Lịch sử nước nhà đã có nhiều minh chứng rõ ràng, rằng giáo dục luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm một cách đặc biệt.
Mới đây, ngày 18-11-2024, phát biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, GS.TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhấn mạnh thêm một lần nữa: “Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác”.
Vai trò, vị trí của người thầy ngày càng được nâng cao
“Không thầy đố mày làm nên”, câu tục ngữ ấy muôn đời đúng. Mặc dù hiện nay sự tác động mạnh mẽ, sâu sắc từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những thành tựu nổi bật liên quan tới internet, điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, kỹ thuật công nghệ cao, ứng dụng phần mềm… đến giáo dục. Và trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời lại dấy lên lo lắng về vị trí của người thầy. Song các nhà phân tích xã hội khẳng định rằng không có gì thay thế được vai trò của con người, vai trò của người thầy. PGS.TS Võ Văn Sen (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) từng khẳng định: “Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định có những mối quan hệ và giá trị bất biến ngày càng được định hình và phát triển. Đó là vị trí trung tâm của người thầy. Mặc dù có những thay đổi về phương tiện, công cụ, phương thức giao tiếp trong giáo dục nhưng không có một loại máy móc hay đường lối gián tiếp nào có thể thay thế tất cả các giá trị nhân văn xuất phát từ mối quan hệ thầy và trò”.
Được sự chú trọng, quan tâm từ lãnh đạo các cấp, đội ngũ nhà giáo ngày nay vững vàng hơn về tay nghề, vừa “hồng” và vừa “chuyên” hơn. Các chương trình tập huấn thường xuyên của Bộ GD-ĐT đã giúp thầy cô vừa vững tâm đứng lớp, vừa bắt kịp xu hướng đổi mới với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính sách ưu đãi đặc biệt của các trường sư phạm, nơi đào tạo người thầy, là cú hích rất lớn để thu hút đầu vào và đào tạo ra những thế hệ thầy cô chất lượng cho ngành giáo dục nay mai. Tiền lương, chế độ chính sách của nhà giáo được Nhà nước quan tâm đặc biệt. Điều này giúp cải thiện đời sống cho giáo viên và giúp thầy cô gắn bó hơn với nghề.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện xong việc cuốn chiếu khi đưa vào áp dụng giảng dạy. Và đã đạt được thành tựu rõ rệt, đáng mừng. Trong đó có một phần lớn vai trò nòng cốt của đội ngũ giáo viên.
Trường học hạnh phúc làm “bệ phóng” cho giáo dục phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay nền giáo dục Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ, trọng tâm của sự thay đổi là nhằm thực hiện hóa mục tiêu phát triển con người toàn diện, biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác.
Chủ trương trường học hạnh phúc đang lan tỏa rất nhanh trong học đường ngày nay. Từ việc chú trọng trang bị cơ sở vật chất, phương tiện trong học tập, sinh hoạt đến giao tiếp, xưng hô trong thực tế nhà trường hay các quy định, điều lệ cấp ngành đều hướng đến tính nhân văn trong môi trường sư phạm. Điều này giúp nhà trường tiệm cận đến đặc trưng của trường học dân chủ, tiên tiến, hiện đại, hòa nhập xu thế toàn cầu.
Thầy cô hiện nay đã biết cách tạo hứng thú cho học sinh trong sinh hoạt, học tập. Về phương pháp, giáo viên biết định hướng, tạo dựng cho học sinh cách tự giải quyết vấn đề trong học tập, tự tìm hiểu, xử lý, giải đáp. Đây cũng là cách dắt tay học sinh bước đầu tiên vào con đường truy tìm hạnh phúc trong việc học. “Khi đã tự mày mò, tìm hiểu, giải quyết được, học sinh sẽ thấy hứng thú và tiếp tục tìm kiếm ở chiều rộng, chiều sâu hơn, suy luận ở cấp độ cao hơn, từ cấp độ biết, hiểu, tới hiểu sâu, suy luận, vận dụng, khái quát… tạo được sự hứng thú và hạnh phúc cho học sinh”. Như lời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kỳ vọng.
Nhiều nguồn lực cho giáo dục cất cánh
Muốn có một nền giáo dục phát triển, cất cánh cùng non sông, không thể để chỉ riêng ngành giáo dục “đơn thân độc mã” thồ gánh những gánh nặng của trọng trách, cần phải huy động mọi nguồn lực từ xã hội. Với cá nhân học sinh trong phạm vi lớp học, nguồn lực đó là cha mẹ, anh chị… Đối với phạm vi nhà trường, đó là nguồn lực từ phía phụ huynh, từ ban đại diện, từ cộng đồng xã hội hẹp bên ngoài. Đối với toàn ngành giáo dục, rất cần đến nguồn lực từ các bộ phận liên ngành, tổ chức xã hội, các nhà đầu tư…
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, trong hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM (ngày 6-12-2024), Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết: “Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách đầu tư cho các dự án giáo dục”. Trong đó, gồm một số hình thức đầu tư công, đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư theo hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đặc biệt, từ năm 2018 đến năm 2023, thành phố thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có chính sách “Chương trình cho vay kích cầu đầu tư” do HFIC tổ chức thực hiện. Chính sách này đã giúp ngành giáo dục có thêm nhiều dự án xây trường trong và ngoài công lập.
Từ ngày 24-6-2024, TP.HCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Trên cơ sở đó, chính sách vay hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn đã tạo nhiều điều kiện cho các dự án đầu tư hơn so với chương trình vay kích cầu trước đây. Mới đây, ngày 8-10-2024, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4448 về Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025, trong đó lĩnh vực giáo dục đào tạo có 23 dự án. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hệ thống trường lớp trên địa bàn thành phố ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố.
Năm mới, với những tiềm lực sẵn có, hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, nâng tầm vị thế dân tộc.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)