Âm nhạc đã dần trở nên quen thuộc với người dân TP tuy nhiên việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học vẫn là một vấn đề cần thiết. Việc cho các em học sinh làm quen với những âm thanh dân tộc, quen thuộc với những giai điệu cổ truyền sẽ giúp cho các em có sự hiểu biết về văn hóa dân tộc từ đó bồi dưỡng cho các em lòng yêu nước thông qua yêu thương văn hóa.
Nhiều trường thực hiện
Trong những năm gần đây, khi Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai việc giới thiệu âm nhạc dân tộc xuống các trường học thì việc giảng dạy âm nhạc dân tộc cũng đã bắt đầu phổ biến ở nhiều trường học. Có thể kể đến môn đàn tranh tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3) trong 8 năm liên tục được chọn làm các môn thẩm mỹ tự chọn cho các em, hình thành những tốp biểu diễn với nhiều tiết mục được giải thưởng của quận. Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3) với môn học đàn tranh, các em của trường đã đạt giải thưởng trong Liên hoan em yêu đàn tranh TP.HCM và giải thưởng của Cuộc thi Sắc màu nhạc cụ. Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) giảng dạy nhiều nhạc cụ và có thể thành lập tốp nhạc với các nhạc khí khác nhau. Trường Tiểu học Đuốc Sống (Q.1) đã xây dựng được chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc do các em trong đội năng khiếu thực hiện. Ngoài ra còn có một số trường đưa âm nhạc dân tộc vào các khóa ngắn hạn để giới thiệu cho các em tập làm quen với các nhạc khí và các làn điệu dân ca cổ truyền.
TS.Nguyễn Thị Hải Phượng (giảng viên Nhạc viện TP.HCM) cho biết, việc cho các em học sinh làm quen với những âm thanh dân tộc, quen thuộc với những giai điệu cổ truyền sẽ giúp cho các em có sự hiểu biết về văn hóa dân tộc nói chung. Từ đó bồi dưỡng cho các em lòng yêu nước thông qua yêu thương văn hóa. Việc biết chơi một loại nhạc khí dân tộc cũng giúp các em hình thành sự tự hào đối với di sản của cha ông và là hành trang cho các em hòa nhập với thế giới toàn cầu hóa ngày mai. “Vì vậy, việc xây dựng những giáo trình để đưa âm nhạc dân tộc, đưa các nhạc khí dân tộc vào trường học vẫn là niềm mong mỏi của những con người luôn yêu thương và trân trọng di sản nước nhà”, TS. Phượng chia sẻ.
Nhạc sĩ Đặng Quang Vinh (hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM) cho hay, trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, chương trình giáo dục âm nhạc đã được chú trọng hơn. Nhiều trường đã tổ chức các câu lạc bộ âm nhạc, các buổi biểu diễn, cuộc thi hát nhằm khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động nghệ thuật. Một số trường tại TP.HCM dù không đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng đã cố gắng khắc phục những hạn chế bằng cách liên kết với các trung tâm văn hóa và các nghệ sĩ chuyên nghiệp để tổ chức các lớp học và hoạt động ngoại khóa về âm nhạc. Ngoài chương trình học chính khóa, nhiều trường học đã tổ chức các sự kiện âm nhạc như lễ hội văn nghệ, hội diễn ca nhạc, giao lưu văn nghệ giữa các lớp, các trường. Chẳng hạn, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình) thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ vào dịp cuối năm học, thu hút sự tham gia nhiệt tình của học sinh và phụ huynh. “Những sự kiện này không chỉ giúp học sinh thể hiện tài năng mà còn tạo ra không khí vui tươi, gắn kết trong nhà trường. Các sự kiện âm nhạc còn là dịp để phát hiện và bồi dưỡng những tài năng âm nhạc trẻ”, nhạc sĩ Vinh cho biết.
Giáo dục theo hướng tiếp cận đa văn hóa
ThS. Trần Thanh Xuyên – Ủy viên BCH Phân hội Văn nghệ dân gian tỉnh Hậu Giang cho rằng, giáo dục âm nhạc cho học sinh là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không thể thiếu. Việc này đòi hỏi người giáo viên phải có trình độ chuyên môn, yêu nghề. Trước khi dạy các em học hát, nghe hát, vận động theo nhạc thì người giáo viên phải cho các em làm quen với âm nhạc mọi lúc mọi nơi. Thời đại 4.0 cho trẻ cơ hội thụ hưởng những giá trị mới nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều quan ngại về những người làm văn hóa giáo dục. Vì vậy việc nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc cho trẻ theo hướng tiếp cận đa văn hóa là tạo cơ hội để trẻ giải tỏa năng lượng, tiếp cận phương pháp học mới hiện đại, kích thích trí tưởng tượng và phát huy tính sáng tạo. “Giáo dục đa văn hóa trong nhà trường chính là hệ thống các tác động có hướng đích của nhà giáo dục đến trẻ em và đến các yếu tố có liên quan qua các chiến lược và phương thức giảng dạy phù hợp nhằm trang bị hiểu biết về sự đa dạng văn hóa, về giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, hình thành thái độ thân thiện, bình đẳng, tôn trọng với người khác, dân tộc khác, phát triển khả năng giao tiếp, hợp tác, chống phân biệt đối xử… cho trẻ em. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc theo hướng tiếp cận đa văn hóa cho thiếu nhi trong thực tiễn hiện nay” là rất cần thiết”, ThS. Xuyên góp ý.
Nhạc sĩ Phạm Quế Nguyên (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại TP.HCM) cho biết, trong chương trình giáo dục âm nhạc của học sinh tiểu học, phân môn hát chiếm thời lượng khá lớn. Khi các em tham gia ca hát là được tự hoạt động để nhận thức thế giới xung quanh và bản thân mình. Những hình tượng âm thanh của bài hát, bản nhạc, tác động vào cảm xúc của các em, giúp cho việc phát triển trí tuệ, óc tưởng tượng và có tác dụng giáo dục tình cảm, đạo đức rất tốt. Thông qua việc học bài hát của các nhạc sĩ, các làn điệu dân ca, các em học được rất nhiều cách miêu tả, cách xây dựng hình ảnh với những lời ca hay, giai điệu đẹp. “Dạy hát ở lớp 1, 2, 3, giáo viên chủ yếu dạy theo phương pháp hát mẫu, giáo viên hát mẫu từng câu ngắn, sau đó học sinh hát theo và nối tiếp cho đến hết bài. Trước khi dạy hát và trong lúc học sinh tập hát, giáo viên cần uốn nắn tư thế ngồi đứng cho đúng cách (ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không nghiêng vẹo). Khi các em hát sai, giáo viên chỉ rõ chỗ sai và hát mẫu để các em sửa chữa ngay. Trong khi dạy hát, giáo viên kết hợp đánh đàn và cho nghe băng, đĩa. Do chương trình âm nhạc lớp 4, 5 có nhiều nội dung khác nhau mang tính phân môn vì thế phương pháp dạy học cũng đòi hỏi nhiều vấn đề mới”, nhạc sĩ Nguyên góp ý.
Kiều Khánh
Bình luận (0)