Với niềm đam mê nghệ thuật, thầy Nguyễn Trí Hạnh (giáo viên mỹ thuật, Trường THPT Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An) đã tạo nên nhiều bức tranh vẽ bằng phấn bảng. Mỗi tác phẩm của thầy đều gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó có những tác phẩm về Tết cổ truyền được phác họa một cách chân thật, sống động, tạo không khí Tết sum vầy, ấm áp.
Hình ảnh Tết trên phấn bảng
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, thầy Hạnh lại có những tác phẩm về Tết cổ truyền. Tác phẩm “Tết Việt 2025” được thầy chăm chút tỉ mỉ, tràn đầy không khí mùa xuân, khiến ai xem qua đều cảm thấy hân hoan, phấn khởi trông đợi mùa xuân về. Trong tác phẩm, thầy vẽ một gia đình trong ngôi nhà mái ngói đang đón Tết. Ông bà đang gói bánh chưng, ngoài sân hoa mai, hoa đào đã nở rộ. Con cháu xúng xính áo quần hớn hở về thăm và chúc Tết ông bà.
Thầy Hạnh chia sẻ: “Tết trong tác phẩm là Tết ở miền Bắc. Tết là dịp cả gia đình đoàn tụ cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau thăm hỏi người thân, đi lễ Tết, chúc Tết đầu năm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Bên cạnh cây nêu, tràng pháo thì không thể thiếu đi bánh chưng và không thể thiếu con cháu về quê cùng đón Tết với ông bà, cha mẹ”.
Năm nay Tết Ất Tỵ, thầy Hạnh đã vẽ bức tranh về linh vật rắn. Qua đôi tay khéo léo cùng với cách phối màu hài hòa, linh vật rắn trông đẹp mắt, dễ thương, không hề đáng sợ. Tác phẩm “Tết xa” của thầy Hạnh hiện lên thân quen, gần gũi. Đó là bà mẹ dẫn hai con mang theo nhiều món đồ về ngoại ăn Tết.
Để mọi người ôn lại truyền thống và tự hào về dòng giống cội nguồn, thầy Hạnh đã vẽ tác phẩm “Con rồng cháu tiên”. Con rồng là biểu tượng đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Với hình ảnh Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, thầy Hạnh muốn nhắc nhở mọi người phải luôn nhớ về cội nguồn để từ đó giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Tất cả đều được thầy Hạnh vẽ trên bảng đen với chất liệu là phấn màu. “Tôi rất thích vẽ với nhiều chủ đề. Riêng chủ đề Tết, tôi đang ấp ủ vẽ nhiều tác phẩm từ nay cho đến Tết. Bên cạnh Tết miền Bắc, tôi cũng mong muốn có dịp tìm hiểu Tết miền Nam vì mỗi nơi có những đặc trưng riêng. Tôi hy vọng ấp ủ của mình sớm được thực hiện để mọi người có thể chiêm ngưỡng tác phẩm”.
Trước đây, thầy Hạnh vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau nhưng rồi thầy nhận ra rằng, mình là giáo viên hằng ngày đều tiếp xúc với phấn bảng vậy tại sao mình không dùng chất liệu này vẽ nên tác phẩm đẹp mắt. Vậy là tôi mày mò tìm hiểu và bắt đầu vẽ”, thầy Hạnh chia sẻ.
Theo thầy Hạnh, vẽ phấn bảng dễ nhưng cũng rất khó vì đòi hỏi kỹ thuật phải điêu luyện, cách phối màu phải hài hòa. Để có tác phẩm tranh vẽ bằng phấn màu chân thực nhất, thầy Hạnh đều dành một khoảng thời gian ấp ủ, nung nấu ý tưởng, nghiên cứu sâu, phác thảo ra giấy cấu trúc của sự vật, hiện tượng. Đôi lúc, thầy Hạnh cũng được đồng nghiệp, học sinh và bạn bè gợi ý, cố vấn một số đề tài, ý tưởng vẽ tranh bằng phấn màu.
Truyền cảm hứng tích cực
Từ ngày bắt đầu vẽ tranh từ phấn bảng, thầy Hạnh đã tạo nên rất nhiều tác phẩm độc đáo với nhiều chủ đề khác nhau nhưng tựu trung đều lan tỏa văn hóa Việt. Và trong mỗi tác phẩm đều mang màu sắc, câu chuyện và thông điệp về cuộc sống.
Trong số các chất liệu của hội họa, phấn bảng là chất liệu mới và khó lưu giữ. Mỗi tác phẩm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi để nhường chỗ cho những bài học mới của học sinh. Vì vậy, sau khi tác phẩm hoàn thành, thầy đã dùng điện thoại chụp và quay lại sau đó đăng lên các nền tảng mạng xã hội để cất giữ. Và thầy xem đó là những “triển lãm” quy mô nhất của mình.
Không chỉ vẽ để thỏa đam mê, truyền thông điệp về bảo tồn văn hóa dân tộc mà thầy Hạnh còn truyền cảm hứng nghệ thuật đến mọi người, đặc biệt là cộng đồng giáo viên trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ hình thức lưu giữ tranh vẽ trên mạng xã hội, nhiều người đã biết đến thầy và học theo cách vẽ từ thầy. Nhiều giáo viên ở các tỉnh thành cũng ngỏ ý mời thầy Hạnh về dạy họ cách vẽ phấn bảng thầy cũng sẵn sàng đến để hỗ trợ miễn phí. “Tôi đã đi được 12 tỉnh, thành trên cả nước dạy vẽ phấn bảng và truyền cảm hứng nghệ thuật vẽ bảng đến giáo viên. Tôi rất vui và tự hào khi tác phẩm mình vẽ được đón nhận và lan tỏa đến nhiều người công tác trong ngành giáo dục trên cả nước”, thầy Hạnh chia sẻ.
Những nét vẽ từ bảng phấn được thực hiện trong thời gian ngắn nhưng vừa tô điểm cuộc sống vừa giúp giáo viên, học sinh có thêm cảm hứng trong học tập. “Hiện nay học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới nên kiến thức rất nhiều. Thông qua những tác phẩm tranh vẽ trên bảng, các em có thể chiêm ngưỡng để thư giãn, lấy lại năng lượng để tiếp tục với việc học”, thầy Hạnh chia sẻ.
Hồ Thúy Kiều
Bình luận (0)