Tham quan trải nghiệm thực tế tại trường THPT, TC, CĐ với các hoạt động “ngày hội học sinh”, “một ngày làm học sinh THPT”, “một ngày làm sinh viên”… là những điểm mới trong Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS lần thứ 10 năm học 2024-2025 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Gần 90.000 học sinh lớp 9 cùng phụ huynh được thụ hưởng
Theo ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM), Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS là chương trình thường niên của tạp chí phối hợp cùng ngành giáo dục TP.HCM tổ chức, nhằm thực hiện hiệu quả đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo… Năm học 2024-2025, chương trình được triển khai nhằm thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh lớp 9 các trường THCS trên địa bàn thành phố về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2025 của TP.HCM. Đẩy mạnh thực hiện công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng và giới thiệu cho học sinh các hướng đi sau THCS. Hướng dẫn học sinh phương pháp ôn tập, làm bài thi và tư vấn tâm lý, sức khỏe mùa thi. Song song đó, chương trình cũng góp phần định hướng cho học sinh lớp 9 trong việc lựa chọn tổ hợp các môn học ở bậc THPT phù hợp với định hướng nghề nghiệp theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) thông tin, năm nay chương trình có nhiều điểm mới nhằm giúp học sinh, phụ huynh được trải nghiệm thực tế tại các trường THPT, TC, CĐ; qua đó có thể đưa ra những lựa chọn, hướng đi phù hợp nhất với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp, điều kiện gia đình của học sinh. Cụ thể, ngoài phần truyền thống của chương trình là tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và định hướng phân luồng chung trên sân khấu, tư vấn chuyên sâu của các chuyên gia tại bàn/khu vực riêng, thì năm nay chương trình có thêm phần học sinh được tham quan, trải nghiệm thực tế tại các trường THPT, TC, CĐ với hoạt động “ngày hội học sinh”, “một ngày làm học sinh THPT”, “một ngày làm sinh viên”, giao lưu văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ… nhằm cung cấp thông tin về cơ sở vật chất, đội ngũ, các thế mạnh và thành tích nổi bật của trường; thông tin định hướng các môn học lựa chọn của trường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, định hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm, chương trình học, học phí tại trường TC, CĐ… “Năm học 2024-2025, TP.HCM có khoảng gần 90.000 học sinh lớp 9. Ngoài phụ huynh và học sinh lớp 9 cũng như cán bộ quản lý, giáo viên được thụ hưởng chương trình, ngành giáo dục khuyến khích học sinh lớp 6, 7, 8 cùng tham dự để nắm rõ, biết thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, các hướng đi sau THCS… để từ đó sớm có định hướng học tập phù hợp nhất”, ông Hiếu nói.
Phù hợp với chương trình giáo dục mới
Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS lần thứ 10 năm học 2024-2025 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sẽ khởi động vào cuối tháng 12-2024 và kết thúc giữa tháng 5-2025. Chương trình diễn ra tại tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố. |
Cô Nguyễn Thụy Ái (Hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia, Q.11) cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra yêu cầu rất cao đối với các nhà trường, giáo viên về vai trò hướng nghiệp cho học sinh, để làm sao các em và gia đình biết được tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng nhóm môn học lựa chọn ở bậc THPT ngay từ năm học lớp 10 chứ không chỉ dừng ở việc thi đậu vào trường. “Vai trò thì như thế nhưng trên thực tế, đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ở bậc THCS vẫn chưa thể đáp ứng được các yêu cầu như kỳ vọng. Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS với các chuyên gia tư vấn chuyên sâu ở từng lĩnh vực, trở thành kênh hỗ trợ hiệu quả công tác tư vấn tuyển sinh, phân luồng học sinh sau THCS của trường, rất phù hợp và cần thiết khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Ái nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Anh Dũng (Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú) đánh giá rất cao tính cần thiết và hiệu quả mà Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới ở bậc THPT đòi hỏi cả người dạy và người học ở bậc THCS phải nắm rõ, hiểu sâu. Qua nhiều năm triển khai, có thể thấy chương trình này đã trở thành cầu nối hữu hiệu đưa các trường THPT đến gần với phụ huynh và học sinh lớp 9, chủ động thông tin đến phụ huynh, học sinh cuối cấp THCS các thông tin về trường chứ không phải như trước đây mọi thứ chỉ từ phía người học tự tìm kiếm. “Trước đây, vì thông tin chỉ đến một chiều với người học đa phần từ “nghe nói, nghe đồn” nên đôi khi thiếu chính xác, người học thiếu các thông tin chính thống về trường, lựa chọn đăng ký thi tuyển sinh vào trường còn đôi phần cảm tính. Còn với chương trình này, các trường THPT được trực tiếp gặp gỡ học sinh, phụ huynh và giáo viên THCS, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về môi trường học tập, rèn luyện của trường, thành tích, cách thức triển khai chương trình mới, điểm riêng biệt của trường…, từ đó giúp người học có cái nhìn tổng quan, đầy đủ về trường để đánh giá, cân nhắc mức độ phù hợp khi lựa chọn trường làm nguyện vọng. Điều này hỗ trợ nhà trường rất nhiều không chỉ trong công tác tuyển sinh mà còn nâng cao chất lượng giáo dục của trường”, thầy Dũng đánh giá.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)