Đuối nước từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em mỗi năm, đặc biệt trong độ tuổi học đường. Dù đã có nhiều cảnh báo và biện pháp tuyên truyền, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn ở mức đáng báo động, nhất là vào các kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết hay tại những địa phương thiếu điều kiện dạy bơi bài bản.
Những yêu cầu cấp thiết
Nguyên nhân chính là do trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm dưới nước, trong khi việc đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức dạy bơi tại trường học vẫn còn hạn chế. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tăng cường giáo dục phòng, chống đuối nước trong môi trường học đường để đảm bảo an toàn và trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ.
Ngày 31-12-2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước – Chương trình đặt mục tiêu trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng thực tế để tự phòng ngừa, tự bảo vệ trước các tình huống nguy hiểm dưới nước, đồng thời đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho việc dạy bơi an toàn trong môi trường giáo dục.
Theo quyết định, đến năm 2030, chương trình hướng tới việc có 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh được truyền thông đầy đủ về kiến thức phòng, chống đuối nước. Tỷ lệ này sẽ đạt mức 100% vào năm 2035. Không chỉ dừng lại ở việc truyền thông, chương trình còn đặt trọng tâm vào giáo dục thực hành. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, có ít nhất 70% học sinh được dạy kỹ năng và thực hành chống đuối nước, đồng thời 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 sẽ biết bơi an toàn.
Đến năm 2035, những con số này sẽ tiếp tục tăng lên, với tối thiểu 70% học sinh lớp 5, 80% học sinh lớp 9 và 90% học sinh lớp 12 biết bơi thành thạo.
Một trong những yếu tố then chốt của chương trình là việc đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống bể bơi trong trường học và tại cộng đồng. Việc thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ dạy bơi là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em không được tiếp cận với việc học bơi bài bản.
Để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, các giải pháp truyền thông cũng được chú trọng. Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì việc biên soạn và chuẩn hóa các tài liệu truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng như giáo viên, phụ huynh và học sinh. |
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 20% trường tiểu học, 15% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có bể bơi cố định hoặc di động. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên vào năm 2035, với 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được trang bị bể bơi phục vụ dạy bơi. Không chỉ tập trung vào hệ thống trường học, chương trình còn hướng đến việc xây dựng ít nhất một bể bơi tại 50% xã, phường, thị trấn vào năm 2030 và 70% vào năm 2035, nhằm phục vụ nhu cầu học bơi an toàn cho trẻ em tại địa phương.
Một phụ huynh tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Hoàng Vy, chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chương trình này. Đã có quá nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra chỉ vì các con thiếu kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước. Việc đầu tư bể bơi trong trường học không chỉ giúp các con học bơi mà còn giảm gánh nặng đưa đón khi phải học bơi ngoài trung tâm”.
Vai trò của nhân viên y tế trường học
Chương trình cũng đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong công tác dạy bơi và phòng chống đuối nước. Đến năm 2030, ít nhất 70% cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được tập huấn bài bản về kỹ năng phòng chống đuối nước, con số này sẽ đạt 95% vào năm 2035. Ngoài ra, mỗi trường học sẽ có ít nhất 2 giáo viên được cấp chứng nhận đủ năng lực tổ chức dạy bơi an toàn vào năm 2030, tăng lên 3 giáo viên vào năm 2035. Điều này đảm bảo việc giảng dạy diễn ra thường xuyên, liên tục và không bị gián đoạn do thiếu nhân sự chuyên trách.
Ngoài việc tập huấn giáo viên, chương trình còn đề cập đến vai trò của nhân viên y tế trường học trong việc xử lý tình huống khẩn cấp. Đến năm 2030, 85% nhân viên y tế trường học sẽ được bồi dưỡng kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước, con số này sẽ đạt mức tuyệt đối 100% vào năm 2035. Điều này vô cùng cần thiết bởi trong nhiều vụ đuối nước, việc sơ cứu kịp thời ngay tại hiện trường đóng vai trò quyết định trong việc cứu sống nạn nhân.
Một phụ huynh khác, anh Trần Văn Minh ở TP.HCM, cho rằng: “Tôi thấy rất cần thiết khi có các khóa huấn luyện sơ cấp cứu cho giáo viên và nhân viên y tế trong trường. Bởi lẽ không phải lúc nào tai nạn cũng xảy ra trong giờ học bơi, mà có thể ở các khu vực ao hồ xung quanh trường. Nếu giáo viên và y tế trường được trang bị kỹ năng đầy đủ, các em sẽ được hỗ trợ kịp thời hơn”.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng chống đuối nước, các buổi sinh hoạt chuyên đề kỹ năng sống cũng sẽ được lồng ghép vào chương trình giảng dạy. Việc tuyên truyền qua các kênh phương tiện đại chúng như truyền hình, mạng xã hội và báo chí cũng sẽ góp phần lan tỏa thông điệp mạnh mẽ hơn đến cộng đồng.
Có thể nói, Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh là một bước đi đúng đắn và kịp thời trong bối cảnh tai nạn đuối nước vẫn đang là mối lo lớn. Khi được thực hiện hiệu quả, chương trình không chỉ giúp trẻ em được bảo vệ tốt hơn mà còn nâng cao ý thức cộng đồng, giảm thiểu những mất mát thương tâm. Sự thành công của chương trình sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự chung tay của cả xã hội, từ nhà trường, gia đình cho đến chính quyền địa phương và toàn thể cộng đồng.
Thủy Phạm
Bình luận (0)