TS. Nguyễn Phụ Hoàng Lân, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, Chương trình GDPT 2006 chú trọng dạy học sinh biết được gì, còn Chương trình GDPT 2018 dạy học sinh biết và làm được gì. Những cái biết trong làm mới là những cái biết thiết thực và sâu sắc nhất.
Ở môn toán, chúng ta không chỉ hỏi học sinh giải phương trình như thế nào, tính tích phân như thế nào mà còn phải hỏi kiến thức, kỹ năng của người học sẽ giúp gì được cho học sinh trong cuộc sống sau này. Đối với cách dạy, thầy cô không chỉ dạy về kiến thức cơ bản mà còn phải cho học sinh thói quen về cách học, cách tư duy, hướng tới rằng học sinh sẽ làm được gì… Riêng kiểm tra đánh giá coi như một hoạt động học tập, hướng tới mục đích thu thập thông tin và phản hồi cho người học một cách chính xác.
GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội thông tin, hiện nay ĐHQG Hà Nội cũng đã có nhiều trao đổi, khảo sát, tới đây sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá công tác tuyển sinh, điều chỉnh về chương trình đào tạo, nội dung phương pháp giảng dạy của nhà trường sao cho phù hợp với lứa học sinh theo học Chương trình GDPT 2018. Nội dung chuyển đổi để phù hợp với học sinh chuyển từ tiếp cận kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất.
“Chúng tôi kỳ vọng lứa sinh viên theo Chương trình GDPT 2018 sẽ có khả năng, năng lực sẽ vượt trội hơn, đặc biệt là khả năng thích ứng trong bối cảnh phát triển các chương trình đào tạo hiện nay mang tính liên ngành. Điều này đòi hỏi trường đại học phải điều chỉnh không chỉ là công tác tuyển sinh mà còn là điều chỉnh bài thi kiến thức sẽ cần theo xu hướng đánh giá năng lực, kiểm tra khả năng tư duy của học sinh…”.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN-ĐHQG TP.HCM lại nhấn mạnh sự cần thiết của toán học đối với các ngành học ở đại học, sau đại học. Ông nêu ví dụ, ngành y sinh không chỉ đơn thuần là hóa học, sinh học, vật lý mà còn có cả toán học; Đối với các ngành về STEM, khoa học kỹ thuật thì rất cần các thuật toán chuyên sâu; Một nhóm ngành khác về kinh tế, khoa học sức khỏe thì cần mảng toán ứng dụng; Kể cả những ngành về khoa học xã hội, cảm giác không liên quan đến toán học như ngành tâm lý, xã hội học thì thực chất cũng rất cần các công cụ của toán học…
“Tuỳ theo nhóm ngành, lĩnh vực, mức độ sử dụng toán, kiến thức, kỹ năng khác nhau. Học sinh phổ thông và sinh viên không nên sợ toán quá” – ông khuyên.
Vai trò của toán học ngày càng lớn
Phát biểu khai mạc ngày hội, PGS.TS Lê Minh Hà – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán chia sẻ, năm nay một trong những chủ đề chính của Ngày hội Toán học mở là đưa toán học đến gần hơn với bạn trẻ. Đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018 thì càng cần phải thay đổi cách thức dạy và học…
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc ngày hội thu hút đông đảo sự tham gia của phụ huynh, học sinh, sinh viên và giáo viên chứng tỏ sự quan tâm của học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh đối với toán học ngày càng lớn.
Theo ông, trong sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ thì vai trò của toán học lại càng lớn, nhất là trước sự trỗi dậy của AI và yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
“Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã quan tâm tổ chức nhiều chuyên đề về ra đề kiểm tra đánh giá theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh; các chuyên đề về thay đổi phương pháp dạy học cho giáo viên… Ngày hội Toán học mở hôm nay, với những trao đổi, chia sẻ của các nhà khoa học về việc dạy, học và ứng dụng toán học trong thời đại số sẽ đáp ứng được mong mỏi của thầy cô về đổi mới phương pháp giảng dạy…” – ông Quốc nói.
Cũng trong khuôn khổ của ngày hội, phần hoạt động trải nghiệm “Trong xứ sở toán học diệu kỳ” với sự tham gia của 23 đơn vị phối hợp tổ chức hơn 100 hoạt động trải nghiệm và trò chơi liên quan đến ứng dụng toán học, STEM, AI… đã mang lại những trải nghiệm, khám phá hết sức thú vị cho học sinh, sinh viên, giáo viên và những người yêu thích toán học.
Ngày hội Toán học mở (Math Open Day – MOD) là một chuỗi các hoạt động mở về toán và STEM nói chung, nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, các nhà toán học và nhà giáo dục cùng nhau thảo luận về những chủ đề thời sự trong toán học và giáo dục toán học; cùng nhau trải nghiệm và thưởng thức vẻ đẹp của toán học và tìm hiểu về các ứng dụng muôn màu sắc của toán học trong khoa học và đời sống.
MOD được tổ chức lần đầu tại Hà Nội năm 2015, sau đó được mở rộng ra ở các tỉnh thành trên cả nước như TP.HCM, Quy Nhơn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Huế, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bắc Giang, Ninh Bình…
Từ năm 2020 đến nay, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, MOD được chuyển giao mô hình tổ chức về các địa phương. Đây cũng là chuỗi hoạt động của viện nhằm chào mừng Ngày Quốc tế Toán học, 14-3 hàng năm.
Yến Hoa
Bình luận (0)