Lớp học số được TP.HCM thí điểm không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học cho các trường học tại TP.HCM mà còn giúp nhiều địa phương như Điện Biên, Lào Cai, Bà Rịa – Vũng Tàu khắc phục bài toán này.
Nhiều tỉnh thành được thụ hưởng
Năm học 2022-2023, TP.HCM bắt đầu thí điểm triển khai mô hình “lớp học số” tại 4 lớp học của Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và 6 lớp học của Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).
Năm học 2023-2024, mô hình được mở rộng đối tượng học sinh tham gia tiết học – gồm học sinh của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Sau đó, được nhân ra thêm các trường Cao Văn Ngọc – huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; trường Tung Chung Phố tỉnh Lào Cai và các trường ở tỉnh Điện Biên gồm trường Thị trấn Mường Áng, Tả Sìn Thàng; Nậm Chua; Quảng Lâm; Phì Nhừ, Mường Khương.
Trong năm học 2024-2025, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ triển khai lớp học số môn tiếng Anh cho một số trường tiểu học tại tỉnh Lào Cai, Điện Biên và huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), qua đó hỗ trợ các tỉnh, thành, địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Với tổng số 47 giáo viên tại 8 trường tiểu học TP.HCM tham gia hỗ trợ.
Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, mô hình lớp học số được TP.HCM triển khai xuất phát từ việc thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học, đặc biệt là các địa bàn xã đảo, ngoại thành thành phố.
Sau 3 năm triển khai thí điểm mô hình lớp học số, ngoài 2 trường tiểu học của TP.HCM giảng dạy ở các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc mỹ thuật là Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) và Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) thì mô hình đã được TP.HCM thực hiện hỗ trợ đến nhiều tỉnh thành bạn: Điện Biên, Lào Cai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, phần nào giải quyết bài toán thiếu giáo viên cho các địa phương.
Thầy Nguyễn Văn Tới – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng đánh giá, việc triển khai mô hình lớp học số tại trường không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch của thành phố mà còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đây là bước đột phá để nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ 4.0.
Lớp học số bước đầu giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu giáo viên, giúp giáo viên nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp, ứng dụng CNTT trong dạy học. Giáo viên giảng dạy chính có chuyên môn cũng như khả năng giảng dạy tốt trên môi trường số, làm chủ được lớp học, vận dụng nhiều phương pháp giúp học sinh hứng thú khi tham gia tiết học. Môi trường học tập mới lạ, giáo viên ứng dụng công nghệ thiết kế bài giảng với nhiều game hấp dẫn lôi cuốn học sinh tham gia, khiến học sinh rất hứng thú, tích cực tham gia học tập…
“95% học sinh đạt yêu cầu về kỹ năng sử dụng phần mềm học tập trực tuyến; 80% học sinh từ khối lớp 1-5 có thể thực hiện các thao tác cơ bản với máy tính theo yêu cầu chương trình học tập. 100% giáo viên có khả năng soạn giảng bài giảng điện tử; 85% giáo viên áp dụng công nghệ trong các tiết học hàng ngày. Trường đã xây dựng được nền tảng số đáp ứng tiêu chuẩn lớp học thông minh, hỗ trợ tối đa cho dạy và học” – thầy Tới thông tin.
Từ năm học 2023-2024, Điện Biên đã thực hiện kết nối với lớp học số của TP.HCM để giảng dạy tiếng Anh, đến nay toàn tỉnh có tới 6 trường tiểu học là trường Tung Chung Phố tỉnh Lào Cai và các trường ở tỉnh Điện Biên gồm trường Thị trấn Mường Áng, Tả Sìn Thàng; Nậm Chua; Quảng Lâm; Phì Nhừ, Mường Khương đang thực hiện dạy tiếng Anh bằng mô hình lớp học số của TP.HCM.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên đánh giá, mô hình lớp học số đã phần nào giúp địa phương khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. Đồng thời, học sinh được tiếp cận với những phương pháp giáo dục hiện đại, từ những giáo viên có chuyên môn giỏi, giúp nâng cao thêm chất lượng giáo dục của địa phương… “Điện Biên mong TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai lớp học số đối với các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh còn thiếu giáo viên”.
Nhân rộng tại TP.HCM
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, từ rất sớm TP.HCM đã chủ động triển khai đề án ngoại ngữ, tin học, giúp thành phố có nguồn giáo viên, tuy nhiên vẫn đối diện với việc thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường. Việc triển khai lớp học số giúp cho việc dạy tiếng Anh, tin học ở các trường vùng khó được thuận lợi, đồng thời tối ưu hóa được nguồn lực, tăng cường bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Với mô hình này, bằng phương pháp giáo dục hiện đại, một giáo viên khi đứng lớp có thể hỗ trợ học sinh ở các lớp, các trường khác nhau.
“Mô hình bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Qua lớp học, với sự tương tác giữa học sinh và giáo viên đã giúp việc học được gợi mở” – ông Quốc đánh giá.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn, quá trình triển khai từ khi thí điểm cho đến nay mô hình lớp học số còn gặp khó khăn về nhận thức của các địa phương nên chưa thể nhân rộng mô hình ra nhiều trường tiểu học tại TP.HCM. Các quận, huyện dù còn thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học song nhận thức về việc triển khai lớp học số thì địa phương chưa thực sự chú trọng, việc chủ động phát huy mở rộng áp dụng lớp học số tại địa phương chưa cao.
“Các phòng GD-ĐT cần chủ động tham mưu với lãnh đạo địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư mở rộng triển khai lớp học số tại các trường đang thiếu giáo viên. Cần xác định mô hình lớp học số là giải pháp sáng tạo mang lại lợi ích lớn cho ngành giáo dục để có sự chung tay, tận dụng nguồn lực xã hội hóa…”.
Riêng về kinh phí hỗ trợ giáo viên tham gia trong lớp học số, ông Nguyễn Bảo Quốc thông tin, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh thông tư hỗ trợ chế độ cho giáo viên, trong đó có xây dựng chế độ cho giáo viên dạy trực tuyến. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng đã có yêu cầu phòng chuyên môn phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ, Kế hoạch Tài chính rà soát, tính toán chế độ giáo viên tham gia giảng dạy lớp học số…
“Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục triển khai mô hình lớp học số tại các trường còn thiếu giáo viên, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các tỉnh thành bạn thực hiện mô hình…”.
Còn theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi lớp học số đều cần có giáo viên trợ giảng, qua thời gian khi tham gia hỗ trợ lớp học thì giáo viên được học cùng với học sinh, là cơ hội để bồi dưỡng thêm về năng lực tiếng Anh, tin học cho thầy cô. “Đây cũng là hướng tiếp theo mà Sở GD-ĐT TP sẽ thực hiện. Ngay trong học kỳ II này, sở sẽ thông tin lịch giảng dạy tiết học cố định của lớp học số, mời giáo viên cốt cán tham gia giảng dạy để giáo viên các trường cùng tham gia…” – bà Thúy cho biết thêm.
Giang Quân
Bình luận (0)