Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên (metro số 1) đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, dự kiến vận hành chính thức vào ngày 22-12-2024. Về phía UBND TP.HCM cũng đã ban hành giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến metro này.
Mỗi ngày có khoảng 200 chuyến
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, hiện có 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã chính thức được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Việc đưa vào vận hành thương mại tuyến metro số 1 đánh dấu bước ngoặt mới trong phát triển hệ thống giao thông của TP.HCM; góp phần giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ hiện hữu, giảm thiểu ô nhiễm và rút ngắn thời gian di chuyển…
Theo kế hoạch vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, trong giai đoạn đầu vận hành (6 tháng đầu tiên khi đưa vào khai thác thương mại), tuyến metro số 1 sẽ hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ hằng ngày với khoảng 200 chuyến/ngày. Trong các khung giờ cao điểm (từ 6 giờ đến 8 giờ, 11 giờ đến 12 giờ, 15 giờ 30 đến 18 giờ), giãn cách giữa các chuyến là 8 phút với 9 đoàn tàu được vận hành; còn trong khung giờ bình thường là 12 phút với 6 đoàn tàu được vận hành.
Các khung giờ hoạt động sẽ được công khai và niêm yết tại các điểm ga để người dân dễ dàng nhìn thấy. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lịch trình, giá vé và các ga qua website, ứng dụng di động giúp người dân thuận tiện trong việc lên kế hoạch và đi đúng giờ.
Trong giai đoạn 2, tàu metro số 1 hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ 30 hằng ngày. Trong đó, từ thứ hai đến thứ sáu, giãn cách giữa các chuyến tàu vào giờ cao điểm là 5 phút; giờ bình thường là 10 phút và giờ thấp điểm là 15 phút; tổng số chuyến tàu hoạt động trong ngày khoảng 276 chuyến.
Trong 2 ngày cuối tuần, kỳ nghỉ hè, ngày lễ, Tết thì giãn cách giữa các chuyến tàu vào giờ cao điểm sáng – chiều là 8 phút; giờ bình thường là 10 phút và giờ thấp điểm là 15 phút; tổng số chuyến tàu hoạt động trong ngày khoảng 226 chuyến.
Theo Công ty Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, hành khách đi tàu metro từ ga Bến Thành có thể gửi xe ở bãi đỗ xe Công viên 23 Tháng 9 (có sức chứa 1.000 xe 2 bánh và 70 ô tô). Còn tại các nhà ga khác, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan đang hoàn thiện bãi đỗ xe cá nhân, điểm dừng cho tuyến xe buýt gom ở khu vực lân cận nhà ga.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đã công bố danh sách tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Trong đó có 61 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp 14 nhà ga của metro tại các quận và các khu đông dân cư.
Sở Giao thông Vận tải cũng công bố danh sách 17 tuyến xe buýt mới kết nối với metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Cụ thể các tuyến: 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169. Các tuyến này kết nối từ các ga metro với khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại, khu công nghệ cao, trường đại học – cao đẳng…
Cùng với đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã hoàn thiện 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt, đường bộ hành tại 11 vị trí lân cận các nhà ga trên cao và dọc 2 bên các tuyến đường thuộc mạng lưới tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga tuyến metro số 1…
Đề xuất miễn phí cho 4 nhóm đối tượng
UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến metro số 1. Theo đó, vé lượt của tuyến (người dân đi trên một tuyến trong một ngày) đối với người dùng tiền mặt, có giá từ 7.000-20.000 đồng, tùy theo quãng đường. Người dân mua vé lượt không dùng tiền mặt, mức giá vé từ 6.000-19.000 đồng, tùy theo quãng đường. Giá vé theo thời gian, vé một ngày 40.000 đồng/người, không giới hạn số lượt đi lại trong ngày; giá vé 3 ngày 90.000 đồng/người, không giới hạn số lượt đi lại trong 3 ngày.
Đối với vé tháng, hành khách phổ thông 300.000 đồng/người, không giới hạn số lượt đi lại trong tháng; trường hợp là học sinh, sinh viên thì được giảm 50% còn 150.000 đồng/người.
Giá vé đã bao gồm bảo hiểm thân thể hành khách.
UBND TP cũng có tờ trình gửi Thường trực HĐND TP đề nghị xây dựng nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ người đi xe buýt, tàu điện và hỗ trợ kinh phí hoạt động xe buýt, tàu điện trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP kiến nghị miễn phí vé cho người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi.
Ngoài ra, miễn phí vé người sử dụng các tuyến xe buýt kết nối với tàu điện và hành khách sử dụng tàu điện trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tàu điện vận hành thương mại.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ miễn, giảm vé cho các đối tượng là 43,3 tỷ đồng/năm và miễn giá vé 30 ngày là 33,1 tỷ đồng/tháng.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đề xuất hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải xe buýt, tàu điện theo nguyên tắc hỗ trợ phần chênh lệch doanh thu bán vé, doanh thu khác và chi phí hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện; dự kiến kinh phí hỗ trợ các trường hợp này là 2.226 tỷ đồng/năm.
Nhật Huy
Bình luận (0)