Nhận thấy rào cản trong công tác hướng nghiệp cho học sinh còn đến từ phía phụ huynh, nhiều trường học tại TP.HCM đã quan tâm, chú trọng đến việc “gỡ rối” những vướng mắc cho phụ huynh, giúp công tác hướng nghiệp, phân luồng đạt hiệu quả.
Tư vấn 1:1
Vài năm nay, phòng tư vấn tâm lý học đường được Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đưa vào hoạt động với sự hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia tâm lý có chuyên môn sâu, đã trở thành nơi quen thuộc của nhiều phụ huynh nhà trường khi gặp những vấn đề khó với con, đặc biệt đối với phụ huynh có con học lớp cuối cấp.
Từ những vấn đề như việc lựa chọn nguyện vọng trường THPT cho con, định hướng chọn nhóm môn học lựa chọn gắn với thiên hướng nghề nghiệp… cho đến nắm bắt tâm lý con, hay khi gặp vấn đề khó đều được phụ huynh trải lòng với chuyên gia tư vấn của trường. Ngoài tư vấn tại phòng tư vấn tâm lý học đường, tư vấn dưới sân trường, hay tư vấn trực tiếp tại lớp, phụ huynh còn có thể đặt lịch tư vấn online với chuyên gia…
Cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá, chuyên gia phòng tư vấn tâm lý học đường đã giúp không ít phụ huynh thay đổi tư duy, quan điểm trong định hướng chọn trường, chọn hướng học tập cho con, tôn trọng năng lực cá nhân của con. Trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phải được triển khai sớm, mạnh mẽ ngay từ bậc THCS, những thay đổi trong tư duy của phụ huynh hỗ trợ nhà trường làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng, giúp học sinh bước vào bậc THPT với nhiều thuận lợi.
“Trước đây, đa phần phụ huynh có tâm lý mong con phải đậu vào những trường THPT tốp đầu với mức điểm chuẩn cao, vì họ cho rằng khi học tập ở những trường này con mình mới có điều kiện rèn luyện, phát triển để vào được những trường ĐH lớn, những ngành nghề “hot”. Thậm chí, ngay thời điểm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được thực hiện ở bậc THPT, đòi hỏi những quan tâm khác trong việc chọn trường thì phụ huynh vẫn giữ tư duy chọn trường theo điểm số. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự tư vấn thường xuyên của thầy cô, nhà trường, đặc biệt là sự hỗ trợ chuyên sâu của chuyên gia phòng tư vấn tâm lý học đường, 1-2 năm nay tư duy của phụ huynh đã có nhiều thay đổi, không chọn trường theo điểm số nữa mà đã bám sát vào năng lực học tập của con, nhóm môn học lựa chọn của trường gắn với định hướng nghề nghiệp của con”, cô Trang nhận định.
Tương tự, tại Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), để gỡ khó các vấn đề về phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, nhà trường thực hiện giải pháp “gỡ rối” ngay từ phía phụ huynh thông qua đa dạng các giải pháp, trong đó tập trung giúp phụ huynh hiểu hơn về năng lực học tập, thiên hướng nghề nghiệp của con để có định hướng phù hợp.
“Từng có trường hợp học sinh có năng lực học tập nhưng bản thân em lại rất muốn sau tốt nghiệp THCS thì lựa chọn học nghề. Gia đình em không đồng ý, cho rằng việc học nghề chỉ được chọn khi là “con đường cùng”… rớt lớp 10 công lập. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần trao đổi riêng với phụ huynh, cuối cùng phụ huynh cũng hiểu rằng việc lựa chọn học nghề là theo định hướng nghề nghiệp của con mình nên đã đồng ý để con lựa chọn”, cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng nhà trường) nêu ví dụ.
Tuy nhiên, theo cô Trâm, cái khó là tư duy của phụ huynh vẫn cho rằng ở lứa tuổi sau THCS, con mình còn quá nhỏ để có thể học một nghề cho “chắc tay” và ra đời bươn chải. Thay vào đó, các em phải học tiếp lên THPT, sau đó mới học nghề hoặc học ĐH. Song song đó, nhiều phụ huynh còn “với” đến những trường THPT chưa phù hợp với sức học của con mình vì thích trường, “nghe danh” trường.
“Công tác “gỡ rối” cho phụ huynh tiếp tục được nhà trường đi sâu vào những vấn đề này. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên trao đổi nắm bắt tâm lý học sinh cuối cấp, nắm bắt tâm lý của phụ huynh trong việc định hướng chọn trường, phân luồng. Đặc biệt, nhà trường cũng triển khai nhiều hoạt động, chuyên đề trải nghiệm về ngành nghề để bản thân học sinh tiếp cận với các ngành nghề, qua đó khám phá ra năng lực nghề nghiệp của mình. Nhà trường nhận thấy rằng để công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh đạt hiệu quả thì không gì khác phải giúp phụ huynh gỡ được những băn khoăn, vướng mắc”, cô Trâm nói.
Giúp phụ huynh hiểu rõ quan điểm nghề nghiệp
Tại TP.HCM, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau THCS luôn được ngành giáo dục thành phố đẩy mạnh, làm mới phù hợp với yêu cầu khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó không chỉ là đối tượng người học, các trường còn đặc biệt chú trọng đến đối tượng phụ huynh, nhằm giúp cho phụ huynh hiểu sâu về chương trình mới, các điểm khác biệt của chương trình, tác động đến quan điểm chọn trường THPT và các hướng đi sau THCS như thế nào…
Từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) là một trong những trường THPT sớm triển khai chương trình “Open Day” dành cho phụ huynh học sinh lớp 9 đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về môi trường THPT. Trong chương trình, phụ huynh không chỉ được tham quan về cơ sở vật chất, phòng học của trường mà còn được Ban Giám hiệu chia sẻ tổng quan về chương trình mới, các nhóm môn học lựa chọn triển khai tại trường, cách thức trường triển khai nhóm môn học lựa chọn gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh…
Sau 3 năm thực hiện, cô Hoàng Thị Hảo (Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá, qua mỗi năm tổ chức, nhà trường lại đón được nhiều phụ huynh quan tâm đến việc chọn trường THPT của con theo môi trường giáo dục và nhóm môn học lựa chọn chứ không phải chỉ là điểm chuẩn của trường như trước đó. Điều này tác động mạnh mẽ đến hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường.
“Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi sự thay đổi tư duy, nhận thức của phụ huynh rất lớn trong việc chọn trường THPT, chọn nhóm môn học lựa chọn theo định hướng thi tốt nghiệp THPT, bám với thiên hướng nghề nghiệp của học sinh. Do đó, việc “gỡ rối” tư duy cho phụ huynh về quan điểm nghề nghiệp là hết sức quan trọng, cần được thực hiện đồng bộ từ trường THPT và THCS”, cô Hảo nói.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)