Sau tốt nghiệp THCS, học sinh có thể học trường THPT công lập, trung tâm GDNN-GDTX, trung cấp nghề… Các em lựa chọn hướng đi nào cũng được nhưng phải chọn trường phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình, vì chọn sai sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như quá trình đi lại của các em.
Đó là lưu ý của các chuyên gia trong chương trình tuyển sinh, hướng nghiệp sau THCS lần 10 năm học 2024-2025 diễn ra tại Trường THCS Kiến Thiết (Q.3) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của nhiều đơn vị giáo dục.
Nhiều lựa chọn cho học sinh
Tư vấn cho học sinh trong trường, ông Đào Phi Trường (chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên – Chuyên nghiệp và Đại học, Sở GD-ĐT TP.HCM) thông tin, sau THCS, phần lớn học sinh đều chọn hướng học THPT công lập. Ngoài ra, số khác rẽ hướng chọn vào trường ngoài công lập, trường trung cấp nghề, trung tâm GDNN-GDTX hoặc du học. Lựa chọn nào cũng đi đến thành công nếu bản thân nỗ lực học tập. Điều quan trọng mà các em học sinh cần lưu ý, đó là việc chọn trường phải phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. “Có những học sinh không đủ năng lực nhưng chọn vào trường tốp đầu để rồi khi trúng tuyển theo học không nổi. Cũng có em chọn học trường rất xa nhà, mỗi ngày phải tốn nhiều thời gian di chuyển, khiến bản thân mệt mỏi… Vì vậy, các em phải chọn trường làm sao thuận tiện cho bản thân, để không ảnh hưởng đến việc học”, ông Trường lưu ý.
Chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An nhìn nhận, chọn trường tốp cao là mong muốn của nhiều học sinh lẫn phụ huynh nhưng liệu các em có theo kịp các bạn để học hết 3 năm THPT hay không. “Có những học sinh chọn trường theo điểm số, tức dựa vào môn điểm cao để chọn trường. Việc chọn trường chỉ dựa vào yếu tố này thôi chưa đủ, các em còn phải chú ý đến những điểm mà bản thân nổi trội để chọn trường, sau đó tiếp tục chọn môn học – đối với các môn tự chọn”, ông An nói.
Theo ông An, các em học sinh cũng có thể chọn môn học tự chọn theo hướng đi trong tương lai. Chẳng hạn, học sinh nào muốn theo ngành y có thể chọn môn hóa học, sinh học…; còn theo ngành hướng dẫn viên du lịch có thể chọn môn địa lý, lịch sử… Việc lựa chọn này giúp các em có kiến thức vững vàng, khi bước vào môi trường đại học học chuyên ngành liên quan sẽ thuận lợi và dễ tiếp thu, không gặp nhiều khó khăn trong học tập.
Các chuyên gia cho biết thêm, năm học 2024-2025, mỗi học sinh có thể đăng ký số nguyện vọng lớp 10 như sau: 3 nguyện vọng vào tất cả trường THPT công lập có tuyển sinh lớp 10 thường; 3 nguyện vọng vào lớp chuyên của 6 trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hữu Huân và Mạc Đĩnh Chi; hoặc 3 nguyện vọng lớp 10 vào 11 trường THPT có lớp tích hợp. Ngoài ra, những học sinh đăng ký dự tuyển sinh lớp 10 tiếng Anh tích hợp sẽ được đăng ký cùng lúc vào lớp 10 chuyên Anh (đề án 5695) tại 2 trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Điều kiện để đăng ký cùng lúc là học sinh phải làm 1 bài thi môn chuyên Anh. Như vậy, những học sinh có nguyện vọng vào lớp 10 theo chương trình tích hợp có tối đa 8 nguyện vọng, gồm: 3 nguyện vọng lớp 10 thường, 3 nguyện vọng lớp 10 tiếng Anh tích hợp và 2 nguyện vọng lớp 10 chuyên Anh. Các nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, trúng tuyển nguyện vọng nào, học sinh phải học nguyện vọng đó và không được thay đổi thứ tự hay nội dung.
Đối với việc đặt nguyện vọng vào lớp 10, ông Đào Lê Tâm An đặc biệt lưu ý học sinh nên đặt sao cho mỗi nguyện vọng cách nhau vài điểm để chẳng may trượt nguyện vọng 1 vẫn còn nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Nếu chỉ chọn 3 nguyện vọng có điểm như nhau thì trượt nguyện vọng 1 sẽ trượt luôn 2 nguyện vọng còn lại.
Chương trình 9+ học những gì?
Để các em học sinh rõ hơn về việc học nghề, ThS. Lâm Gia Huy (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn) đã thông tin chi tiết về chương trình 9+. Theo đó, chương trình này gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, học sinh học chương trình trung cấp nghề trong thời gian 3 năm. Các em sẽ vừa học 6 môn văn hóa song song với học nghề. Kết thúc thời gian học, các em sẽ thi tốt nghiệp để lấy bằng trung cấp. Từ tấm bằng này, các em sẽ học liên thông lên cao đẳng (giai đoạn 2) thêm 2 năm để lấy bằng cao đẳng. So với học THPT công lập thì đây là con đường vòng, học sinh phải đi từng bước. Tuy nhiên, chương trình học này giúp các em giảm áp lực, tiết kiệm chi phí và sớm bước vào thị trường lao động. “Hiện tại, Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn đào tạo hơn 30 chuyên ngành. Tùy vào hướng đi của mỗi em có thể lựa chọn những chuyên ngành phù hợp. Với chương trình 9+, các em được Nhà nước hỗ trợ chi phí nên sẽ tiết kiệm được kinh phí trong quá trình học tập”, ông Huy chia sẻ.
Ông Đào Phi Trường cho rằng, sau THCS, việc chọn học nghề là hướng đi dành cho học sinh không muốn học THPT công lập. Tuy nhiên, khi chọn nghề các em cần cân nhắc cẩn thận vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động nhiều đến ngành nghề. Theo đó, một số ngành nghề cũ sẽ mất đi để nhường chỗ cho những ngành nghề mới, phù hợp với xu hướng ra đời. Khi chọn học, các em phải tham khảo ý kiến gia đình, nhà trường, chuyên gia để khi học 5-6 năm sau ra trường ngành nghề mình học vẫn còn “hot” và có nhiều cơ hội để phát triển bản thân.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)