Điểm qua một vòng các cơ sở sản xuất – kinh doanh mặt hàng Tết, có thể thấy một trong những điểm nổi bật của thị trường đặc sản miền Tây năm nay là tại nhiều cơ sở, chủ nhân đã nỗ lực “Đổi mới – sáng tạo” và ứng dụng công nghệ vào sản xuất; cố gắng hạ giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm và đa dạng mẫu mã để “vui lòng khách đến – vừa lòng khách đi”…
Bánh tét nhà làm hút khách
Cơ sở kinh doanh bánh tét lá cẩm Huỳnh Thảo của chị Huỳnh Thị Thu Thảo đang tất bật sản xuất cho vụ Tết 2025.
Bánh tét lá cẩm Huỳnh Thảo là một trong số thương hiệu nổi tiếng của Cần Thơ. Với nghề làm bánh hơn 40 năm, được truyền từ ông bà nội, chị Thảo đã kết hợp kinh nghiệm – bí quyết của gia đình với công nghệ hiện đại và những yêu cầu mới trong ẩm thực của khách hàng nên sản phẩm ngày càng đa dạng, được thị trường ưa chuộng.
Chia sẻ bí quyết giúp bánh tét Huỳnh Thảo thu hút đông đảo khách hàng, chị Thảo cho biết, ngoài việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu làm bánh (nếp, đậu, thịt, trứng…) đều là sản phẩm chất lượng cao, tươi mới. Đặc biệt, trứng muối không phải hàng đông lạnh mà là cơ sở mua trứng vịt tươi về tự muối, giúp nhân bánh tăng độ dẻo, bùi, không bị khô. Màu của bánh hoàn toàn tự nhiên từ lá dứa, lá cẩm. Nếp làm bánh được xào với nước cốt dừa có thêm vài gia vị nên rất thơm, ngọt và dẻo. Đặc biệt, cơ sở chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và một số lượng vừa đủ bán trong ngày, không để hàng tồn hôm sau bán lại. Bánh tuyệt đối không sử dụng chất phụ gia; đối với những sản phẩm chuyển lên TP.HCM, Hà Nội hoặc nước ngoài, bánh được hút chân không trước khi cho vào hộp để được hơn 1 tuần.
Tết năm nay, cơ sở Huỳnh Thảo cho ra mẫu bánh tét 3 màu và bánh tét nhân lạp xưởng, đây là loại bánh cao cấp với nhân gồm đậu xanh, thịt heo, mỡ, tôm khô, trứng muối, lạp xưởng, giá 1 đòn là 165.000 đồng. Ngoài ra cơ sở nhận gói bánh theo yêu cầu của khách hàng.
Hiện cơ sở Huỳnh Thảo sản xuất 7 loại bánh tét lá cẩm, trong đó loại thấp nhất là bánh nhân chuối, có giá 65.000 đồng/đòn.
Một trong những điểm đặc biệt của cơ sở này là 3 năm nay các loại bánh tét vẫn giữ nguyên giá cho dù các nguyên liệu làm bánh đều tăng, nhất là gạo nếp, tôm khô và thịt heo.
Chị Thảo tâm sự: “Đa số khách hàng đều là mối ruột, đặt mua hàng của tôi trong năm, đến Tết, mua thêm làm quà cho bạn bè, người thân, tôi không thể tăng giá bán. Mình chịu lời ít nhưng tình nghĩa mới là chính”.
Để có thể giữ nguyên giá bánh tét trong khi nguyên liệu làm bánh tăng vào dịp Tết, trước đó chị Thảo đã thu mua, dự trữ một số nguyên liệu như nếp, đậu xanh, tôm khô, trứng vịt…
Theo các đơn đặt hàng, Tết năm nay cơ sở bánh tét lá cẩm Huỳnh Thảo sẽ sản xuất hơn 3.000 đòn bánh các loại.
Các làng nghề làm bánh tráng đỏ lò
Bánh tráng là một trong những món ăn phổ biến trong ngày Tết của người dân ĐBSCL và nhiều vùng miền, được nhiều người mua để làm quà tặng người thân dịp Tết. Theo đó, những ngày này tại các làng nghề bánh tráng có hàng trăm năm tuổi như cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), làng nghề Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) – được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, luôn tấp nập. Các đơn đặt hàng từ khắp nơi đã đổ về khá nhiều.
Để phục vụ thị trường Tết, bà con miệt mài lao động từ lúc trời chưa sáng cho đến khuya. Nhiều hộ bổ sung 3-4 lò tráng bánh; một số hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, trong đó có lò sấy, vừa sấy cho sản phẩm của nhà vừa nhận sấy thuê. Bởi vậy dù năm nay có những trận mưa trái mùa nhưng không làm khó được người sản xuất. Các làng nghề đều đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm cho thị trường dịp Tết.
Bà Trần Thị Thúy Liễu – chủ cơ sở làm bánh tráng tại cù lao Mây – bày tỏ: “Cơ sở của tôi có 3 lò tráng bánh nên đảm bảo sản xuất đủ cho các đơn hàng. Tuy nhiên giá nguyên liệu đầu vào như gạo, sữa, đường… đều tăng nên dự kiến giá bán năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm trước”.
Tết năm nay, ngoài bánh tráng thanh long, cơ sở của bà Liễu còn đưa ra thị trường bánh tráng mít ruột đỏ. Giá bán 2 loại bánh tráng này là 40.000 đồng/10 cái – cao hơn 3.000 đồng so với bánh tráng ớt, bánh tráng sữa…
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng chủ yếu sản xuất 3 loại bánh gồm: Bánh tráng lạt dùng cuốn thịt, cá; bánh tráng dừa, mè dùng để nướng và bánh tráng ngọt. Tùy mỗi loại mà bánh có giá khác nhau: Bánh lạt giá dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/70 chiếc bánh; bánh ngọt 140.000 đồng/100 chiếc, bánh đặc biệt 300.000 đồng/100 chiếc bánh; bánh dừa nướng, mè 350.000 đồng/100 chiếc bánh. Các hộ làm bánh tráng nơi đây thống nhất ngày Tết vẫn giữ giá sản phẩm như trong năm.
Nghệ nhân Hà Thị Sáu cho biết, lượng khách đặt hàng năm nay tăng cao, mỗi ngày lò bánh của gia đình cung ứng ra thị trường hơn 10.000 chiếc bánh. Nhờ đầu tư 2 hệ thống máy tráng bánh dừa, mè và bánh tráng ngọt nên sản xuất được lượng bánh nhiều…
“So với năm trước, giá gạo, đường, dừa đều tăng nhưng tôi vẫn giữ giá bán như cũ. Ngày Tết cũng không tăng giá. Mình lời ít nhưng được góp phần đem lại cái Tết vui vẻ cho bà con, khách hàng là nghe vui trong bụng rồi”, bà Sáu vui vẻ nói.
Đan Phượng
Bình luận (0)