Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hiểu đầy đủ bản chất của phương pháp dạy học tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong các yếu tố cấu thành quá trình giáo dục, dạy học thì phương pháp bao giờ cũng là yếu tố năng động và trực tiếp quyết định kết quả của quá trình. Sự lựa chọn, ra đời của mỗi trường phái phương pháp giáo dục, dạy học phụ thuộc vào mục đích giáo dục của mỗi thời đại, vào trình độ, phương thức của mỗi nền sản xuất. Bởi vì giáo dục là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc, nó phản ánh và chịu sự chi phối của hạ tầng cơ sở.

Theo tác giả, nếu nắm được đầy đủ bản chất của phương pháp dạy học tích cực thì người dạy chắc chắn sẽ vận dụng dễ dàng, thành công với phương pháp này (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Trong lịch sử giáo dục của nhân loại, tương ứng với nền sản xuất nông nghiệp thủ công là nền giáo dục giáo điều của các tôn giáo nhằm đào tạo các tăng lữ, tín đồ, quan lại. Mục đích của nền giáo dục đó là đào tạo con người “biết gì” và lấy trí nhớ làm cứu cánh. Khi nền kinh tế công nghiệp của chủ nghĩa tư bản ra đời, để đào tạo hàng vạn công nhân cho các công trường, xí nghiệp, hầm mỏ thì mục đích giáo dục chuyển sang đào tạo con người biết “làm gì”, lấy kỹ năng làm cứu cánh và phương pháp giáo dục, dạy học cổ truyền ra đời thay cho phương pháp giáo điều.

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, kinh tế thế giới phát triển theo cơ chế thị trường, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đã làm cho các nền kinh tế cạnh tranh nhau quyết liệt để tồn tại, phát triển. Trong bối cảnh đó, hàm lượng chất xám ở sản phẩm hàng hóa quyết định sự phát triển hay tụt hậu của nền kinh tế quốc gia và từng xí nghiệp. Muốn hàng hóa có hàm lượng chất xám cao thì phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, năng động, sáng tạo. Đòi hỏi đó buộc mục đích giáo dục ngày nay là phải đào tạo thế hệ trẻ thành những người có năng lực giải quyết vấn đề gì? và lấy năng lực sáng tạo làm cứu cánh để đáp ứng nền kinh tế tri thức đang phát triển đến chóng mặt. Do vậy, phương pháp giáo dục, dạy học tích cực ra đời thay cho phương pháp cổ truyền. Theo đó, việc dạy học chuyển từ trang bị tri thức sang bồi dưỡng năng lực, bao gồm năng lực phát hiện, nhận thức và giải quyết vấn đề do cuộc sống năng động đặt ra.

Mục tiêu của phương pháp dạy học tích cực do thời đại đòi hỏi thì đã rõ. Song nội dung cụ thể và đặc biệt là lộ trình của phương pháp đó như thế nào thì các nhà lý luận dạy học hiện nay kể cả trong và ngoài nước chưa khám phá được đầy đủ. Xét theo vai trò của người dạy, người học thì các nhà lý luận gọi đây là phương pháp lấy người học làm trung tâm hay “làm gốc”. Còn xét theo yêu cầu của phương pháp thì đó là phương pháp phát huy tính tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh. Cả hai cách nói đó đều chung chung, mơ hồ, người dạy không rõ con đường (lộ trình) để đạt được mục tiêu, yêu cầu đó như thế nào nên rất lúng túng. Một số giáo viên giỏi ở các bậc học hiện nay chỉ thực hiện được yêu cầu: phát huy tính tự giác, tích cực, độc lập của người học với việc xây dựng được một hệ thống câu hỏi theo kiểu chương trình hóa; còn yêu cầu bồi dưỡng, rèn luyện năng lực sáng tạo thì rất ít giáo viên làm được. Có chăng chỉ là sự sáng tạo theo kinh nghiệm trong những tình huống quen thuộc, cụ thể chứ chưa có được phương pháp luận của hoạt động sáng tạo nói chung, trong dạy học nói riêng. Trong khi đó, sáng tạo lại là yêu cầu quan trọng, cốt lõi của phương pháp dạy học tích cực, là mục tiêu cứu cánh của nền giáo dục hiện đại.

Sở dĩ có những bất cập trên là do chúng ta chưa khám phá được đầy đủ bản chất, chưa xây dựng được lộ trình của phương pháp dạy học tích cực. Sai lầm lớn nhất trong lý luận và thực tiễn dạy học của chúng ta hiện nay là mới làm cho người học tiếp cận tài liệu học tập (TLHT) ở trạng thái tĩnh chứ chưa ở trạng thái vận động theo hệ thống. Tiếp cận ở trạng thái đó, người dạy, người học không thể khám phá được đầy đủ bản chất cũng như không nắm được quy luật vận động của vấn đề trong TLHT. Do tiếp cận TLHT ở trạng thái tĩnh nên nội dung TLHT là một hệ thống đóng (kín). Người học chỉ được thông hiểu, ghi nhớ và vận dụng mà không được phép sửa chữa, thay đổi. Trong khi đó, xu hướng của nền giáo dục hiện đại ngày nay phải là một hệ thống mở. Cụ thể, mở ở tất cả các thành tố cấu thành quá trình giáo dục, dạy học: từ mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức cho đến cả khâu đánh giá kết quả. Mở để giao lưu, hội nhập và mở để cho mọi tiềm năng của người học, người dạy được khơi dậy, phát huy. Cũng do quá trình dạy học hiện nay chỉ làm cho người học tiếp cận TLHT ở trạng thái tĩnh nên không thể bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho người học trong quá trình dạy học được. Bởi vì, theo quan điểm cấu trúc hệ thống thì mọi sự vật hiện tượng từ vi mô đến vĩ mô, từ tự nhiên đến xã hội và tư duy đều có cấu trúc hệ thống. Tính hệ thống phản ánh trình độ phát triển của chính sự vật, hiện tượng. Từ đây chúng ta suy ra: sáng tạo là việc tạo ra một hệ thống cấu trúc mới từ các thành phần cấu trúc của các sự vật, hiện tượng tương ứng đã có. Đó có thể là sự thêm, bớt, thay đổi cấu trúc của sự vật, hiện tượng cũ hay tạo ra một sự vật, hiện tượng hoàn toàn mới từ sự tổng hợp các bộ phận của những sự vật, hiện tượng tương ứng đã có. Như hình tượng con rồng là kết quả của trí tưởng tượng, sáng tạo hoàn toàn mới. Nó không có trong hiện thực, nhưng nếu tách từng bộ phận trên cơ thể ra thì đầu nó giống đầu sư tử; mình giống mình trăn, rắn; vảy giống vảy cá; chân giống chân cá sấu, thằn lằn.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều định nghĩa khác nhau về sự sáng tạo do các góc độ tiếp cận khác nhau của những khoa học khác nhau nghiên cứu về hoạt động này như: giá trị học, công nghệ học, sáng tạo học… Với giáo dục học thì nên xem xét hoạt động này ở góc độ cấu trúc hệ thống của sản phẩm sáng tạo để có biểu tượng cụ thể, trên cơ sở đó mà quy trình hóa được việc bồi dưỡng phương pháp, năng lực sáng tạo cho học sinh trong quá trình dạy học. Nhận thức luận của Mác đã chỉ ra: “Nhận thức không chỉ để biết, nhận thức là để cải tạo!”. Đến Lê-nin, nhận thức luận tích cực này được lộ trình hóa với các giai đoạn sau: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng; từ tư duy trừu tượng trở lại thực tiễn. Sau khi hiểu đầy đủ nội dung TLHT ở trạng thái tĩnh với việc so sánh, phân tích, tổng hợp thì cần làm cho người học tiến lên một bước mới là phát hiện ra logic vận động của nội dung TLHT và cấu trúc hệ thống của nó. Đồng thời đánh giá logic vận động ấy đã hợp lý, tối ưu chưa; cấu trúc hệ thống ấy đã toàn vẹn, tối ưu chưa? Nếu chưa thì nên xây dựng lại cấu trúc, nội dung TLHT như thế nào cho hợp lý, tối ưu, toàn vẹn. Những bước nâng cao mới này cả trong lý luận cũng như thực tiễn chưa mấy ai nhận ra, làm được. Và nếu không có các bước đó trong việc tiếp cận TLHT thì không thể có việc bồi dưỡng, rèn luyện năng lực sáng tạo cho người học thông qua phương pháp, con đường nhận thức của quá trình học tập. Để cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học theo phương pháp tích cực đạt kết quả, cần làm cho người dạy hiểu đầy đủ bản chất và nắm vững lộ trình của phương pháp đó. Về bản chất của phương pháp tích cực, ngoài những dấu hiệu mà chúng ta đã biết là làm cho người học: tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo trong việc chiếm lĩnh tri thức thì điều quan trọng cần biết thêm là việc tiếp cận TLHT phải từ trạng thái tĩnh rồi chuyển sang trạng thái vận động theo hệ thống. Đồng thời có sự phê phán khách quan với TLHT về cấu trúc, nội dung theo logic vận động hợp lý, tối ưu và theo một cấu trúc toàn vẹn cho vấn đề.

Lộ trình tổng quát của phương pháp dạy học tích cực theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi là: làm cho người học tiếp cận TLHT ở trạng thái vận động theo hệ thống và phê phán. Còn lộ trình cụ thể của phương pháp này cho việc hình thành một khái niệm cơ bản (KNCB) theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi gồm các bước sau: phân tích cấu trúc của nội dung KNCB; xác định những thành phần cơ bản nhất trong cấu trúc của KNCB để hiểu dấu hiệu bản chất nhất của KNCB; diễn đạt KNCB bằng nhiều hình thức khác nhau trên cơ sở nắm vững các thành phần của nội dung KNCB; xác định góc độ tiếp cận để xây dựng KNCB và đánh giá nội dung KNCB ở góc độ tiếp cận đó; dùng KNCB làm điểm tựa để đánh giá phần nội dung, cấu trúc kiến thức bài học mà KNCB đó liên quan, chi phối và tìm hiểu ý nghĩa thực tiễn, lý luận của khái niệm.

Trên cơ sở nắm được đầy đủ bản chất và đặc biệt lộ trình tổng quát cũng như cụ thể của phương pháp dạy học tích cực như trên, người dạy chắc chắn sẽ vận dụng dễ dàng, thành công phương pháp dạy học này.

Vũ Duy Yên (Thái Bình)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)