Năm học 2024-2025 được xem là năm “nghiệm thu” lứa học sinh đầu tiên áp dụng theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sau 4 năm triển khai đại trà một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.
Những điểm mới ở Chương trình GDPT 2018 được trông chờ sẽ là một làn gió mới giúp nền giáo dục nước nhà khởi sắc. Thứ nhất là, cho phép học sinh được lựa chọn tổ hợp môn tự chọn theo sở thích và năng lực. Thứ hai là, cho phép học sinh lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp. Thứ ba là, hướng tới việc áp dụng kiến thức bài học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Đây được xem là “xương sống” trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, các mục tiêu này đang dần bộc lộ những yếu điểm “chết người”.
Vấn đề thứ nhất, theo thiết kế Chương trình GDPT 2018, ở cấp THCS học sinh được học “toàn diện” với 10 môn học bắt buộc. Còn ở cấp THPT học sinh học 6 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn, cùng với hoạt động giáo dục bắt buộc (hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) nhằm “phân hóa” theo định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn đối với học sinh và phụ huynh không hề đơn giản. Bởi lẽ các tổ hợp môn học tự chọn của nhà trường theo “combo”, các môn học đã chọn ở đầu lớp 10 sẽ giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Nếu học sinh có nguyện vọng đổi môn học tự chọn, hoặc vì lý do chuyển trường mà phải chọn lại tổ hợp môn học thì các em phải cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới để có đủ năng lực học tiếp môn học mới, và được nhà trường kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học đó. Câu hỏi đặt ra học sinh sẽ “tự bổ sung” kiến thức bằng cách nào? Trong khi bạn bè cùng trang lứa trải qua quá trình học tập suốt một năm học, bên cạnh sự hướng dẫn của thầy cô, mà còn chưa chắc lĩnh hội đầy đủ kiến thức, huống chi để cho các em “tự bơi giữa dòng” để bổ sung kiến thức. Như thế việc lựa chọn môn học tự chọn đầy rủi ro, rất khó để “quay đầu xe”, nhất là thời điểm lựa chọn tổ hợp môn học là lúc các em vừa bước vào môi trường THPT chưa kịp làm quen với phương pháp học mới, chưa lường hết được những khó khăn trong quá trình học, và nhất là sở thích có thể thay đổi, khả năng của học sinh có thể không phù hợp với lựa chọn ban đầu. Việc chọn tổ hợp môn học tự chọn không chỉ là theo sở thích, năng lực mà còn vì lý do để “né” những môn học “khó”, “khô”. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với số tiết học ngang ngửa với thời lượng phân phối của môn toán, mang trong mình sứ mệnh định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh, nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Vấn đề thứ hai, hiện nay có 4 bộ sách giáo khoa được sử dụng cho Chương trình GDPT 2018. Điều này ban đầu được dư luận và xã hội đồng tình vì đem đến cho phụ huynh, học sinh nhiều lựa chọn nguồn học liệu, cũng như kích thích các nhóm tác giả viết sách giáo khoa đầu tư nhiều hơn về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, sự đa dạng của các bộ sách giáo khoa lại có đôi chỗ chưa thống nhất, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho học sinh và thầy cô. Ví dụ ở môn toán chương trình lớp 10, chương VI. Thống kê của bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo thì nằm trong nội dung học kỳ I; trong khi đó, chương VI. Thống kê của bộ sách giáo khoa Cánh diều lại ở nội dung học kỳ II. Cũng vậy, môn toán chương trình lớp 11, với bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo thì phần Thống kê và xác suất nằm ở chương V; trong khi với bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức thì phần Thống kê và xác suất nằm ở chương III. Không rõ các nhóm tác giả thay đổi thứ tự trình bày mạch kiến thức với mục đích gì? Bên cạnh đó, một số quy ước của bộ sách giáo khoa này lại không đúng với bộ sách giáo khoa khác. Đơn cử trường hợp cách tính tứ phân vị Q1, Q2, Q3 như câu hỏi bên dưới, nếu theo sách giáo khoa Cánh diều thì Q3 thuộc nhóm [165;170), trong nếu theo sách giáo khoa Chân trời sáng tạo thì Q3 thuộc nhóm [170;175)!
Vậy liệu học sinh có bị ảnh hưởng quyền lợi khi áp dụng theo bộ sách giáo khoa này mà không đúng theo bộ sách giáo khoa kia hay không?
Vấn đề thứ ba, những câu hỏi trong các bộ sách giáo khoa đều hướng tới các bài toán thực tế. Tuy nhiên, trong các bộ sách giáo khoa có nhiều bài toán “phi thực tế”, gán ghép yếu tố đời thường một cách khiên cưỡng!
(Nguồn: Sách giáo khoa Toán 11, Tập 1, Chân trời sáng tạo, trang 76)
(Nguồn: Sách giáo khoa Toán 11, Tập 1, Kết nối tri thức, trang 109)
Các câu hỏi này liên quan đến kiến thức giới hạn của hàm số tại vô cực. Thế nhưng hồ nước có thể chứa được vô hạn lượng nước hay không? Bệnh nhân có thể “sống đời” để uống đủ lượng thuốc như đề bài yêu cầu hay không?
Trên đây chỉ là vài ví dụ trong nhiều bài toán “phi thực tế” đang “lồ lộ” trong các bộ sách giáo khoa hiện hành, là những hạt sạn “bự” rất cần được thẩm định lại! Phải chăng do các bộ sách giáo khoa chạy đua cho kịp thời gian phát hành mà chưa trải qua các bước thực nghiệm?
Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng “thầy đọc”, “trò chép”; phát huy sự chủ động, sáng tạo của học sinh… Nội dung giáo dục thiết thực hơn, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực tế. Quá trình dạy học đã chú trọng đồng thời cả hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm để hình thành, phát triển ở người học năng lực tư duy độc lập, vận dụng tổng hợp và linh hoạt tri thức để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh bảo đảm sự thống nhất, tương tác, trong đó giáo viên giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn; học sinh không chỉ là đối tượng của hoạt động dạy mà cũng chính là chủ thể của hoạt động học.
Việc giảm tính hàn lâm, tăng tính ứng dụng là rất tốt, tuy nhiên nếu không xây kiến thức nền tảng thật chắc chắn mà cố “leo cao đón gió” thì thật sự vô cùng nguy hiểm. Tôi đơn cử nội dung Nguyên hàm, Tích phân trong chương trình Toán 12 theo chương trình mới đã “xóa xổ” phương pháp đổi biến số và phương pháp lấy nguyên hàm từng phần. Điều này dẫn đến khi giải quyết một số bài toán cần tìm nguyên hàm thì phải “đi vòng” qua việc ước lượng kết quả rồi tính đạo hàm để kiểm tra. Liệu rằng việc cắt giảm “cơ học” như thế có phải là xu hướng của thế giới và khu vực hay chỉ là những thử nghiệm mà giáo dục Việt Nam vẫn đang làm như những lần thay sách giáo khoa trước đây?
Định hướng giáo dục của Chương trình GDPT 2018 là rất tốt, là một hướng mở cho phép người học tiếp cận được nhiều phương pháp học tập, chọn được hướng đi để phát triển tốt nhất năng lực. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 “cuốn chiếu gãy khúc”, chưa có một sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên các môn học mỹ thuật, âm nhạc…, phát sinh thừa, thiếu cục bộ giáo viên đối với các môn học tự chọn; lứa học sinh khóa 2022-2025 chỉ mới tiếp cận chương trình từ năm lớp 10…
Từ những bất cập đó người ta lại nghĩ tới việc quay về chương trình cũ với một bộ sách giáo khoa quy chuẩn hoặc phải có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Còn quá sớm để đánh giá kết quả đạt được của Chương trình GDPT 2018 nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn. Xã hội, học giả và giới trí thức, thầy cô, phụ huynh, học sinh mong muốn ngành giáo dục có những công bố đánh giá về các lần cải cách giáo dục trước đây để có cơ sở đối sánh với Chương trình GDPT 2018 từ đó toàn dân đồng lòng, cùng chung tay vì một nền giáo dục nước nhà phát triển.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)