Tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên) đi vào vận hành giúp người dân nhất là các em sinh viên có thêm lựa chọn phương tiện để đến trường. Với phương tiện này, các em tránh được tình trạng kẹt xe, khói bụi và đảm bảo an toàn giao thông.
Thích thú đi Metro
Từ khi Metro hoạt động, em Nguyễn Minh Kiên (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thường xuyên đi Metro đến trường. “Hiện tại số lượng hành khách đi Metro chưa quá đông đúc nên em thấy khá thoải mái khi sử dụng phương tiện này. Thay vì chen chúc giữa dòng người và xe nhiều khói bụi, đi Metro ung dung tận hưởng không gian thoáng mát trên tàu”, Kiên chia sẻ.
Em Đào Thị Mỹ Phúc (sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM) cũng chọn Metro để đến trường. “Em thấy di chuyển bằng Metro rất tiện lợi. Thời gian tới, nếu không có gì trở ngại, em vẫn sẽ lựa chọn phương tiện này để di chuyển”, Phúc chia sẻ.
Trong khi đó, em Trần Trúc Hương (sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cũng tiết kiệm được khoảng 20 phút khi đi từ ga Tân Cảng xuống ga ĐHQG. “Đi Metro không những không bị kẹt xe mà còn được an toàn. Không chỉ vậy em còn được ngắm nhìn khung cảnh TP. Em rất ưng ý với trải nghiệm mới này”, Hương chia sẻ.
Hai em Nguyễn Minh Khoa và Trần Thị Ánh (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã có trải nghiệm di chuyển giữa hai cơ sở của trường (ở quận 1 và TP.Thủ Đức) bằng Metro. “Trước đó, để xuống trường ở Thủ Đức, chúng em phải đi bằng xe buýt số 19 với thời gian khoảng hơn 1 tiếng. Hiện tại, với tuyến Metro mới, chúng em có thêm một phương án khác để tiết kiệm thời gian”, Khoa cho biết.
Riêng với Thái Bích Ngân (sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), tuyến Metro là giải pháp cho quãng đường di chuyển từ Biên Hòa vào trung tâm TP của em. “Em thường xuyên tham gia các hoạt động ở nhiều địa điểm trong TP.HCM nên việc đi Metro vừa thuận lợi, vừa tiết kiệm chi phí”, Ngân nói.
Tương tự, em Trần Vĩnh Tông (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết nhà em ở quận 8 trong khi nơi em học có trụ sở ở Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức). Trước khi có Metro, Tông phải đi học bằng xe buýt nhưng hành trình từ nhà ở quận 8 đến trường phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ. “Ngay sau khi Metro vận hành chính thức em đã chọn phương tiện này đi học hàng ngày để rút ngắn thời gian đi lại. Ga tàu cách trường em không xa nên việc đi lại cũng thuận lợi”, Tông cho hay.
17 tuyến xe buýt điện kết nối Metro
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, học sinh cũng như sinh viên đi Metro, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã khai trương 17 tuyến xe buýt điện kết nối Metro số 1. Trong 17 tuyến xe buýt điện có 2 tuyến kết nối với ga ĐHQG, phục vụ nhu cầu đi lại của sinh viên, người dân tại khu đô thị ĐHQG.
Tuyến số 164 từ Trường ĐH Nông Lâm đến chung cư Topaz (kết nối nhà ga Khu Công nghệ cao và nhà ga ĐHQG): Lượt đi từ Bến xe buýt Trường ĐH Nông Lâm – Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội – ga Khu Công nghệ cao – quay đầu trước Khu Công nghệ cao – Xa lộ Hà Nội – ga ĐHQG – Song hành phải – đường 154 – Hoàng Hữu Nam – Cầu Xây – Nam Cao – Bưng Sáu Xã – Quốc lộ 1 – Bến xe buýt Trường ĐH Nông Lâm. Lượt về từ Bến xe buýt Trường ĐH Nông Lâm – Quốc lộ 1 – Bưng Sáu Xã – Nam Cao – Cầu Xây – Hoàng Hữu Nam – đường 154 – Song hành phải – Quốc lộ 1 – quay đầu (trước Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM) – Song hành trái – ga ĐHQG – Song hành trái – Quốc lộ 1 – Bến xe buýt Trường ĐH Nông Lâm.
Sau giai đoạn miễn phí 30 ngày, tuyến Metro số 1 thu phí từ ngày 21-1-2025. Hành khách sử dụng tuyến Metro số 1 có thể lựa chọn các loại vé theo lượt, 1 ngày, 3 ngày hoặc vé theo tháng. Trong đó, khách mua vé lượt nếu dùng tiền mặt sẽ trả 7.000-20.000 đồng, tùy quãng đường; nếu chọn thanh toán không tiền mặt, vé lượt áp dụng 6.000-19.000 đồng. Đối với vé tháng, mức giá áp dụng 300.000 đồng mỗi khách; học sinh, sinh viên được giảm 50%, còn 150.000 đồng/tháng. Ngoài các loại vé trên, hành khách có thể mua vé 1 ngày hoặc 3 ngày, lần lượt 40.000 đồng và 90.000 đồng. Các loại vé này không giới hạn lượt đi. |
Tuyến số 166 từ ĐHQG – Suối Tiên (kết nối nhà ga ĐHQG): Lượt đi từ Bến xe buýt khu A – đường Nguyễn Hiền – đường Vành đai – đường 621 Song hành trái – ga ĐHQG – Quốc lộ 1 – đường Võ Trường Toản – đường Alexandre de Rhodes (rẽ trái) – đường T1 – Quảng trường sáng tạo – quay đầu (tại nút giao Quảng trường sáng tạo – đường Hàn Thuyên) Quảng trường sáng tạo. Tuyến vào đường Lưu Hữu Phước – Quảng trường sáng tạo đường Lê Quý Đôn – đường Thomas Edison – Trường ĐH Bách khoa đường Tạ Quang Bửu – đường Thánh Gióng – đường Vành đai – đường Nguyễn Hiền – Bến xe buýt khu A. Lượt về: Bến xe buýt khu A – đường Nguyễn Hiền – đường Vành đai – đường Thánh Gióng – đường Tạ Quang Bửu – Trường ĐH Bách khoa – đường Thomas Edison – đường Lê Quý Đôn Quảng trường sáng tạo – đường Nguyễn Văn Huyền – Quảng trường sáng tạo – đường T2 – Alexandre de Rhodes – đường Võ Trường Toản – Quốc lộ 1 quay đầu tại ngã ba (Trường ĐH Nông Lâm) – Quốc lộ 1 – ga ĐHQG – Quốc lộ 1 – quay đầu (trước Nghĩa trang liệt sĩ thành phố) – Quốc lộ 1 – đường 621 – đường Vành đai đường Nguyễn Hiền – Bến xe buýt khu A.
Điểm nổi bật của xe buýt điện là sử dụng năng lượng sạch, trang bị các tiện ích như wifi, điều hòa không khí, bảng điện tử hiển thị lộ trình và không gian thân thiện với người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cũng thông tin các tuyến xe buýt truyền thống kết nối với ga Metro số 1. Trong đó, tại ga ĐHQG TP.HCM, sinh viên có thể bắt các tuyến xe buýt số 8, 10, 19, 30, 33, 53, 60-1, 60-2, 60-3, 67, 76, 93, 99, 150 tại trạm trên đường Quốc lộ 1 hoặc xe buýt số 164, 166 tại trạm trên đường Song hành. Trong đó, các tuyến xe buýt số 8, 10, 19, 30, 33, 53, 99 và 166 kết nối trực tiếp Metro với ĐHQG.
Thúy Kiều
Bình luận (0)