Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Để đồng bằng sông Cửu Long đạt mức phát thải bằng 0 (Net Zero)

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 10-1-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với UBND TP.Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Việt Nam cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt thông tin về Chương trình KH-CN Net Zero tại Việt Nam  

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-CN đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và triển khai Chương trình KH-CN cấp quốc gia KC.16/24-30 nhằm phục vụ mục tiêu Net Zero. Đây là hành động cụ thể nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Chương trình KH-CN Net Zero là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây không chỉ là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các đại biểu dự hội thảo

Để Chương trình KH-CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng ĐBSCL thành công, Bộ trưởng Bộ KH-CN kêu gọi  các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp tục đồng hành, đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp, cụ thể hóa lộ trình và nguồn lực để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nhanh chóng và hiệu quả, và bày tỏ: “Hội thảo nhằm lan tỏa thông tin về chương trình KH-CN Net Zero tới cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học trong vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội để chúng ta thảo luận, tìm kiếm giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu Net Zero tại khu vực này – vùng đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam nhưng đang chịu tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH-CN) thông tin về Chương trình KC.16/24-30. Theo đó, chương trình gồm các nội dung chính: Hoàn thiện chính sách pháp luật về Net Zero; xây dựng mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Net Zero; công nghệ giảm phát thải trong các lĩnh vực (giao thông vận tải, nông nghiệp…); các giải pháp kiểm kê và chứng nhận khí nhà kính, cảnh báo nguy cơ phát thải khí nhà kính…

Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ chia sẻ về những nỗ lực của Cần Thơ trong mục tiêu hướng đến Net Zero

Mục tiêu đến năm 2030, Chương trình KC.16/24-30 tạo ra các giải pháp đột phá về các công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, kỹ thuật; nâng cao nguồn năng lực phục vụ mục tiêu giảm phát thải; góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.

Góp phần tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho thành công của mục tiêu Net Zero tại vùng ĐBSCL, tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp đã sôi nổi thảo luận, đề xuất kiến nghị cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.  Trong đó,  ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, thông tin về những nỗ lực Cần Thơ đã thực hiện trong thời gian qua để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0.

Theo đó,  thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP.Cần Thơ đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong vùng; đồng thời tham gia các chương trình hợp tác, các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động trao đổi, triển khai thực hiện các chương trình, các dự án do tổ chức quốc tế hỗ trợ. Qua đó góp phần giúp TP.Cần Thơ nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước.

Đại diện Bộ KH-CN trình bày kế hoạch triển khai Chương trình KH-CN cấp quốc gia KC.16/24-30

“TP.Cần Thơ đã cập nhật kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, và lồng ghép vào kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực; đồng thời tích cực triển khai các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái, tuần hoàn và hữu cơ, tập trung giảm phát thải khí metan, lồng ghép giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vào các ngành, lĩnh vực sản xuất. Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp, TP đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhân rộng các mô hình tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP; hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường,  thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị nông sản địa phương, góp phần khẳng định vị thế không chỉ của Cần Thơ, mà của toàn vùng ĐBSCL trên bản đồ nông nghiệp xanh quốc gia và quốc tế” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ chia sẻ.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trân trọng cảm ơn các ý kiến, giải pháp của các đại biểu, và tin tưởng: “Dù mục tiêu  Net Zero tại ĐBSCL đặt ra đầy thách thức nhưng tôi tin rằng, với tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo các tỉnh, thành; các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, chúng ta sẽ biến những thách thức này thành cơ hội. ĐBSCL sẽ không chỉ là vùng tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu mà còn là vùng có nhiều đổi mới, giải pháp về phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo”.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)