TP.HCM đã đạt được thành tích ấn tượng trong công tác giảm nghèo năm 2024, với gần 17.000 hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện đời sống, vượt xa kế hoạch đề ra. Đây là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của các chính sách hỗ trợ, chương trình ưu đãi tín dụng và sự đồng lòng của các cấp, các ngành, mang lại cơ hội.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, năm 2024, TP giảm 16.905 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch ban đầu đề ra.
Đầu năm 2024, TP.HCM có 22.867 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 91.253 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,90%/tổng hộ dân TP). Trong đó có 8.293 hộ nghèo, với 31.699 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,33% tổng hộ dân TP) và 14.574 hộ cận nghèo, với 59.554 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,57% tổng hộ dân TP).
Theo Kế hoạch đầu tư công năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025, đến cuối năm 2024 TP.HCM phấn đấu giảm 0,21% tỷ lệ hộ nghèo và giảm 0,23% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP giai đoạn 2021-2025.
Đến cuối năm 2024, TP.HCM đã đạt được những kết quả vượt trội trong công tác xóa đói giảm nghèo. Theo đó, TP.HCM giảm gần 17.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, cụ thể thực hiện giảm 7.016 hộ nghèo đạt 133,3% kế hoạch và giảm 9.889 hộ cận nghèo đạt 169,6% kế hoạch.
Để có được kết quả này, TP đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP; Nghị quyết bãi bỏ các nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững TP và nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND, các kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2024.
Đồng thời, tổ chức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã cấp 105.333 thẻ với tổng kinh phí là 100,147 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Trên địa bàn TP có 2.780.586 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm 56,05% lực lượng lao động trong độ tuổi); có 34.746 lượt người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng trên địa bàn với tổng kinh phí chi trả hơn 73,5 tỷ đồng/tháng.
Về Chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp: TP có quyết định bổ sung đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hưởng lương từ ngân sách Trung ương theo ngành dọc đóng trên địa bàn TP được vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà ở để tạo lập nhà ở theo Chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp của TP, đến nay, TP đã hỗ trợ cho hơn 6.500 đối tượng có thu nhập thấp tạo lập được nhà ở.
Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch về hỗ trợ cải thiện nhà ở, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và gia đình người có công, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025).
Năm 2024, TP tiếp tục cung cấp sự chăm sóc và hỗ trợ cho 6.773 người tại 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Thực hiện trợ cấp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cho 139.506 người, với số tiền 111,7 tỷ đồng. Tiếp nhận ban đầu 1.682 trường hợp trẻ em, người xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định.
Công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại TP được thực hiện đảm bảo, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận, phân loại, tư vấn và chăm sóc, điều trị cai nghiện cho 24.265 người.
TP.HCM đã ban hành chỉ thị về triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên địa bàn TP”, triển khai thực hiện nghị quyết về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM; tiếp tục triển khai thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP” ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2030; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2024.
Thủy Phạm
Bình luận (0)