Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Đừng đụng đến con tôi!”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hin nay, trưng ph thông, nht là trưng tiu hc, giáo viên chu khá nhiu áp lc không ch do công vic ging dy, phong trào, hc tp nâng cao… mà còn phi chu áp lc nng n t mt s ph huynh “cá bit”.

Khi xử lý các tình huống giáo dục, giáo viên cần lưu ý đến tâm lý học sinh, hãy tạo cho các em niềm tin là những gì mình làm tốt, làm đúng đều được thầy cô ghi nhận (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Một ngày, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A (cũng là tổ trưởng chuyên môn của khối 5) phải đi dự hội thảo, tập huấn. Vì không có giáo viên dự khuyết nên nhà trường đã phân công thầy C. (phụ trách thư viện mới về trường công tác) trông coi lớp 5A. Thầy chủ nhiệm lớp 5A đã cho bài, học sinh phải làm bài theo đúng thời gian của các môn học. Trong lúc trông coi lớp, thầy C. rất bực mình vì nam sinh H. cứ liên tục nói chuyện hay chọc phá bạn bè mà không tập trung làm bài dù thầy nhắc nhở liên tục. Sắp đến giờ tan học, H. vẫn chưa làm bài xong mà tiếp tục quay xuống bàn sau nói chuyện, thầy C. gọi tên nhắc nhở nhưng H. vẫn không nghe thấy. Thầy C. bước xuống cạnh bên, dùng quyển sách trên tay định vỗ vào vai H. nhắc nhở nhưng bất ngờ H. quay đầu lại, vậy là quyển sách chạm vào mặt em. Ngay lúc ấy, trống đánh ra về. Học sinh ra về chừng 15 phút, ba của H. vào trường la hét đòi gặp thầy giáo đã đập quyển sách vào mặt con mình. Bảo vệ ngăn phụ huynh không cho vào trong trường. Ba của H. càng hùng hổ hơn, đòi chặn đường đánh thầy nào dám “đụng” đến con mình. Ban giám hiệu nhà trường gặp phụ huynh và nói rằng thầy C. đã ra về, hẹn phụ huynh ngày mai đến trường để xử lý. Ba của H. hậm hực ra về với câu nói: “Tôi nói rồi, đừng đụng tới con tôi!”. Để đề phòng chuyện đáng tiếc xảy ra, các giáo viên trong trường khuyên thầy C. ở lại trường đến tối hãy về nhà, và thầy phải viết bản tường trình để sáng mai giải quyết sự việc. Nghe tên nam sinh H., giáo viên trong trường và cả ban giám hiệu đều lắc đầu ngao ngán. Bởi ngay từ lớp 1, H. đã nghịch phá… có tiếng, còn gia đình thì cưng chiều con hết mức. Bạn bè trong trường, trong lớp mà mâu thuẫn với H. là phụ huynh “ra tay” bênh vực con ngay, bất chấp con mình đúng hay sai. Chuyện nhỏ thành to, giáo viên chủ nhiệm lớp phải thường xuyên giải quyết các tình huống do ba của H. đã “ra tay” với các bạn của con. Thầy cô nào chỉ cần la rầy làm H. không vui là ba của em tới trường ngay lập tức, chê trách đủ điều. Chính vì thế, kể từ khi H. lên lớp 2, thầy cô đều “truyền miệng” nhau là cẩn trọng khi dạy em. Thầy C. là giáo viên phụ trách thư viện mới về trường nên không biết việc này đã vô ý dính vào “điều cấm kỵ”.

Hôm sau, ba của H. đến trường. Khi nghe thầy C. tường trình sự việc, khẳng định không dùng sách đánh H., ông ta vẫn khăng khăng là thầy C. dùng sách đánh vào đầu con mình và yêu cầu nhà trường phải xử lý kỷ luật thầy. Mặc dù ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm phân tích, giải thích, ba của H. vẫn không thay đổi ý kiến, còn yêu cầu kể từ bây giờ thầy C. không được giữ lớp khi giáo viên đi vắng. Đến lúc này, tôi mới có ý kiến. Tôi yêu cầu mời H. lên văn phòng. Đầu tiên, tôi nhận xét về H.: “Em là một học sinh thông minh, học tốt và rất trung thực. Thầy mong rằng em trả lời thật đúng các câu hỏi của thầy”. Em H. gật đầu. Tôi hỏi H. trong thời gian thầy C. giữ lớp, thầy đã nhắc nhở em bao nhiêu lần về việc em nói chuyện, H. trả lời lí nhí là rất nhiều lần. Tôi tiếp tục hỏi em có thấy thầy C. giơ quyển sách từ trên xuống không, H. trả lời không. Tôi lại hỏi H., sau khi thầy C. chạm quyển sách vào mặt, em có thấy đau không, H. trả lời không. Thấy H. cứ trả lời “không”, ba của em liền lên tiếng: “Nhưng thầy đã dùng sách đụng vào mặt con tôi! Tôi không đồng ý, vì đó là dùng bạo lực với học sinh”. Tôi ngưng hỏi H., quay sang cô giáo đang làm thư ký ghi biên bản nhắc cô ghi đầy đủ các câu trả lời của em. Sau đó, quay sang phía phụ huynh, tôi hỏi phụ huynh hôm qua có đưa H. đến bệnh viện để lấy giấy xác nhận bị chấn thương hay không, phụ huynh lắc đầu. Tôi nói với phụ huynh, muốn kỷ luật thầy C. thì phụ huynh phải làm đơn thưa và có đủ minh chứng để nhà trường thành lập hội đồng kỷ luật. Nghe thế, phụ huynh dịu giọng hơn, phân bua là không muốn làm lớn chuyện nhưng vẫn cố chấp nói: “Nhưng mà từ giờ trở đi, nhà trường không được để thầy C. vào coi lớp con tôi nữa”. Tôi trả lời phụ huynh, nhà trường không có giáo viên dự khuyết, vì sợ học sinh đùa giỡn gây tai nạn hay đánh nhau trong lúc vắng giáo viên nên nhà trường đã nhờ thầy phụ trách thư viện trông giúp, chứ đây không phải là nhiệm vụ của thầy. Đề nghị của phụ huynh không hợp lý vì đây là công tác của nhà trường. Ba của H. vẫn tiếp tục cho rằng nếu để thầy C. vào lớp rồi xảy ra tình trạng như thế, nhà trường tính sao. Tôi không nhìn phụ huynh mà nhìn thẳng vào mặt H. nói, vậy sau này khi thầy C. xuống giữ lớp, em sẽ lên phòng ban giám hiệu hoặc văn phòng làm bài một mình đến khi nào giáo viên chủ nhiệm về thì trở lại lớp học. Nghe tôi nói thế H. hốt hoảng nói em muốn học ở lớp, em không lên văn phòng học một mình đâu và nhìn qua phụ huynh cầu cứu. Thấy cách giải quyết của tôi đã làm H. sợ, ba của em liền đổi thái độ ngay. Ông nói thôi cứ để H. học ở lớp với bạn, chỉ cần thầy C. nhớ đừng đụng chạm gì đến con mình. Nói xong, ba của H. xin phép ra về. Mọi việc được giải quyết êm thấm.

Tình huống xảy ra quá bất ngờ làm thầy C. buồn phiền vì vô tình đã gây họa cho… chính mình. Về phía nhà trường, việc không cho phụ huynh gặp mặt thầy phụ trách thư viện ngay hôm xảy ra sự việc là điều hết sức cần thiết. Phụ huynh trong lúc nóng giận, thầy C. thì bị “kết tội oan”. Việc gặp mặt nhau ngay khi sự việc xảy ra dễ gây nên xung đột căng thẳng, khó thể ngăn cản. Tổ chức họp vào ngày hôm sau, phụ huynh sẽ giảm bớt cơn nóng giận của mình, giáo viên có thời gian xem lại các ứng xử của mình khi tình huống xảy ra, cũng như có thể chuẩn bị tinh thần để trình bày, giải thích, trả lời các chất vấn của phụ huynh. Khi xử lý các tình huống như thế này, ban giám hiệu, giáo viên tham gia cuộc họp cũng cần lưu ý đến tâm lý học sinh, hãy tạo cho các em niềm tin là những gì mình làm tốt, làm đúng đều được thầy cô ghi nhận để khơi gợi cái tốt, sự trung thực của học sinh; đừng “phủ đầu” học sinh bằng các từ “hư, nghịch phá, lỳ lợm…”, các em sẽ phản kháng bằng cách không trả lời, hoặc nói dối và phụ huynh cũng cho rằng con em mình bị “đàn áp”.

Tôi nghĩ, sau sự việc này, ba của H. cũng rút kinh nghiệm cho chính mình. Phụ huynh đừng dựa vào quy định giáo viên không được xúc phạm, bạo lực học sinh mà cho rằng mình luôn ở “cửa trên” để rồi gây phiền phức cho thầy cô, cho nhà trường từ những việc nhỏ vì sự thương con quá mức của mình. Sau sự việc được giải quyết, mỗi khi thầy C. vào giữ lớp, H. ngoan hơn, tập trung làm bài hơn vì biết rằng nếu nói chuyện, nghịch phá, không làm bài, thầy sẽ đưa lên phòng ban giám hiệu học. Một tình huống giáo dục được giải quyết tốt sẽ luôn đem đến hiệu quả cao trong nhà trường!

Lê Phương Trí

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)