Tôi nhớ là đã đọc cuốn Lục Vân Tiên từ hồi tiểu học nhưng chỉ là đọc các câu thơ theo cách người ta đọc… văn xuôi!
Chợt một bữa nghe ba tôi đọc những câu thơ bằng một làn điệu rất đặc biệt mà tôi biết rõ là câu mở đầu của tác phẩm này: “Trước đèn xem truyện Tây minh/ Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le”… Tôi ngạc nhiên vô cùng: Sao thơ có thể đọc như là hát vậy. Nhưng khác với hát, ba tôi đọc những câu nữa cũng bằng một cái điệu đó, dù cũng có lên xuống, trầm bổng, nhưng cứ vài câu thì lại lặp lại. Tôi tò mò hỏi thì ba tôi mới giải thích rằng, người ta đọc truyện Lục Vân Tiên như vậy đó!
Trong một trò chơi của nhiều trẻ em ở miền Tây Nam bộ ngày trước liên quan đến câu chuyện này, đó là ngâm (đọc) các câu: “Vân Tiên cõng mẹ đi vô/ Đụng phải (cái)… cõng mẹ đi ra” và “Vân Tiên cõng mẹ đi ra/ Đụng phải (cái)… cõng mẹ đi vô”, với các chữ còn thiếu phải vần với chữ “vô” và “ra”, như “gà cồ” và “cái nhà”, “cái bồ” và “con gà”… Hai bên cứ hát đối đáp nhau như thế, bên nào tìm không ra từ thì thua! Dĩ nhiên, không ai mượn mấy câu hát – câu thơ này để châm chọc cụ Đồ Chiểu sao lại cho Lục Vân Tiên cõng mẹ ra vô luẩn quẩn như vậy, cái chính là người ta đã mượn được một câu chuyện, một thể loại hát – nói phổ biến để giải trí, để kích thích sự phát triển từ ngữ của trẻ. Sau này tìm hiểu tôi mới biết đó chính là “nói thơ Vân Tiên”, một hình thức nghệ thuật độc đáo, kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và văn học, đặc biệt là với tác phẩm Lục Vân Tiên. Nói thơ Vân Tiên trở thành một giai điệu thấm sâu trong lòng người dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi khi trà dư tửu hậu hoặc lúc rảnh rỗi. Giai điệu này còn được các bà mẹ dùng trong thể loại hát ru con (hoặc hát đưa em). Đây có thể coi là một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, phản ánh sâu sắc các giá trị truyền thống và tinh thần văn hóa của dân tộc.
Tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024, có một số buổi phục vụ nói thơ Vân Tiên được nhiều người ngạc nhiên và trầm trồ. Một số người cho biết dù sống ở đất Sài Gòn này hàng chục năm nhưng vẫn chưa từng biết có loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Nhiều người khi xem biểu diễn đã đi từ cảm giác lạ lẫm đến cảm nhận gần gũi, từ thấy ngồ ngộ đến sự thú vị, từ xem vì tò mò đến thưởng thức vì độc đáo…
Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc gặp rất nhiều thử thách. Những loại hình sân khấu vốn rất phổ biến như tuồng, chèo… giờ không còn nhiều người nhớ tới, nhất là người trẻ, thậm chí không ít người chưa từng nghe, xem tác phẩm nào; các loại hình dân ca như hò, hát ru, các điệu lý, kể cả ca cổ, cũng bị mai một do các bạn trẻ ít quan tâm hoặc không còn hứng thú thưởng thức. Cùng với đó là những mai một khác như thói quen, nếp sống, ngôn ngữ, các cách ứng xử tương ứng… cũng thay đổi ít nhiều. Chẳng hạn, những bà mẹ trẻ thuộc gen Z giờ không nhiều người biết hát ru hoặc chỉ ngâm nga vài câu “học lóm được”; hay thay vì giới thiệu một bản dân ca Việt Nam đến khách nước ngoài thì có bạn trẻ lại chọn đọc một bản rap… Trong bối cảnh đó, việc nói thơ Vân Tiên được làm cho “sống lại” và lan tỏa trong nhà trường hay ở nhiều nơi khác có thể là một điều rất tuyệt vời. Bởi nói thơ Vân Tiên giúp duy trì và phát huy giá trị của tác phẩm văn học cổ điển, là minh chứng cho sự sáng tạo và trí tuệ của ông cha trong việc làm lan tỏa tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bằng một hình thức độc đáo, dung dị, gần gũi, dễ cảm nhận. Hình thức này còn phát triển thành một số dạng khác như đối đáp, hát ru, góp phần đáng kể vào việc xây dựng đời sống văn hóa của người dân ở các tỉnh Nam kỳ trong suốt hơn 150 năm qua.
Trong nhà trường, việc lồng ghép nói thơ Vân Tiên khi học các đoạn trích tác phẩm Lục Vân Tiên hoặc trong các sinh hoạt ngoại khóa, học về âm nhạc… có thể mang ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập và sáng tạo của học sinh. Bởi qua việc học và thực hành nói thơ Vân Tiên giúp học sinh rèn luyện khả năng diễn đạt, nhớ, hiểu sâu sắc về nội dung và ý nghĩa của tác phẩm. Hình thức nghệ thuật này không chỉ là việc diễn đọc thơ mà còn bao gồm sự thể hiện cá nhân, qua đó khuyến khích sự sáng tạo và biểu cảm của người thực hiện. Bên cạnh đó, nói thơ Vân Tiên có thể tạo ra các hoạt động tập thể, qua đó gắn kết học sinh, giáo viên dù có sở thích khác nhau, trong việc chia sẻ và tận hưởng di sản văn hóa chung. Đồng thời, các hoạt động diễn xướng thơ có thể trở thành cơ hội để học sinh giao lưu, thảo luận và học hỏi về văn hóa và truyền thống dân tộc.
Từ ý nghĩa đó, các trường học nên có cách làm lan tỏa hình thức nghệ thuật nói thơ Vân Tiên trong nhà trường và từ đó góp phần lan tỏa ra toàn xã hội. Chẳng hạn, giáo viên (môn âm nhạc, ngữ văn…) có thể đưa nói thơ Vân Tiên vào chương trình giảng dạy, gồm cả phần học tác phẩm và thực hành nói thơ. Có thể tổ chức các cuộc thi và hoạt động liên quan đến nói thơ Vân Tiên, như thi nói thơ, biểu diễn văn nghệ, các buổi workshop… Đây là cơ hội để học sinh thể hiện tài năng và hiểu biết về văn học cổ điển. Đương nhiên, trong một số sinh hoạt ngoại khóa có thể mời các nghệ nhân và chuyên gia về văn học – nghệ thuật truyền thống đến hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm. Điều này giúp học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về kỹ thuật và nghệ thuật nói thơ.
Đối với xã hội, có thể tạo ra các sự kiện văn hóa và lễ hội liên quan đến nói thơ Vân Tiên trên quy mô lớn, như các buổi biểu diễn công cộng, hội thảo và triển lãm về văn học và nghệ thuật dân gian, mà hoạt động trong Lễ hội Đường sách Tết như đã nêu ở trên là một thí dụ điển hình. Điều này giúp lan tỏa giá trị văn hóa và thu hút sự quan tâm của công chúng.
Trong điều kiện hiện nay, nên quan tâm sử dụng mạng xã hội, các loại hình truyền thông đa phương tiện để quảng bá và giới thiệu về nghệ thuật nói thơ Vân Tiên. Trong đó, nên đăng tải các video hướng dẫn, các buổi biểu diễn trực tiếp và phỏng vấn với các nghệ nhân để nâng cao nhận thức, sự yêu thích đối với hình thức nghệ thuật này. Đồng thời, khuyến khích sự hình thành của các đội nhóm, câu lạc bộ văn học, nghệ thuật truyền thống để tạo ra các không gian giao lưu và học hỏi, gắn với các hoạt động thực tế để làm lan tỏa các hình thức nghệ thuật truyền thống nói chung và nói thơ Vân Tiên nói riêng.
Có thể khẳng định, nói thơ Vân Tiên là một hình thức nghệ thuật truyền thống, là một phần quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Để bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong bối cảnh hiện đại, cần có sự hợp tác và nỗ lực từ nhiều phía, từ nhà trường đến toàn xã hội. Bằng cách tích hợp vào chương trình giảng dạy, tổ chức các sự kiện văn hóa, sử dụng truyền thông và khuyến khích sáng tạo, chúng ta có thể làm lan tỏa tinh thần của nói thơ Vân Tiên rộng rãi hơn và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ tương lai.
Nguyễn Minh Hải
Bản thảo truyện Lục Vân Tiên bằng tranh vẽ trong khoảng 1915-1919 được giới thiệu lần đầu tiên tại IDECAF, TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Internet
Bình luận (0)