Tại hội thảo “Giải pháp xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại có giá trị gia tăng cao” do UBND TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, TP đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ, tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ thích ứng với những yêu cầu của bối cảnh mới.
TP cũng đã xây dựng đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao”. Đây là một yêu cầu cấp thiết không nằm ngoài mục tiêu tạo đà bứt phá trong tương lai theo định hướng, tầm nhìn phát triển TP.HCM nói chung và ngành dịch vụ nói riêng.
“Đề án góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại TP giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời là cơ sở triển khai chương trình trọng điểm, định hướng tái cơ cấu nhóm ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế TP.HCM theo hướng tập trung vào các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao”, ông Dũng nói.
Cần tạo đà bứt phá cho các ngành dịch vụ
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP – nhìn nhận, TP.HCM luôn duy trì vị thế là trung tâm về dịch vụ, đóng góp 30% tỷ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển và đóng góp của các ngành dịch vụ hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập.
“Để đề án đi vào thực tế và đạt hiệu quả, giúp TP luôn giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, TP cần có các nghiên cứu, đề xuất mới trong hoạch định chiến lược khu vực dịch vụ của TP để thích ứng hài hòa trong bối cảnh mới và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển TP nói chung và ngành dịch vụ của TP nói riêng”, ông Phương nói.
Ông Trần Đức Hiển – Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM – cho hay, các kiều bào có thể đóng góp lớn trong việc kết nối các đối tác ở nước ngoài để phục vụ sự phát triển ngành dịch vụ trong nước. Một minh chứng có thể thấy, nhiều kiều bào đã giúp không ít mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam vươn ra thế giới và nổi tiếng. Muốn kiều bào làm tốt việc này hơn nữa, TP.HCM cần tạo điều kiện để kiều bào có những vị trí mặt bằng thuận lợi đáp ứng tiêu chí của các nhãn hàng đưa ra. Ngoài ra, TP cũng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để người Việt Nam ở nước ngoài an tâm và có điều kiện thuận lợi khi về nước làm ăn.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing – cho rằng, TP phải đẩy mạnh chuyển đổi số tạo môi trường thuận lợi, sự kết nối dữ liệu giữa các ngành với nhau, để giảm chi phí giúp cho sự phát triển của ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Theo đó, TP phải có cơ chế chính sách đầu tư lớn về tài chính hỗ trợ các ngành dịch vụ này phát triển, trong đó sẵn sàng cơ chế thử nghiệm.
“Đầu tư cho ngành dịch vụ là đầu tư cho tài sản vô hình nên rất khó thấy rõ “hình dáng” ban đầu nhưng đầu tư đúng hướng thì nó phát huy hiệu quả rất nhiều”, PGS.TS Đạt nói.
Tận dụng lợi thế hạ tầng
Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm dịch vụ lớn cần có một hệ thống, hợp phần dịch vụ, trước mắt là hạ tầng, chính sách và người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ. Đối với hạ tầng, kết cấu giao thông vận tải, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, TP.HCM cần chuẩn bị tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ có những điều kiện về hạ tầng, ít nhất là về giao thông vận tải, kho bãi để họ có chiến lược trong việc phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Đảo – Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM – cho rằng, Chính chủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 và nó chiếm 7% GDP. Vì vậy, trong các dịch vụ, TP.HCM nên có một dịch vụ công nghiệp văn hóa. Bởi đây là lĩnh vực đầy tiềm năng của TP. |
TP.HCM có tiềm năng trong việc kết nối giữa đường không, đường biển, đặc biệt trong tương lai cảng Cần Giờ có khả năng kết nối với những tàu có kích cỡ lớn nhất thế giới hiện nay. Do đó, TP.HCM có thể kết nối với các tỉnh, thành lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) để hình thành siêu thị kết nối tạo nên sự phát triển của vùng.
“Khi phát triển dịch vụ, TP cần chú ý ai sẽ sử dụng dịch vụ của mình. Do đó cần gắn kết với sự phát triển của các nhà sản xuất, cần có đánh giá trong thời gian ngắn hạn, dài hạn những ngành sản xuất nào sẽ là định hướng phát triển của TP.HCM và các địa phương lân cận. Đồng thời, TP nên xem xét đến xu hướng phát triển của các nhà sản xuất ở các quốc gia lân cận”, PGS.TS Hòa lưu ý.
Bà Sulina Kaur – chuyên gia phát triển cơ sở hạ tầng Malaysia – cho rằng, với sự phát triển cơ sở hạ tầng như Cảng trung chuyển Cần Giờ, khu thương mại tự do Cần Giờ sắp triển khai là điều kiện để TP.HCM phát triển trung tâm dịch vụ cũng như định hình trở thành trung tâm dịch vụ lớn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để phát triển trung tâm dịch vụ lớn cần xác định những yếu tố cốt lõi: Cơ sở hạ tầng, yếu tố cộng đồng, môi trường đầu tư ưu đãi và những trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. TP.HCM cũng có thể tham khảo các mô hình trung tâm dịch vụ về tài chính, trung tâm dịch vụ về đổi mới sáng tạo, trung tâm về giáo dục và y tế.
TS. Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 – góp ý, muốn xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao, cần phải xác định ngành chủ lực và Nhà nước tác động để phát triển theo ý muốn.
“TP.HCM đang chuyển đổi kép, tức là chuyển đổi xanh và số, không trừ ngành nào. Trong tương lai, TP sẽ khai thác 5 không gian phát triển gồm: không gian số, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa và không gian sáng tạo. Những không gian này chi phối quy hoạch phát triển nền kinh tế. Do đó, nếu đủ quyết tâm TP.HCM có đủ khả năng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực và quốc tế”, ông Lịch khẳng định.
Song Hậu
Bình luận (0)