Đến nay, TP.Cần Thơ chỉ còn 0,09% hộ nghèo, nằm trong top địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của cả nước. Thành quả đáng trân trọng này là tổng hợp nhiều yếu tố, bên thềm xuân Ất Tỵ 2025, TS. Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.Cần Thơ đã dành cho phóng viên Giáo dục TP.HCM buổi trao đổi xung quanh vấn đề này…
TS.Xuân Mai cho biết, để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, TP.Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từ chỉ đạo, điều hành thực hiện; tuyên truyền; đến huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách (tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở, khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, nhân rộng mô hình sinh kế/giảm nghèo hiệu quả); giám sát đánh giá… Các quận, huyện có nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của từng địa phương như: Vận động người dân tham gia học nghề, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, mô hình giảm nghèo bền vững… giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm với thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2024 TP giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,12%, đạt 200% kế hoạch (chỉ tiêu giao giảm 0,06% giảm 219 hộ, thực hiện giảm 0,12% giảm 414 hộ), tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 còn 0,09% tương đương 350 hộ.
+ Phóng viên: Đối với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, TP.Cần Thơ thực hiện ra sao, thưa bà?
TS.Trần Thị Xuân Mai: Năm 2024, TP.Cần Thơ đã xây dựng, sửa chữa tổng số 665 căn nhà với tổng kinh phí 38,6 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND 9 quận, huyện: Còn 531 căn nhà cần xây mới và sửa chữa, tổng kinh phí 27,060 tỷ đồng. Các quận, huyện đang tiếp tục rà soát, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở nhưng chưa có đất cất nhà hoặc đất nằm trong quy hoạch, đất mượn của bà con, để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo TP nhằm có giải pháp hỗ trợ theo quy định.
Cần Thơ phấn đấu đến tháng 9-2025, cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ, hoàn thành phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” và chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030.
+ Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Cần Thơ đã đạt nhiều thành quả tích cực, đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho TP và vùng ĐBSCL. Xin bà cho biết về thành công này?
– Theo thống kê, năm 2024, tại Cần Thơ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là: 619.519. Trong đó lao động qua đào tạo là 518.537. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2024 đạt 83,7%, vượt chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu giao đạt 83%), trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33,2%, vượt chỉ tiêu được giao là 30%, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 28,5%.
Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP.Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, và đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển công tác GDNN. Qua đó, nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề tiếp tục được tăng cường; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN được nâng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn trong đào tạo, thực hành rèn luyện kỹ năng nghề cho người học. Các nghề đào tạo ngày càng đa dạng, hiện có 84 nghề được triển khai, trong đó 59 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 25 nghề đào tạo trình độ trung cấp. Chất lượng và hiệu quả đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Có thể nói, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn TP.Cần Thơ ngày càng được nâng cao, chất lượng và hiệu quả GDNN đáp ứng ngày càng tốt hơn. Theo báo cáo của các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP, hàng năm tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo bình quân đạt 75-80%, đặc biệt, một số nghề ở trình độ cao đẳng tỷ lệ sinh viên ra trường đạt trên 90%, như: Cơ điện tử; điện tử công nghiệp; công nghệ ô tô; dược, điều dưỡng; hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng, khách sạn, nuôi trồng thủy sản…
Để đạt được những kết quả trên, những năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các cơ sở GDNN trên địa bàn TP triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các cơ sở GDNN thường xuyên thông báo về số lượng, chất lượng, ngành nghề, loại hình được đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người học nắm bắt thông tin, doanh nghiệp nắm thông tin phục vụ tuyển dụng; các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm nhằm đưa thông tin đến người học.
Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ sở GDNN tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn TP và các tỉnh, thành bạn để có kế hoạch tư vấn, tuyển sinh đào tạo phù hợp. Xây dựng mối quan hệ phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm.
Các cơ sở GDNN cũng tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, trong đó các trường dạy nghề trọng điểm tham gia chương trình do Hội đồng Anh tài trợ về chuyển giao bộ chương trình kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn Hội đồng Anh và chương trình chuẩn hóa tiếng Anh cho giảng viên thuộc các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN và quốc tế… Nhiều thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các trường và đối tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo liên thông và hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
+ Xin cảm ơn TS. Trần Thị Xuân Mai!
Đan Phượng thực hiện
Bình luận (0)