Sau thời gian trải nghiệm 45 phút cùng học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, các thí sinh tham gia hội thi Văn hay chữ tốt TP.HCM năm 2025 đã viết bài văn với yêu cầu: Tôi muốn nắm tay bạn, Trải nghiệm hôm nay và “Tôi” của tương lai.
Không chỉ dừng lại ở một hội thi, việc đổi mới hình thức tổ chức hội thi Văn hay chữ tốt năm nay tại một ngôi trường đặc biệt đã mang đến nhiều giá trị trong giáo dục và rèn luyện học sinh, nhắc nhở học sinh luôn biết yêu và trân trọng cuộc sống, hạnh phúc với bạn bè, thầy cô và gia đình. Đây cũng là hành trình để xây dựng trường học hạnh phúc của TP.HCM.
Đưa học sinh đến những “chạm cảm xúc”
Hội thi Văn hay chữ tốt năm 2025 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Hội thi có sự tham gia của 153 thí sinh các khối lớp 6, 7, 8, 9 đến từ 21 quận/huyện và TP.Thủ Đức. Việc thay đổi địa điểm tổ chức hội thi năm nay đã khiến nhiều thí sinh xúc động, mang đến cho các em một hành trình đáng nhớ. Điều đặc biệt trong hội thi là các thí sinh được làm bài tại một không gian mở của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu sau thời gian 45 phút được đến từng lớp học, trực tiếp trải nghiệm một tiết học của các bạn học sinh chuyên biệt, khuyết tật.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay học sinh bị phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại cùng các thiết bị thông minh, dẫn đến thế giới tâm hồn thiếu hụt hẳn những “chạm cảm xúc”, vì thế rất hạn chế cảm nhận thế giới, cuộc sống xung quanh bằng các giác quan khác. Điều này khiến cho thế giới tinh thần của các em thiếu phong phú. Học sinh thiếu tiếp xúc cuộc sống ở các giác quan khác, đặc biệt là tâm hồn. “Cái chạm” của tâm hồn này với tâm hồn khác, với thế giới tự nhiên là gần như không có. Các em chỉ quan sát cuộc sống xung quanh với những hình ảnh hiện hữu, bằng màu sắc, đường nét trong khi cuộc sống còn cần cảm nhận bằng trái tim và các giác quan khác.
“Khi bước đến ngôi trường này, với những điều các em nhìn thấy bằng mắt, cảm nhận bằng tâm hồn thì mỗi học sinh sẽ tự chạm, tự cảm nhận. Khi chạm đến thế giới xung quanh không chỉ qua màu sắc, đường nét, hình ảnh sẽ giúp các em có tâm hồn phong phú hơn, biết chia sẻ, đồng cảm với người khác”, ông Trần Tiến Thành (Chuyên viên bộ môn ngữ văn, Sở GD-ĐT TP.HCM) chia sẻ.
Ông Thành cho hay, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, văn học gắn rất gần với cuộc sống, bồi đắp tâm hồn, hình thành cho học sinh những phẩm chất, năng lực. Điều quan trọng là cách thức giáo viên triển khai, giảng dạy như thế nào để học sinh có được năng lực đó, phẩm chất đó. Ví dụ, khi hình thành cho học sinh phẩm chất nhân ái thì không thể nào giáo viên cứ hô hào rằng các em hãy nhân ái đi, mà cần thông qua cách thức tổ chức, hình thức tổ chức để khơi lên trong học sinh lòng trắc ẩn. Hình thành lòng trắc ẩn cho học sinh cần đến từ chính trải nghiệm trong cuộc sống. Và giáo viên phải là người hướng dẫn để học sinh biết cách chạm vào cuộc sống, biết cách rung động, biết cách yêu thương và chia sẻ. Nếu không, dù nhà trường, giáo viên đổi mới dạy môn học thì học sinh cũng chỉ “biết chính mình” qua màn hình.
“Đổi mới mang đến cho học sinh những trải nghiệm hướng tới bồi đắp tâm hồn, hình thành phẩm chất, năng lực. Thông qua việc đổi mới hội thi cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến việc giảng dạy trong nhà trường, làm sao phải giúp học sinh trải nghiệm được nhiều hơn, lắng nghe cuộc sống nhiều hơn”, ông Thành nói.
Đổi mới để giảm áp lực, học sinh hạnh phúc hơn
Văn hay chữ tốt là một trong những hội thi được đổi mới hình thức tổ chức mạnh mẽ nhất của TP.HCM. Từ cấp quận/huyện, hội thi đã được đón nhận và làm mới hàng năm, luôn tạo sự hứng khởi, thích thú cho học sinh khi dù là hội thi nhưng không còn áp lực thi cử. Học sinh tham gia và học những trải nghiệm, hình thành thêm các giá trị cuộc sống. Đơn cử như tại Q.Tân Bình, mỗi năm hội thi đều có sự sáng tạo mới. Năm nay, ở cấp quận, học sinh được tham gia trải nghiệm trò chơi dân gian để hình thành chất liệu cho bài văn. Trong khi đó, năm trước, học sinh được tham gia vào “bữa tiệc sách”… Cô Đỗ Việt Quỳnh Anh (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình) chia sẻ, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn ngữ văn có đề cập đến yêu cầu “thuyết minh về một trò chơi dân gian mà các em yêu thích”. Tuy nhiên, bối cảnh công nghệ số hiện nay có rất nhiều học sinh chưa từng được tìm hiểu và trải nghiệm trò chơi dân gian. Vì thế, khi được trải nghiệm, được sống cùng với những trò chơi dân gian là cách để bồi đắp tâm hồn học sinh, vun bồi cho các em thêm về tình yêu quê hương, đất nước.
“Đổi mới hội thi gắn liền với thực tiễn, không tách rời với yêu cầu của môn học sẽ góp phần hình thành cho học sinh thêm những góc nhìn, cảm nhận để viết văn, học văn. Và qua đó cũng thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo của chính mỗi giáo viên trong quá trình giảng dạy”, cô Quỳnh Anh đánh giá.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), trải nghiệm trong môn học không phải chỉ là bước ra ngoài không gian lớp học mới là trải nghiệm. Trải nghiệm cần được bắt đầu từ chính trang sách, từ chính các hoạt động giảng dạy của thầy cô trên lớp, giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, dạy các em cách trải nghiệm thông qua tác phẩm để các em sống đời sống của nhân vật trong trang sách.
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học sinh học thông qua những trải nghiệm chứ không phải chỉ là sự truyền thụ một chiều từ phía giáo viên. Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn thông qua việc đổi mới các cuộc thi, hội thi gắn với thực tiễn cuộc sống, bám sát vào yêu cầu cần đạt của mỗi môn học sẽ không chỉ hình thành phẩm chất, năng lực học sinh, giảm áp lực cho học sinh mà còn thúc đẩy sự chủ động đổi mới, sáng tạo của giáo viên trong quá trình giảng dạy, qua đó giúp học sinh ham thích môn học, chủ động, tích cực trong học tập, xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc”, ông Quốc nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)