Bộ GD-ĐT dự kiến có thể ngưng xét tuyển sớm, thay vào đó sẽ chuyển sang xét tuyển thẳng theo quy chế dành cho những học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, đạt những giải thưởng trong nước và quốc tế.
Thông tin đáng chú ý này được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) đưa ra tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ “Cùng bạn quyết định tương lai” năm 2025 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức ngày 5-1.
Hơn 10 ngàn học sinh quy tụ về ngày hội
Ngày hội năm nay quy tụ hơn 10 ngàn học sinh thuộc 120 trường THPT tại TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Thuận, Lâm Đồng. Ngày hội diễn ra trong bối cảnh dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi, trong đó, một quy định mới rất được quan tâm là việc “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT dự kiến quy định việc xét tuyển sớm chiếm khoảng 20% chỉ tiêu. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, bộ cũng đang cân nhắc, dự kiến có thể không xét tuyển sớm nữa, thay vào đó sẽ chuyển sang xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và quy chế của các trường ĐH. Việc xét tuyển thẳng cũng với mức chỉ tiêu nhỏ; đối tượng là những học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, đạt những giải thưởng trong nước và quốc tế. Phần lớn thí sinh còn lại đều sẽ tham gia xét tuyển chung theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Về lý do có những điều chỉnh này, bà Thủy giải thích, giai đoạn trước, việc xét tuyển sớm có những hạn chế, bất cập. Một số trường ĐH dành quá nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm hay cộng điểm ưu tiên quá lớn cho một số chứng chỉ ngoại ngữ. Điều này tạo sự mất công bằng khi những thí sinh vùng xa, vùng sâu không có đủ điều kiện để tiếp cận phương thức xét tuyển đó. Thí sinh phải mất nhiều thời gian khi tham gia xét tuyển sớm tại nhiều trường. Các trường ĐH cũng tốn nhiều nguồn lực tổ chức xét tuyển sớm trong khi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm vẫn phải tiếp tục tham gia đăng ký xét tuyển tiếp trên cổng tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Tại ngày hội, những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin đến thí sinh. Đây là kỳ thi đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên có khá nhiều thay đổi so với trước. Theo đó, học sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc (toán, văn) và 2 môn tự chọn. Điểm khác biệt ở chỗ, các kỳ thi trước, học sinh phải thi 4 bài thi với thực chất là 6 môn; còn kỳ thi năm nay, số lượng môn và ngày thi đều giảm. Công thức xét tốt nghiệp cũng thay đổi, gồm 50% điểm trung bình của 4 môn thi và 50% điểm trung bình của 3 năm học THPT. “Với công thức này, cùng sự nỗ lực của thí sinh trong 3 năm THPT, có thể tin tưởng khả năng tốt nghiệp của các em rất cao. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông cũ diễn ra năm 2024, cả nước có tỷ lệ tốt nghiệp lên tới 99,4%; cao nhất từ trước đến nay” – ông Nghĩa nói.
Xu hướng mới tích hợp liên ngành, xuyên ngành
Liên quan đến câu hỏi thí sinh về những ngành mới tích hợp kiến thức đa ngành, PGS.TS Bùi Quang Hùng (Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay, hiện nhiều trường ĐH mở những ngành mới, đây là xu thế tất yếu của đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, có xu hướng tích hợp những kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực (chẳng hạn giữa kỹ thuật với kinh tế, quản lý, nghệ thuật…) để tạo nên những ngành mới. Khi chọn những ngành này, thí sinh cần xem xét tính cách, năng lực bản thân có phù hợp không cũng như cần tìm hiểu xu hướng việc làm đối với liên ngành trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, PGS.TS Huỳnh Quyền (Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) chia sẻ, hiện nay, khi chọn ngành nghề về tài nguyên môi trường, người học có nhiều lợi thế. Theo đó, khoa học công nghệ phát triển mạnh, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế một số ngành nghề và cũng hình thành một số ngành nghề mới. Nhiều ngành nghề mới hiện nay được lồng ghép chương trình về môi trường, biến đổi khí hậu để hướng đến logistics xanh, giao thông xanh, năng lượng xanh, kinh tế xanh, bền vững. Như vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành tại các trường ĐH hiện nay sẽ giúp người học khi ra trường có khối kiến thức liên ngành, xuyên ngành để giải quyết những vấn đề phức tạp.
Cũng tại chương trình, TS. Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Quốc gia TP.HCM) đã thông tin đến thí sinh những điều chỉnh trong kỳ thi đánh giá năng lực từ năm 2025 để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) đưa ra những lời khuyên đối với thí sinh trong việc chuẩn bị hành trang nghề nghiệp để bước vào thị trường lao động. Đại diện các trường ĐH cũng có thêm những tư vấn chuyên sâu về ngành nghề, phương thức xét tuyển giải đáp cho những thắc mắc của học sinh như: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM); ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM; ĐH Văn Hiến; Học viện Hàng không Việt Nam; ĐH Ngân hàng TP.HCM; ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM; ĐH Luật TP.HCM; ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM); ĐH Mở TP.HCM; Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM…
Mê Tâm
Bình luận (0)