Cũng như bao ngư dân trên dải đất hình chữ S, với những lão ngư sinh ra và lớn lên trên triền biển Đà Nẵng, suốt đời bám biển mưu sinh thì mùa xuân còn là mùa mở biển. Những lễ cúng cầu ngư trang trọng diễn ra ngay những ngày đầu xuân, những con thuyền mang theo cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, dong buồm thẳng tiến ra khơi mang theo nhiều hy vọng về một năm mới thuận lợi, đánh bắt được nhiều cá tôm…
Chuyện xưa bạn thuyền thăm nhau ngày Tết
Ngày xuân, nắng hanh vàng trên bãi biển Mân Thái. Những chiếc thuyền neo bờ cạn dập dềnh theo từng làn sóng trắng. Một khung cảnh thật yên bình. Ông Huỳnh Văn Mười – một người dân làng biển Mân Thái bắt đầu câu chuyện ngày Tết bằng chất giọng trầm ấm: “Gia đình tôi có nhiều đời làm nghề biển. Tôi lớn lên cũng theo cha ra biển suốt nhiều năm liền. Biển dữ dội mà bao dung, cung cấp cho người dân xứ này nguồn sống từ đời này sang đời khác. Nếu hỏi, chúng tôi có yêu biển không có lẽ đó là một câu hỏi thừa. Với ngư dân, biển là vườn nhà”.
Ông Mười kể, ngày trước khi việc đi biển còn theo phường bạn, ngoài ông chủ đầu tư đóng thuyền thì các phường bạn sẽ chung ngư lưới cụ để cùng nhau ra biển đánh bắt cá tôm. Thành quả mang về sau mỗi chuyến biển được chia phần trăm hợp lệ. Bởi vậy, mỗi con thuyền vươn khơi đều có sự gắn kết của những bạn thuyền này, họ xem nhau như anh em ruột thịt. Trên những chuyến hải trình ngày trước, mỗi bạn thuyền trước lúc ra khơi đều được người vợ, người mẹ chuẩn bị đầy đủ tư trang, từ chiếc bát ăn cơm đến đôi đũa tre, chiếc tăm mang theo cùng. Với tay lên vách, lấy xuống một chiếc ống tre đựng đũa, ông Mười bảo: “Cuộc đời ngư phủ lênh đênh biển giả, phía trước là gì họ không thể biết hết. Vì vậy, xưa khi bạn thuyền đi biển thường mang theo đôi đũa tre có sợi dây cước buộc chặt phía trên. Việc buộc dây không chỉ để tránh cho đũa rơi mà còn là tâm ý của người vợ. Khi chồng ra khơi, họ gửi gắm thông điệp thông qua đôi đũa buộc dây nhằm cầu mong cho người chồng ra khơi bình an trở về để không bị lẻ đôi, đơn chiếc”. Câu chuyện ấy bây giờ được ông Mười gom nhặt, lưu giữ và có dịp du khách hoặc các bạn học sinh, sinh viên đến, ông thường kể lại. “Tôi muốn những câu chuyện hay về nghề biển cha ông mình được lưu truyền và ghi nhớ”, ông Mười nói.
Ngày trước, đêm 29, 30 Tết, các bạn thuyền chộn rộn, tập trung lại nhà chủ thuyền để cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét, làm thịt đôi ba con heo rồi chia phần cho các phường bạn. Bữa cơm tất niên tại nhà chủ thuyền diễn ra đầm ấm và rôm rả chuyện biển khơi rồi ai về nhà nấy. Sáng đầu năm, chủ thuyền sẽ chọn một bạn thuyền hợp tuổi đến nhà làm lễ cúng tổ nghề, cầu mong một năm mới đi biển thuận lợi. “Ngư dân luôn đặt nghề biển lên trước, vì vậy ngày đầu năm các bạn thuyền sẽ cùng nhau đến nhà chủ thuyền chúc Tết rồi từ đó cùng nhau lần lượt đến từng nhà phường bạn. Tết cả làng biển xôn xao vui lắm”, ông Mười nhớ lại.
Công cuộc đô thị hóa đẩy biển dần xa. Cá tôm gần bờ cạn hơn trước. Ngư dân bám biển đổi qua phương án đóng tàu công suất lớn để vươn khơi. Câu chuyện phường bạn chung nhau ngư lưới cụ trên một con thuyền dần được đổi khác. Đôi khi chủ tàu không trực tiếp điều khiển tàu đi đánh bắt mà họ thuê hẳn thuyền trưởng cầm lái, thuê luôn cả ngư phủ giăng lưới, bủa câu. Dẫu vậy, phong tục thăm nhau ngày Tết vẫn được bà con gìn giữ. “Cả năm bám biển mưu sinh, tranh thủ dăm ba ngày Tết, tôi vẫn thường đến nhà anh em, bà con lối xóm để thăm hỏi, chúc nhau năm mới làm ăn thuận lợi, nhiều sức khỏe. Tập quán đẹp này xưa nay luôn được đời sau kế nối và gìn giữ”, ngư dân Lê Dũng, ở quận Thanh Khê chia sẻ.
Mở biển cầu cho mưa thuận, gió hòa
Đi dọc các làng biển Đà Nẵng, không khó để bắt gặp những lăng Ông gắn với tín ngưỡng thờ phụng cá Ông (Thần linh Nam Hải). Tục thờ cá Ông (cá Voi) đã có từ lâu đời ở miền biển. Theo truyền thuyết, cá Ông hóa thân từ mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm đã thả xuống biển để cứu vớt các sinh linh thì chìm đắm do sóng to, gió lớn. Người làm nghề biển luôn tin rằng, cá Ông là vị thần luôn có mặt đúng lúc để giúp đỡ người đi biển khi gặp hoạn nạn giữa trùng khơi. Vì thế, ngư dân dọc miền biển nơi đâu cũng xây dựng lăng thờ vị thần này một cách trang trọng và nghiêm cẩn. Năm 2016, lễ hội cầu ngư Đà Nẵng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Lễ hội cầu ngư không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Thông qua lễ hội, bà con ngư dân động viên nhau tiếp tục bám biển, tăng cường tình đoàn kết, chung tay xây dựng nếp văn hóa cộng đồng ý nghĩa. Và hơn hết là nâng cao tinh thần bảo vệ biển đảo quê hương”, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở làng biển Nam Ô – Đặng Dùng nói. |
Theo các bậc cao niên ở các làng chài Đà Nẵng như Nam Ô, Mân Thái, Tân Trà… kể rằng, xưa nay các ngư dân trên hải trình đi biển không may gặp nạn đã được cá Ông cứu giúp rất nhiều. “Nhiều ngư dân đi biển khi gặp sóng to gió lớn nguy cấp thì thấy cá Ông xuất hiện. Cá Ông có khi đi trước dẫn đường, có khi đi sát mạn tàu để nâng đỡ cho con tàu vượt qua sóng lớn đến vùng biển lặng, an toàn. Vì vậy, với người dân miền biển, cá Ông là vị thần hộ mệnh trên biển”, ngư dân Nguyễn Tiến ở quận Sơn Trà cho biết.
Ngày xuân, mái đình làng biển ở Đà Nẵng lại rộn ràng với các lễ hội truyền thống, lễ cúng cầu an, mở biển để cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang. Ông Nguyễn Lự, Trưởng thôn Thọ An (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, lễ cúng “tống ôn” trong các nghi thức cúng tế tại lăng Ông được xem là nghi thức quan trọng. “Tống ôn” là xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, cầu mong thần linh phù hộ cho năm mới tốt lành đến với bà con ngư dân. Sau các nghi lễ cúng tế, chiếc tàu công suất lớn sẽ đưa các bậc cao niên và các ngư dân nhằm hướng cửa biển Tiên Sa rẽ sóng hướng ra khơi. Nơi cửa biển ấy, ngư dân cúng thần Nam Hải và nghinh rước thần linh, cầu mong cho trời yên biển lặng, được mùa cá tôm, người đi biển tránh được rủi ro, tai nạn. Tập tục này được thực hiện và gìn giữ hàng bao đời nay, từ thuở khai canh lập làng và hành nghề biển.
Dọc dài câu chuyện về mùa mở biển, ông Trần Việt Linh – Trưởng làng chài Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) kể, ngư dân làng biển xưa kia ngoài các lễ cúng thường có lễ dựng nêu tại lăng Ông vào ngày 26 tháng 12 âm lịch hàng năm, lễ cúng hạ nêu diễn ra sau Tết Nguyên đán. Qua thăng trầm và biến thiên thời cuộc, công cuộc đô thị hóa khiến không gian bị thu hẹp. Dù vậy, ngư dân Tân Trà vẫn giữ lẽ cúng lăng Ông, cầu an, mở biển hàng năm. Dọc các làng biển khác ở Đà Nẵng, vào mùa xuân, các nghi lễ vẫn được bà con ngư dân tổ chức trọn vẹn với bầu không khí phấn khởi.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)