Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mekong Connect 2024: Giải pháp cho liên kết hiệu quả và phát triển bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-12-2024, tại Trường Đại học An Giang, trong không khí trang trọng, Diễn đàn Mekong Connect 2024 đã diễn ra phiên toàn thể với chủ đề “Nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực cho liên kết bền vững”.

Diễn đàn do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì; cùng sự đồng hành của các tỉnh, thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, VCCI ĐBSCL, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA).

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trình bày những giải pháp để phát triển bền vững ĐBSCL

Ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; ông Kayzad Namdarian – Lãnh sự Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM cùng hơn 600 đại biểu đã dự.

Qua 1 ngày làm việc đầy tâm huyết, Diễn đàn Mekong Connect 2024 đã đạt được kết quả kỳ vọng, với phiên tập trung thảo luận các vấn đề thách thức, phân tích các điểm nghẽn xoay quanh chủ đề huy động nguồn vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó có những góc nhìn mới để cùng đề xuất các giải pháp duy trì sự liên kết và phát triển bền vững, tạo động lực để xây dựng một nền kinh tế năng động, thích ứng với những biến động toàn cầu như hiện nay.

Ông Hồ Văn Mừng – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phát biểu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, Mekong Connect 2024 là cơ hội tốt để An Giang giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu; tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh An Giang với TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường.

An Giang sẵn sàng hợp tác, chia sẻ có trách nhiệm với các bên trong tất cả các lĩnh vực; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Các vị đại biểu tham dự phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Connect 2024

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Liên kết chặt chẽ giữa vùng ĐBSCL và TP.HCM – trung tâm kinh tế, thương mại, công nghệ hàng đầu cả nước, là chìa khóa giúp vùng vượt qua các thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu (BĐKH), tối ưu hóa nguồn lực, gia tăng giá trị – đây là một trong những giải pháp quan trọng phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ KH-CN phân tích: ĐBSCL được xem địa bàn chiến lược, trung tâm sản xuất lương thực, vựa lúa lớn nhất cả nước khi chiếm khoảng 50% sản lượng lúa, đóng góp hơn 90% gạo xuất khẩu và khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Vùng còn chiếm khoảng 60% sản lượng trái cây của cả nước, xuất khẩu sang các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, góp phần tăng giá trị nông nghiệp Việt Nam. Vùng còn có tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ logistics, du lịch…

Là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của cả nước, nhưng vùng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng của BĐKH, xâm nhập mặn, sụt lún đất, suy thoái nguồn nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng yếu kém. Đặc biệt là sự thiếu hụt các nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững. Đòi hỏi các địa phương trong vùng phải có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững. Trong đó cần tập trung quản lý tài nguyên nước, cải tiến công nghệ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ… đồng thời cần phối hợp với các trường đại học, viện, các nhà khoa học để nghiên cứu, tạo ra các giống lúa chất lượng cao thích ứng với BĐKH; phát triển giống cây dược quý; tạo ra các chế phẩm vi sinh vật phục vụ canh tác, xử lý môi trường. Qua đó giúp nâng cao năng suất cây trồng, khả năng chống chịu sâu hại, giảm phát thải ra môi trường… để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho toàn vùng.

Các diễn giả tại phiên tọa đàm “Nguồn vốn đầu tư và nguồn lực cho liên kết bền vững vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước”

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá: “Qua Diễn đàn Mekong Connect, ĐBSCL đang đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khởi nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, công nghệ xanh, thúc đẩy thương mại bền vững và tận dụng tốt nguồn lực sẵn có của địa phương. Đây là hướng đi đúng đắn, để bắt kịp xu thế của thế giới trong việc ứng phó với BĐKH, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng”.

… Có thể nói, Mekong Connect 2024 đã thực sự gắn kết được nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện, động lực thuận lợi cho TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL hình thành liên kết chuỗi giá trị; định hướng cho doanh nghiệp, nông dân nắm bắt xu hướng thị trường, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và hội nhập thị trường quốc tế. Định hướng được những giải pháp lớn cho năm 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM nhấn mạnh các giải pháp để hoạt động liên kết vùng trong giai đoạn tới được triển khai thực chất và hiệu quả cao trong xu hướng phát triển mới của thế giới.

Ông Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM trình bày các giải pháp để hoạt động liên kết vùng trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao

Theo đó, với nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các chiến lược đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho ĐBSCL và các khu vực, địa phương trong cả nước, trong đó đặc biệt tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: “Ưu tiên hợp tác đào tạo lực lượng khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, cơ khí, điện tử, hóa học. Đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng của các địa phương để tổ chức đào tạo đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng. Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong mở rộng ngành nghề đào tạo mới; trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP.HCM như công nghệ thông tin, kinh tế số, dịch vụ, xây dựng hệ thống logistics… cho các địa phương” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM chia sẻ.

Ký thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương

Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư: TP.HCM và vùng ĐBSCL chú trọng phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng hạ tầng đường bộ, đường thủy, cảng biển, sân bay và các hệ thống logistics, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, cầu cảng, hệ thống kho bãi hiện đại để giảm chi phí vận tải và thời gian vận chuyển hàng hóa; nghiên cứu, khai thác các phương thức vận tải để phát triển du lịch kết hợp với phát triển giao thương hàng hóa, dịch vụ. Hoàn thiện hạ tầng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ địa phương:

“Các địa phương cũng cần tăng cường hoạt động quảng bá tiềm năng và lợi thế của khu vực, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước. TP.HCM sẽ tích cực giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại vùng ĐBSCL, tạo động lực đồng hành chính quyền đối với các doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, thành” – ông Hải cam kết.

Các vị đại biểu tham quan khu triển lãm và chụp hình lưu niệm

Đan Phượng

Bình luận (0)