Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục Việt Nam trước thềm kỷ nguyên mới

Tạp Chí Giáo Dục

Một mùa xuân mới rộn ràng, tươi vui lại đến trên đất nước ta, trong thời điểm cả nước đang nỗ lực tư duy và hành động chuẩn bị cho mục tiêu phát triển, bứt phá và cất cánh trước thềm kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – dự kiến thời điểm khởi đầu từ Đại hội XIV của Đảng (vào tháng 1-2026).

Giáo dục Việt Nam trước thềm kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Chỉ còn khoảng một năm nữa, kỷ nguyên mới sẽ diễn ra đồng thời với kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với kỳ vọng dân giàu, nước mạnh, đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là nước ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Trước chủ trương chiến lược đó, ngành giáo dục Việt Nam đặt ra cho mình yêu cầu trọng yếu là đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với nhiều quyết sách đột phá, nhằm phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, phát triển GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đứng trước kỷ nguyên mới, giáo dục cần một sự thay đổi từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, đến nền giáo dục phát triển con người toàn diện; thay đổi lối tư duy và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để mạnh mẽ bứt phá.

Kỷ nguyên mới lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển, nên trước hết, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực thích ứng.

Phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp

Sự chuyên nghiệp của nhà giáo chính là nền tảng cho đổi mới giáo dục, nên phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp không chỉ là một chiến lược dài hạn mà còn là nhu cầu bức thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Với hiện trạng chất lượng đội ngũ giáo viên chưa thật đồng đều, hệ thống cơ sở vật chất còn ít nhiều hạn chế, để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới chúng ta phải cải thiện nguồn nhân lực – chất lượng đội ngũ nhà giáo – để có thể đáp ứng được các yêu cầu trong kỷ nguyên mới.

Kỷ nguyên mới đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục Việt Nam trong hiện trạng chúng ta còn nặng về việc truyền tải kiến thức, chưa hoàn thiện mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, nhà giáo không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà là người khơi dậy cảm hứng học tập. Với sứ mệnh ngày càng quan trọng, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để lực lượng nhà giáo phát triển, kiến tạo một đội ngũ giáo chức mới.

Để chất lượng GD-ĐT đạt như kỳ vọng, nhà giáo phải chuyên nghiệp hơn trong mọi phương diện: Am hiểu mục tiêu giáo dục, hiểu biết sâu sắc về người học và quá trình phát triển của các em; nắm vững không chỉ nội dung chuyên môn sâu của mình mà còn cả hệ thống kiến thức liên môn để truyền tải bài học sáng tạo, hiệu quả; làm chủ hoạt động giảng dạy, thủ đắc nhiều hình thức, phương pháp giảng dạy, sử dụng đa dạng các kỹ năng quản lý lớp học, người học.

Trưc k nguyên mi, mi nhà giáo cn nhn thc rõ vai trò ca mình, không ngng hc hi và sáng to đ chung tay xây dng mt nn giáo dc cht lưng cao, phát trin bn vng và đm đà bn sc nhân văn, sn sàng bưc vào k nguyên vươn mình ca dân tc, hưng đến mt tương lai xán ln ca nn giáo dc Vit Nam.

Đặc biệt, cần chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp nhà giáo và năng lực, kiến thức tâm lý giáo dục, kỹ năng nắm bắt nhu cầu học tập của thế hệ học sinh hiện nay, cùng kỹ năng giao tiếp, ứng xử và đồng hành cùng học sinh; giáo viên cần được củng cố kiến thức chuyên môn qua các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, kết hợp với việc khuyến khích học tập suốt đời, nhằm giúp nhà giáo thích nghi nhanh chóng với chương trình giáo dục mới; nhà giáo cần sử dụng thành thạo các công cụ hiện đại để nâng cao hiệu quả giảng dạy trong kỷ nguyên công nghệ.

Trước kỷ nguyên mới, mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ vai trò của mình, không ngừng học hỏi và sáng tạo để chung tay xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, phát triển bền vững và đậm đà bản sắc nhân văn, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng đến một tương lai xán lạn của nền giáo dục Việt Nam.

Tổ chức bộ máy giáo dục tinh gọn, hiệu quả, chủ động

Cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; quan tâm đời sống nhà giáo kết hợp với tinh giản biên chế đội ngũ giáo chức theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một đầu mối đảm đương nhiều việc và một việc chỉ giao cho một đầu mối chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; cạnh đó cần thiết kế phương án tổ chức bộ máy phù hợp theo điều kiện thực tiễn địa phương.

Cắt giảm cấp trung gian không cần thiết, hợp nhất, sắp xếp lại theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh giao trách nhiệm cho các cấp quản lý giáo dục gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp. Tiếp tục xây dựng, tổ chức bộ máy các cấp trong ngành tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, để ngành giáo dục tiếp tục giữ vị thế quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng trước kỷ nguyên mới.

Tiếp theo là phân cấp, phân quyền triệt để. Công tác phân cấp, phân quyền trong ngành giáo dục rất quan trọng, mang tính cốt lõi để đẩy mạnh yêu cầu tự chủ hóa trong các cơ sở giáo dục, đồng thời tích cực giúp cho việc tinh giản tổ chức triệt để, tạo điều kiện thuận lợi tăng cường năng lực hoạt động của bộ máy. Đặc biệt, cần trao quyền tự chủ, tự quyết khi tuyển dụng, phân bổ, điều động, biệt phái nhân lực giáo dục sẽ hạn chế hiện trạng thừa – thiếu cục bộ nhân lực đang tồn tại trong ngành.

Đảm bảo việc phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của các sở, phòng, các cơ sở giáo dục với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tư duy sáng tạo; nâng cao chất lượng dạy học trên cơ sở đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, theo mục tiêu giáo dục căn bản lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô làm động lực, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, xây dựng cơ chế phù hợp để đẩy mạnh quá trình hình thành xã hội học tập, học tập suốt đời.

Chuẩn bị tâm thế, nhân tài – vật lực sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ mới của thực tiễn đặt ra là chuẩn bị cho phổ cập số, phong trào bình dân học vụ số, “xóa mù” số, từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, tăng cường đào tạo các ngoại ngữ khác theo yêu cầu của công việc.

Năm 2025 – Ất Tỵ là năm trọng tâm trước thềm kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đứng trước thời điểm lịch sử, ngành GD-ĐT nói chung, các nhà giáo nói riêng phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành. Mỗi nhà giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức – luyện tài, yêu nghề – yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức nhà giáo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; biến những nỗ lực thành hiện thực, tạo động lực, tạo đà bứt phá cho năm mới và những năm tiếp theo.

Chúc thầy và trò năm mới khỏe mạnh, tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực cùng nhau tăng tốc đổi mới giáo dục; mong toàn thể xã hội, các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành, ủng hộ cho ngành giáo dục phát triển mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Đ Thành Dương

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)