Trước đây tôi từng có ước mơ làm nhà thơ. Khao khát cháy bỏng, đọc và thuộc rất nhiều thơ. Càng đọc, càng thuộc giấc mơ càng tan biến vì biết mình không đủ tầm để trở thành thi nhân. Vậy mà thơ ít nhiều lại gắn bó với nghề dạy học của tôi. Là giáo viên ngữ văn, ai mà không ít lần giảng thơ. Nhân chuyện một bài thơ nhỏ được đưa vào sách giáo khoa lớp 5 “Tiếng hạt nảy mầm” ồn ào thời gian qua, tôi xin có vài ý kiến: Cái đầu đề bài thơ hay như thế, chẳng hiểu tại sao dân mạng lại ầm ĩ: khen có, chê có. Nhưng suy ra cũng là điều bình thường, vì thưởng thức thơ mỗi người mỗi vị khác nhau. Người mê thơ Nguyễn Bính, Hoàng Cẩm, người lại thích Bùi Giáng, Phạm Tiến Duật… hoặc có những nhà thơ lớn như Xuân Diệu hay Chế Lan Viên ai cũng thích. Vậy nhưng không hiểu tại sao lại có người mạt sát, và cả chửi nặng lời một bài thơ. Không rõ con đường nào để bài thơ vào sách giáo khoa? Nhưng chắc chắn khi tác giả “làm thơ” chẳng đặt mục tiêu đưa vào sách giáo khoa mà chỉ ghi lại rung cảm riêng tư trước một hiện thực. Theo suy nghĩ cá nhân tôi, vị trí bài thơ là xứng đáng. Vì sao ư? Trước hết là “miền hiện thực”. Một tác phẩm rất hiếm hoi về một bộ phận rất nhỏ, lớp học cộng đồng trò khiếm thính. Một đề tài quá nhỏ. Một rung cảm tinh tế. Một cảm xúc nhân văn. Trẻ học bài thơ để hiểu rằng mình quá may mắn khi các bạn mình đang “nghe tiếng hạt nảy mầm” qua đôi tay cô giáo, khơi dậy lòng trắc ẩn, cảm thông chia sẻ chẳng quý lắm ư? Về thể loại, là thể thơ 5 chữ truyền thống, dễ đọc, dễ thuộc, phù hợp với lứa tuổi lớp 5. Về biểu hiện, là bài thơ tự sự, mô tả một lớp học đặc biệt, sinh động, dễ hiểu. Về biểu cảm, đủ để người đọc rung động nhẹ nhàng trước sự “dễ thương” của một lớp học đặc biệt. Về ngôn ngữ, lời thơ bình thường, chẳng quá đặc sắc nhưng cũng sinh động, tươi mát, tưới tắm chút ít cho tâm tư những người đọc hồn nhiên: “Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi”. Từ “ánh ỏi” là mắt chữ (nhãn tự) vì vừa tượng thanh, vừa tượng hình. Là cách nghe bằng mắt của trẻ đấy. Có thể đây là một bài thơ bình thường nhưng đặt đúng chỗ, chẳng có gì phải bàn tán nhiều. Thật ra thơ trong sách giáo khoa không đòi hỏi kinh điển. Cái chính là để học sinh học được gì đó cần thiết và gần gũi.
Hoàng Hồ
Bình luận (0)