Pháp sẵn sàng phối hợp với Bộ GD-ĐT Việt Nam đưa hệ thống chứng chỉ quốc tế tiếng Pháp vào chương trình giáo dục Việt Nam. Đồng thời sẽ xây dựng những lớp tập huấn hỗ trợ giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp được tiếp cận được với những kiến thức mới và những phương pháp giáo dục tiên tiến.
Thông tin được ông Olivier Brochet – Đại sứ Pháp tại Việt Nam trao đổi với phóng viên Giáo dục TP.HCM…
Theo ông Olivier Brochet, đến nay Việt Nam có 21 trường được trao biển hiệu kiểm định chất lượng giáo dục Label FrancEducation do Bộ Ngoại giao và Châu Âu Pháp công nhận. Trong đó TP.HCM có 4 đơn vị trường học là THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5); THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3); Tiểu học Lương Định Của và Trường THCS Colette (quận 3).
+ Phóng viên: Xin ông cho biết, khi trường học được nhận kiểm định Label FrancEducation thì sẽ mang đến những lợi ích gì cho công tác giảng dạy của trường?
– Ông Olivier Brochet: Điểm đầu tiên khi tham gia vào hệ thống trường học đạt kiểm định giáo dục tiếng Pháp thì việc trao đổi học sinh, giáo viên giữa các trường Việt Nam và Pháp ngữ trở nên dễ dàng hơn. Trường của các bạn được nhận biết bởi các trường trên quốc tế.
Tại Việt Nam hiện nay chúng tôi có 2 trường Pháp ngữ ở TP.HCM và Hà Nội. 2 trường này tổ chức rất nhiều hoạt động giao lưu về học thuật, văn hóa, thể thao và sẽ mời giáo viên, học sinh của các trường nằm trong hệ thống kiểm định chất lượng này cùng tham gia với họ.
Khi trường học Việt Nam đạt kiểm định chất lượng này thì giáo viên của nhà trường sẽ có thể được chúng tôi gửi sang Pháp để tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn. Cạnh đó, Viện Nghiên cứu Giáo dục của Pháp tại Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên dành cho những trường Pháp ngữ tại Việt Nam cũng sẽ được chúng tôi giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên của hệ thống trường của Việt Nam đã tham gia vào hệ thống Label FrancEducation.
Chương trình song ngữ tiếng Pháp tại Việt Nam được triển khai từ những năm 1990 – là một hệ thống giáo dục tốt, có chất lượng nhưng với hơn 30 năm triển khai thì hiện nay đã phát sinh những lạc hậu. Hiện nay, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đang hỗ trợ giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp tham gia các lớp tập huấn để tiếp cận được với những kiến thức mới và những phương pháp giáo dục tiên tiến.
Ngoài ra, việc đào tạo, phát triển giáo viên tiếng Pháp trong tương lai là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Bộ GD-ĐT, các trường đại học đào tạo giáo viên của Việt Nam về vấn đề này, và đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ về mặt chuyên môn để giúp Việt Nam đào tạo ra thế hệ giáo viên mới. Trong những cuộc họp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh điều kiện mà chúng tôi sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các khóa đào tạo giáo viên…
+ Vậy những giảng dạy tiếng Pháp cho TP.HCM trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
– Nhà nước Pháp sẽ duy trì, phát triển đường dài hệ thống giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam. Việc đầu tiên mà bạn có thể thấy đó là việc Pháp trao kiểm định chất lượng giáo dục dành cho các trường có dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp – đây là điều kiện tạo cho các đơn vị gia nhập vào hệ thống giáo dục của các trường dạy tiếng Pháp trên toàn thế giới.
Hiện nay, Việt Nam có 21 trường học nằm trong hệ thống này, trong đó TP.HCM có 4 trường, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có hơn 30 trường của Việt Nam gia nhập vào hệ thống các trường này, điều đó có thể tạo cho Việt Nam trở thành vệ tinh quan trọng trong hệ thống trường quốc tế.
Đặc biệt, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Bộ GD-ĐT Việt Nam để đưa hệ thống chứng chỉ quốc tế về tiếng Pháp vào chương trình giáo dục của Việt Nam…
+ Xin ông nói rõ hơn về việc Pháp sẽ cấp chứng chỉ quốc tế tiếng Pháp cho học sinh Việt Nam trong thời gian tới là như thế nào?
– Hiện nay, trong hệ thống chứng chỉ quốc tế dành cho các ngôn ngữ châu Âu nói chung, bao gồm tiếng Pháp sẽ có khung 6 bậc của châu Âu là: A1, A2, B1, B2, C1, C2.
Đối với các chứng chỉ A1 dành cho các bạn mới bắt đầu học tiếng Pháp, các bạn có thể sử dụng những từ đơn giản, thực hành những câu đơn không phức tạp; Với A2 có thể tiếp cận những câu phức, và bắt đầu hình thành những cuộc đối thoại đơn giản; Với B1 là đã được chuẩn hóa về ngữ pháp, từ vựng, mở rộng các cuộc giao tiếp; B2 khẳng định được rằng người học có thể hoàn toàn thoải mái trong việc sử dụng tiếng Pháp; C1, C2 thì các bạn có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực tiếp Pháp.
Đối với tôi, việc chúng ta đưa chứng chỉ quốc tế này vào trong chương trình phổ thông của Việt Nam thì sẽ giúp chúng ta nhận định được mức độ và khả năng ngoại ngữ của học sinh. Cạnh đó, phụ huynh cũng thấy được sự tiến bộ của con em mình trong quá trình học ngoại ngữ, còn với riêng học sinh thì với chứng chỉ này các em sẽ có điều kiện để có thể đăng ký vào học tại những trường nước ngoài.
Về điều này chúng tôi đã đặt câu hỏi với Bộ GD-ĐT Việt Nam, sẵn sàng phối hợp với Bộ GD-ĐT Việt Nam để đưa hệ thống chứng chỉ này vào trong chương trình giáo dục của Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi chưa thống nhất cụ thể với Bộ GD-ĐT Việt Nam. Hy vọng rằng với những chính sách mới về quan hệ chính trị của 2 đất nước thì chúng ta có thể có điều kiện tốt hơn để bàn luận kỹ hơn về những điều kiện tốt nhất, thống nhất việc triển khai các chứng chỉ này trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
+ Lợi ích của người học Việt Nam khi học tiếng Pháp là gì, thưa ông?
– Hiện tại Việt Nam là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, với hơn 80 quốc gia là thành viên thì đã có hơn 30 quốc gia sử dụng tiếng Pháp như một ngôn ngữ thứ 2 và nhiều quốc gia khác sử dụng tiếng Pháp như ngôn ngữ hành chính. Như vậy, tiếng Pháp không phải là ngôn ngữ của người Pháp nữa mà đã trở thành ngôn ngữ của cộng đồng trên thế giới.
Toàn thế giới hiện có hơn 310 triệu người nói được tiếng Pháp. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có 700 triệu người nói được tiếng Pháp. Do đó, việc học tiếng Pháp sẽ giúp người học Việt Nam có nhiều cơ hội, không chỉ là học tập, làm việc tại Pháp mà còn là tại các nước nói tiếng Pháp trong cộng đồng, ở đa dạng các lĩnh vực từ kinh tế, ngoại giao, giáo dục…
Điều quan trọng nữa là Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh, cần đến các khóa đào tạo chất lượng cao. Về điều này, nước Pháp có thể hỗ trợ cho Việt Nam đào tạo các khóa đào tạo chất lượng cao đối với thế hệ trẻ với một chi phí đào tạo thấp. Có nghĩa là Việt Nam sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng với kinh phí tham gia thì thấp.
Có 2 điều quan trọng mà chúng tôi khuyến khích học sinh Việt Nam học tiếng Pháp đó là chúng tôi có hệ thống đào tạo chất lượng cao với chi phí thấp; kế đó là với hệ thống việc làm hiện tại thì hầu như chúng ta đều nói được tiếng Anh. Nhưng khi một người nói được tiếng Anh và tiếng Pháp thì sẽ tạo lợi thế và sự cạnh tranh rất lớn.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Giang Quân (thực hiện)
Bình luận (0)